Đà Nẵng là hình mẫu về triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính
Đó chính là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Minh Hồng tại buổi làm việc giữa TP Đà Nẵng với Ban điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước về kết quả triển khai Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố vào ngày 18-11.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan nhà nước

Theo ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở TTTT thành phố, Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng ra đời đã góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả chỉ đạo điều hành của hệ thống các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố; nâng cao chất lượng cung cấp dịch  vụ hành chính công, giảm thiểu các chi phí gồm chi phí dịch vụ, chi phí đi lại, chi phí thời gian và các chi phí khác có liên quan cho người dân và các doanh nghiệp trong quá trình sử dụng các dịch vụ công. Đồng thời, tạo môi trường bình đẳng, công khai, minh bạch trong việc tiếp cận thông tin của chính quyền đối với người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường thúc đẩy, đưa công nghiệp CNTT -TT thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; từng bước hình thành mô hình "Thành phố điện tử", thành phố thông minh, tạo tiền đề và nguồn lực cơ bản để hướng đến xây dựng mô hình một nền kinh tế tri thức cho Đà Nẵng tương lai.

Hạ  tầng CNTT-TT được xác định là nền tảng cơ bản của Hệ thống với trang thiết bị được thành phố đầu tư trang bị tại từng sở ban ngành, UBND các quận huyện, phường xã với tỷ lệ trang bị máy tính đã đạt trên 1 máy tính/1 CBCCVC. Mạng đô thị  thành phố (Mạng MAN) được xây dựng với chiều dài gần 300km cáp quang ngầm, băng thông mạng trục đạt tốc độ 20Gbps, kết nối 95 cơ quan nhà nước, từ  UBND thành phố đến các sở, ban, ngành, quận huyện, xã, phường.

Trung tâm dữ liệu được xây dựng với dung lượng lưu trữ giai đoạn đầu đến 100TB phục vụ cho việc phát triển chính quyền điện tử tại Đà Nẵng. Hệ  thống kết nối không dây công cộng (Hệ  thống wifi) với tổng cộng 430 điểm phát sóng wifi phủ sóng tại tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, các khu vực trung tâm của thành phố, các địa điểm du lịch và khu vực công cộng và đang được xúc tiến bổ  sung trạm thu phát để nâng cao chất lượng, mở rộng vùng phủ sóng. 

Da Nang eGovPlatform (Nền tảng ứng dụng Chính quyền điện tử) – linh hồn, cốt lõi của Hệ thống - là một nền tảng tích hợp, cung cấp môi trường hoạt động và liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng CNTT-TT. Nền tảng này kế thừa mô hình, công nghệ và kinh nghiệm do Cơ quan thông tin quốc gia Hàn Quốc (NIA) chuyển giao với dữ liệu được quản lý tập trung trong toàn bộ  thành phố, cung cấp một cổng làm việc tích hợp, dùng chung cho toàn bộ CBCCVC, người dân và doanh nghiệp, áp dụng trên phạm vi  nhiều cơ quan nhà nước khác nhau, nhiều lĩnh vực ứng dụng khác nhau.

Hệ thống bao gồm nhiều ứng dụng tiêu biểu như “Một cửa điện tử” với một cửa điện tử tại quận, huyện, xã, phường đã hỗ trợ đến 234 TTHC, trong đó có 141 TTHC đã được xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức 3. Hệ thống thư điện tử @danang.gov.vn được cung cấp miễn phí cho toàn bộ CBCCVC của tất cả  các cơ quan với khoảng 9000 tài khoản và tỷ lệ khai thác thường xuyên đạt trên 70%. Thành phố cũng đã triển khai nhiều dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực như cấp phép lái xe, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử  dụng đất, cấp phép kinh doanh, cấp phép đầu tư, hộ  tịch, y tế… Những dịch vụ này góp phần tạo thuận tiện, giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng các dịch vụ hành chính công do các cơ quan nhà nước cung cấp.

Hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, Đà Nẵng đã có những thành tựu và kết quả rất đáng ghi nhận về triển khai các ứng dựng CNTT trong hoạt động của các cơ quan QLNN. Những kết quả đó đã được ghi nhận cụ thể với việc thành phố luôn dẫn dầu bảng xếp hạng đánh giá của Bộ TTTT về mức độ ứng dụng CTTT trong các cơ quan NN cũng như đánh giá của Hội Tin học Việt Nam về Chỉ số Sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT-ICdex) trong suốt mấy năm qua. Trong khu vực và quốc tế, Đà Nẵng cũng là địa phương duy nhất của Việt Nam đến nay đã nhận được giải thưởng của Tổ chức FutureGov vào năm 2011 và giải thưởng Xuất sắc trong Thu hẹp khoảng cách số của Tổ chức Chính quyền điện tử thế giới (WeGO) năm 2014. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên tổ chức khánh thành Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử vào ngày 22-7-2014 vừa qua, đây là sự kiện lớn không chỉ của Đà Nẵng mà còn của cả nước và giới CNTT. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có văn bản chính thức giao cho Bộ TTTT đánh giá mô hình Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử của TP Đà Nẵng để xem xét triển khai nhân rộng nếu có hiệu quả. Chuyến công tác lần này của Bộ TTTT cũng là buổi làm việc chính thức đầu tiên để triển khai ý kiến chỉ đạo này của Phó Thủ tướng.  

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho hay, Bộ TTTT đánh giá cao tính hiệu quả cũng như khả năng của đội ngũ nhân lực CNTT của thành phố hoàn toàn có thể làm chủ về mặt công nghệ liên quan đến Nền tảng ứng dụng Chính quyền điện tử (Da Nang eGovPlatform) vốn có thể tương thích với các điều kiện khác nhau và các ứng dụng khác nhau. Ông nhận định, Da Nang eGovPlatform - linh hồn, cốt lõi của Hệ thống là cách làm rất mới, rất đáng tham khảo và học tập. Các ứng dụng tiêu biểu của thành phố gần như đáp ứng đầy đủ theo các quy định của Nghị định 64 và của Bộ TTTT. Bên cạnh đó, các ứng dụng chuyên ngành mà thành phố đang triển khai hướng đến mô hình của một thành phố thông minh hơn như quản lý xe buýt công cộng, chiếu sáng đô thị, hệ thống thoát nước, chất lượng nước… cũng là một điểm khác biệt so với các địa phương khác. Điều này thể hiện rõ ứng dụng CNTT hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý của các ngành, lĩnh vực khác. 

Cũng theo Thứ trưởng, Ban điều hành rất chú trọng đến các khuyến nghị của Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết tại buổi họp này về việc triển khai mở rộng mô hình Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng. Theo đó, nếu có triển khai cũng không nên áp dụng theo kiểu nhân rộng hàng loạt một cách máy móc mà phải tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương. Nếu chưa triển khai được trên phạm vi toàn tỉnh/thành phố thì có thể xem xét triển khai ở mức độ phù hợp, có thể là quận/khu vực để từ đó có thể nhân rộng ra tại chính địa phương đó. Ông cũng đề nghị thành phố trong thời gian đến, song song với việc triển khai các ứng CNTT thì cũng chú trọng công tác đảm bảo an toàn thông tin và tìm hiểu ứng dụng chữ ký số.


QUỲNH ĐAN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác