Bảo đảm nguồn thu mùa lễ hội
Đăng ngày 28-04-2017 08:30, Lượt xem: 288

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2017) sắp diễn ra, mở đầu đợt cao điểm của mùa du lịch tại Đà Nẵng. Đây là cơ hội để các ngành, lĩnh vực kinh doanh, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch tăng doanh thu. Ngay từ đầu tháng 4, các quận Hải Châu, Sơn Trà… đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm nguồn thu trong mùa lễ hội cũng như chống thất thu thuế.

Tìm hiểu từ Chi cục Thuế các quận Hải Châu, Sơn Trà cho thấy, để hạn chế tình trạng thất thu thuế vào mùa lễ hội, giải pháp chung thường được các cơ quan thuế áp dụng là điều chỉnh tăng mức thuế ngay từ đầu năm trên cơ sở kết quả đạt được từ công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu của năm trước.
Để khai thác tốt nguồn thu trong mùa lễ hội, UBND quận Hải Châu xác định giải pháp căn cơ là tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đi kèm với triển khai mạnh công tác quản lý thuế phù hợp. Ngay từ đầu tháng 4, UBND quận Hải Châu tổ chức gặp mặt hàng trăm đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, ăn uống, hàng quà lưu niệm để tuyên truyền đến người kinh doanh về các chủ trương, chính sách của quận.

Ông Ngô Việt Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hải Châu cho biết, những năm gần đây, nguồn thu từ thuế công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh (chủ yếu khai thác từ hoạt động dịch vụ thương mại, du lịch) chiếm tỷ trọng lớn (khoảng hơn 60%) trong cơ cấu nguồn thu ngân sách toàn quận. Hiện nay, trên địa bàn có 100 doanh nghiệp, 1.036 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực ăn uống; 114 khách sạn và 38 hộ kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ. Rút kinh nghiệm cũng như kết quả chống thất thu các năm trước, ngay từ đầu năm 2017, Chi cục Thuế quận Hải Châu đã có những điều chỉnh phù hợp trong việc ấn định thuế đối với các hộ kinh doanh cũng như đấu tranh trong kê khai thuế với các doanh nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực nhà hàng, khách sạn..., nhằm hạn chế việc trốn thuế, lách thuế.

Năm 2016, Chi cục kiểm tra 25 doanh nghiệp và 5 hộ cá thể kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ thương mại, ăn uống; qua đó truy thu, phạt tiền chậm nộp với tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng; số thuế tăng thêm sau kiểm tra gần 5,7 tỷ đồng. Trong đó, số thuế truy thu, phạt chậm nộp từ các đơn vị kinh doanh ăn uống, khách sạn, nhà hàng hơn 820 triệu đồng. Riêng đối với các hộ kinh doanh ăn uống, qua kiểm tra 5 hộ, phát hiện có 4/5 hộ tăng thu trên 50%, có 1 hộ tăng thu trên 33%. Kết quả này cho thấy, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở các lĩnh vực trên phần lớn đều có tăng trưởng, năm sau thường cao hơn năm trước. Đây chính là cơ sở để ngành thuế điều chỉnh mức thuế tăng phù hợp với tình hình thực tế cũng như góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước, nhất là những tháng cao điểm của mùa lễ hội.   

Lãnh đạo Chi cục Thuế quận Sơn Trà cho biết, trên địa bàn quận hiện có 167 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khách sạn, 491 hộ kinh doanh ăn uống được quản lý thuế, trong đó có 280 hộ nộp thuế khoán với số thuế lập bộ 353,71 triệu đồng/tháng (tính đến tháng 1-2017); 379 hộ kinh doanh hoạt động lưu trú (nhà nghỉ), trong đó có 95 hộ nộp thuế khoán với số thuế lập bộ 77,67 triệu đồng/tháng. Từ kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu trong năm 2016, Chi cục đã có điều chỉnh mức thuế lập bộ phù hợp với tình hình kinh doanh của đơn vị kinh doanh, sát hơn doanh thu thực tế. Theo đó, tổng số thuế lập bộ tháng 1-2017 đạt hơn 1 tỷ đồng, bằng 112% so với số lập bộ tháng 1-2016. Số thu từ hoạt động thương mại, du lịch - dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách của toàn quận. Trong quý 1-2017, với hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, Chi cục chỉ đạo các đội thuế phường lập danh sách, phân loại hộ theo doanh thu, mức thuế để thường xuyên giám sát, điều tra thực tế hoạt động kinh doanh, nếu có biến động tăng từ 50% trở lên sẽ điều chỉnh doanh thu, mức thuế. Nhất là vào đợt cao điểm của mùa hè, mùa lễ hội, Chi cục tham gia các đoàn do UBND quận thành lập để kiểm tra tình hình hoạt động kinh doanh, về giá đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Đồng thời, tổ chức đợt tuyên truyền cao điểm người dân mua hàng nên lấy hóa đơn, người bán hàng phải xuất hóa đơn tại các cơ sở kinh doanh lớn trên địa bàn.

Đối với Cục Thuế thành phố, trong quý 1-2017, Cục chọn ra 100 nhà hàng, khách sạn mới, có quy mô kinh doanh lớn nhưng kê khai doanh thu, thuế phải nộp không sát với thực tế kinh doanh để đưa vào diện giám sát chặt chẽ; đồng thời phối hợp với Sở Du lịch trong việc cung cấp thông tin về các hạng sao, số lượng phòng, công suất phòng, giá cho thuê phòng của từng khách sạn trên địa bàn thành phố, kiểm tra việc kê khai thuế, nộp thuế của các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành. Phối hợp với cơ quan Công an phường, quận nắm số lượng khách đăng ký lưu trú của khách sạn nhằm có cơ sở để so sánh, đấu tranh trong kê khai thuế của các đơn vị này.

Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố sự kiện, thành phố của các lễ hội. Điều này không chỉ quảng bá hình ảnh của thành phố mà còn góp phần phát triển kinh tế, tăng thu cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người dân. Để khai thác tốt nguồn thu từ mùa lễ hội, cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp chính quyền và sự phối hợp tích cực từ phía người dân, nhất là người kinh doanh, buôn bán.

Theo báo Đà Nẵng

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT