Ủy ban Kinh tế Ngân sách của Quốc hội lấy ý kiến về luật Ngân sách sửa đổi
Ngày 1-8, tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Kinh tế Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) với sự tham dự của các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo của một số tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Hội nghị do, PGS.TS Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách của Quốc hội chủ trì.

Luật cũ còn nhiều hạn chế

Báo cáo tại hội nghị, ông Đỗ Việt Đức, Phó vụ trưởng vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, Luật ngân sách năm 2002 đã góp phần nâng cao vị trí, vai trò của công tác tài chính, ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đã cân đối ngân sách tích cực, vững chắc, dư nợ chính phủ, dư nợ công ở mức hợp lý. Đảm bảo chủ động trong quản lý điều hành ngân sách nhà nước và ngân sách cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương còn có điểm chưa phù hợp thực tế.

“Căn cứ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm chưa đầy đủ, chưa gắn chặt với kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước trung hạn, chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Một số quy định về công tác chấp hành, quyết toán ngân sách, thanh tra, toán còn chưa hợp lý và đầy đủ”, ông Đức nói.

Theo đó, quan điểm sửa đổi Luật ngân sách nhà nước 2002 là vẫn bảo đảm tuân thủ Hiến pháp 2013; kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành; đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao tính minh bạch, dân chủ và công khai trong công tác quản lý ngân sách nhà nước; kiểm soát hoạt động thu chi…

“Mục tiêu là nhằm khắc phục những tồn tại của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành để nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước, tạo động lực phát triển các nguồn lực, phân bổ ngân sách tập trung, hợp lý, đảm bảo công bằng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng của đất nước. Góp phần ổn định và phát triển nền tài chính quốc gia, tăng trưởng kinh tế một cách bền vững”, ông Đức cho biết.

Xây dựng luật mới hoàn thiện hơn

Tại hội nghị, ông Lê Bá Dũng, Phó giám đốc Sở Tài Chính TP Đà Nẵng cho biết, sau 10 năm thực hiện Luật ngân sách nhà nước năm 2002 đã tạo điều kiện cho địa phương tích cực khai thác các nguồn thu, tăng tiềm lực tài chính, chủ động thực hiện nhiệm vụ chi. Từ đó, tăng khả năng tự cân đối của ngân sách địa phương. “Đối với TP Đà Nẵng, trong gia đoạn 2003-2013, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 89.744 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 13,3%. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 78.304 tỷ đồng, tăng 21,2%/năm. Theo đó, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của TP được tập trung đầu tư, nhiều công trình trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng. Làm thay đổi diện mạo đô thị của TP theo hướng đô thị biển, văn minh, hiện đại thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội” - ông Dũng dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, Luật Ngân sách nhà nước 2002 vẫn còn nhiều hạn chế vì vậy TP đề xuất : “Luật ngân sách sửa đổi lần này cần quy định tất cả các khoản thu đều là thu cân đối ngân sách, trong đó quy định một số khoản thu được cân đối để chi cho những mục tiêu cụ thể. Ngoài ra, nên sửa đổi việc quyết định tỷ lệ phần trăm chia 5 khoản thu cho ngân sách xã, phường do HĐND tỉnh, thành quyết định tùy theo tình hình thực tế các địa phương…Bên cạnh đó, đề nghị tăng mức thưởng vượt dự toán thu đối với số tăng thu từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương. Xem xét thưởng vượt thu đối với số tăng thu các khoản thu ngân sách trung ương được hưởng 100%”.

Kết luận hội nghị, PGS.TS Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách của Quốc hội cho biết, việc sửa đổi Luật ngân sách nhà nước năm 2002 là điều cần thiết để phù hợp hơn với thực tiễn nền kinh tế hiện nay. Sau khi hội thảo kết thúc các ý kiến đóng góp sẽ được xem xét, nghiên cứu để Ủy ban và các đơn vị chức năng trình Quốc hội xem xét thông qua. “Các ý kiến tham luận của các địa phương, các chuyên gia kinh tế góp ý cho dự thảo luật lần này sẽ góp phần quan trọng cho luật mới ra đời. Tạo tiền đề cho công tác quản lý kinh tế, ngân sách nhà nước được tốt hơn. Hi vọng khi luật mới được thông qua, những hạn chế trong việc quản lý ngân sách trước đây sẽ được khắc phục và giúp cho nền kinh tế đất nước phát triển bền vững hơn, đời sống người dân được cải thiện tốt hơn”, Phó chủ nhiệm Đinh Văn Nhã cho hay.

LÊ NHÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác