Trung Quốc đơn phương cấm biển: Ngư dân miền Trung vẫn ra khơi
Đăng ngày 04-05-2017 10:21, Lượt xem: 363

Trước việc Trung Quốc ngang nhiên đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 1-5 đến 16-8 ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và một phần vịnh Bắc Bộ, ngư dân Việt Nam và ngư dân miền Trung hết sức bất bình. Để khẳng định chủ quyền các vùng biển và hải đảo, ngư dân miền Trung vẫn ra khơi đánh bắt hải sản.

Sáng 3-5, có mặt tại Âu thuyền - Cảng cá Thọ Quang, chúng tôi ghi nhận không khí chuẩn bị ra khơi náo nhiệt của ngư dân. Từng nhóm tàu của ngư dân vào các nhà máy nước đá sát cầu Mân Quang để lấy đá; trên các cầu cảng, nhiều ô-tô chở đá lạnh ra tận nơi để cung cấp cho ngư dân.

“Việc Trung Quốc đơn phương cấm biển thì năm nào cũng diễn ra. Với chúng tôi, lệnh cấm đó không có giá trị. Vì vậy, ngư dân chúng tôi thường xuyên ra khơi, trong đó đội tàu của chúng tôi đợt này ra khơi đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa của ngư dân Việt Nam”, ngư dân Lê Văn Xin (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) khẳng định.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), chủ 4 con tàu lớn thường đánh bắt tại các ngư trường Hoàng Sa và vịnh Bắc Bộ cũng cho rằng, lệnh cấm của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị.

“Biển của mình, họ ngang nhiên cấm là vi phạm Công ước về Luật Biển quốc tế. Gia đình chúng tôi vẫn thường xuyên cho tàu ra khơi để đánh bắt, kết hợp thu mua hải sản tại các ngư trường, trong đó có hai ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và vịnh Bắc bộ”, chị Hương nói và đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam sát cánh với ngư dân.

Không chỉ ngư dân Đà Nẵng ra khơi đánh bắt tại các vùng biển truyền thống mà ngư dân các tỉnh miền Trung cũng cho tàu ra khơi. Ngư dân Nguyễn Văn Hòa (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) hối hả cho tàu vào nhà máy nước đá Văn Thông bốc gần 150 cây đá.

Trên bờ, một xe tải nhỏ chở lương thực, thực phẩm đưa xuống tàu để kịp ra vùng biển Hoàng Sa. Anh Hòa cho biết: “Biết tin Trung Quốc đơn phương cấm biển nhưng các thuyền viên trên tàu không hề nao núng. Năm 2016 cũng vậy, trong giai đoạn Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt tại khu vực Biển Đông, trong đó có vịnh Bắc Bộ và Hoàng Sa, tháng nào chúng tôi cũng ra ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt. Chúng tôi thường đi theo nhóm để bảo vệ nhau”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho biết, việc đơn phương áp đặt lệnh cấm biển là vi phạm nhân quyền và chủ quyền vì ngăn cản ngư dân Việt Nam làm ăn, sinh sống hợp pháp trên vùng biển Việt Nam.

Vì vậy, ngư dân Việt Nam không chấp hành lệnh cấm vô lý này mà tiếp tục vươn khơi bám biển để bảo vệ ngư trường truyền thống của mình. Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng kiên quyết phản đối hành động của Trung Quốc; đồng thời đề nghị ngư dân ra khơi hoạt động theo nhóm để hỗ trợ nhau khi cần thiết; các lực lượng chấp pháp thường xuyên sát cánh cùng ngư dân để họ yên tâm vươn khơi bám biển.

Trong khi đó, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng cho biết, bằng các hệ thống thông tin liên lạc, BĐBP luôn nắm bắt tình hình để động viên ngư dân. Trong giai đoạn này, BĐBP thành phố luôn hướng dẫn ngư dân đánh bắt tại các vùng biển an toàn và phải thường xuyên liên lạc với lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, Chi đội Kiểm ngư số 3 đóng tại Đà Nẵng cũng thường xuyên có mặt trên biển để bảo vệ ngư dân. Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng luôn túc trực liên lạc với ngư dân 24/24 giờ để kịp thời báo với các cơ quan chức năng xử lý thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của ngư dân trên biển…

Theo báo Đà Nẵng

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT