Hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ là ban hành các chính sách
Ngày 1-8, tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới và sơ kết 6 tháng Chương trình "Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014", các đại biểu cho rằng cần phải có sự kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa chính quyền-doanh nghiệp mới có thể thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp và nền kinh tế của thành phố Đà Nẵng. Phó Chủ tịch thường trực UBND Võ Duy Khương chủ trì hội nghị.

Chính sách hỗ trợ mạnh mẽ
 
 Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và đặc biệt là việc triển khai Chương trình “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố trong việc nỗ lực xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Nhiều chính sách hỗ trợ tích cực và mạnh mẽ đã được lãnh đạo thành phố đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, đã phần nào giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định. Trong đó có thể kể đến các chính sách hỗ trợ về xuất khẩu phần mềm, chính sách ưu đãi đầu tư vào khu Công nghệ cao, Khu CNTT tập trung, hỗ trợ đào tạo và tiếp nhận lao động vào các doanh nghiệp, hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất các mặt hàng lưu niệm, phát triển du lịch đường sông, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thông tin, xúc tiến thị trường, xúc tiến du lịch…
 
 Thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính với cuộc vận động "3 hơn"::nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn. Kết quả, đã có 147 thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đã được triển khai nhanh hơn với tổng số gần 270.000 hồ sơ giao dịch hành chính, 75 thủ tục được xử lý hợp lý hơn và 26 giải pháp thân thiện hơn, tiết kiệm chi phí thời gian cho doanh nghiệp hơn 28.000 ngày làm việc. Các quận, huyện và một số xã đã tổ chức mô hình hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính.
 
 Đặc biệt, việc thực hiện “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” với những chính sách ưu đãi riêng có của Đà Nẵng, đã tạo niềm tin mạnh mẽ đối với cộng đồng doanh nghiệp thành phố. Quỹ Đầu tư phát triển thành phố được bổ sung 120 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, đến nay đã có 11 doanh nghiệp được vay với tổng số vống hơn 19 tỷ đồng; Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố cũng đã ký hợp đồng bảo lãnh và phát hành chứng thư bảo lãnh tín dụng cho 3 công ty với mức bảo lãnh 3,55 tỷ đồng.
 
 Tăng cường hợp tác công-tư
 

 Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền thành phố trong thời gian qua, chính quyền đã thật sự quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp, điều đó không chỉ thể hiện trong các chính sách mà còn ở việc thường xuyên thăm hỏi, tổ chức gặp mặt, khen thưởng, đối thoại, trực tiếp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số chính sách vẫn chưa đem lại kết như mong muốn như việc di dời một số cơ sở sản xuất nhỏ ra khỏi các khu dân cư, việc vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, Quỹ Bảo lãnh tín dụng còn chậm, thủ tục rườm rà, chưa hợp lý. Đại diện Hội doanh nghiệp trẻ thành phố cho rằng, các chính sách hỗ trợ của thành phố mới chỉ tập trung dành cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, riêng lĩnh vực dịch vụ - một trong những định hướng phát triển quan trọng của thành phố vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thành phố cần mở rộng đối tượng được vay tại Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng, đồng thời nới rộng thời gian vay vốn từ 6 tháng lên 12 tháng, đối với doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, uy tín thì có thể gia hạn, cho vay thêm… Cũng về ngành dịch vụ, các đại biểu đề nghị thành phố lưu ý việc phát triển cầu cảng dành cho thuyền du lịch trên sông Hàn, đồng thời kiểm tra chặt chẽ công tác bảo đảm an toàn của các phương tiện chở khách hoạt động trong lĩnh vực này khi đã có đến 6 chiếc thuyền vỡ, chìm trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Võ Duy Khương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

 Đồng ý với quan điểm trên, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với các chính sách hỗ trợ do chưa thật sự hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp. Ông Vinh đề nghị thành phố cho phép các doanh nghiệp được tham gia góp ý ngay từ đầu trong việc xây dựng chính sách, quy hoạch thuộc ngành, lĩnh vực hoạt động của mình; cần công khai, minh bạch các thông tin, đặc biệt là thông tin về đất đai, đấu thầu… tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ông Vinh cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp mong muốn cùng với chính quyền thành phố thực hiện hợp tác đầu tư công - tư để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, quản lý bãi biển dọc đường Hoàng Sa, Trường Sa. “Đây là một trong những vấn đề không chỉ liên quan đến môi trường dân sinh mà còn là bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành du lịch thành phố trong tương lai” – ông Vinh nhấn mạnh.
 
 Cũng liên quan đến hợp tác công – tư, đại diện doanh nghiệp trên địa bàn quận Cẩm Lệ đề nghị cho phép UBND quận Cẩm Lệ cùng với các doanh nghiệp trên địa bàn thành lập điểm sản xuất công nghiệp tập trung tại phường Hoà Thọ Tây; có chính sách hỗ trợ đối các dự án xây dựng nhà ở công nhân…
 
 Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Võ Duy Khương đánh giá cao những góp ý, đề xuất của các doanh nghiệp. Vấn đề hợp tác công tư đang là một xu hướng tất yếu, lãnh đạo thành phố cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn có không ít khó khăn, nhất là lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, thường có khấu hao chậm, khả năng thu hồi vốn không cao. Do vậy, đối với việc đầu tư 2 địa điểm sản xuất tập trung dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng sẽ xem xét giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư, thành phố sẽ hỗ trợ giải phóng mặt bằng… Riêng đối với tình trạng ô nhiễm tại các bãi biển dọc tuyến Trường Sa, Hoàng Sa, hiện thành phố đang triển khai dự án thu gom nước thải bằng chân không và xử lý nước thải do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tài trợ, đồng thời xây dựng nhà máy xử lý nước thải Sơn Trà, sẽ góp phần giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm tại khu vực này. Phó Chủ tịch yêu cầu lãnh đạo Quỹ Đầu tư và phát triển thành phố, Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động và linh hoạt hơn trong việc xét duyệt các hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn và duy trì hoạt động hiệu quả của các Quỹ.
 
 Trong 6 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch yêu cầu các sở, ban, ngành, các đơn vị tiếp tục triển khai các chương trình toạ đàm kết nối doanh nghiệp, gặp gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục thực hiện việc đơn giản các thủ tục hành chính, công khai, minh bạch thông tin, trong đó đặc biệt chú ý sửa chữa, thay đổi cả thái độ làm việc của cán bộ, công chức, không để xảy ra tình trạng hướng dẫn, chỉ lòng vòng khiến doanh nghiệp mất thời gian, tiền của.

NGỌC THỦY
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác