Liên kết du lịch các địa phương: Tăng sức hút của điểm đến
Đăng ngày 05-05-2017 09:44, Lượt xem: 435

Trong hoạt động du lịch, việc liên kết, kết nối giữa các địa phương là cách làm hiệu quả để mở rộng tour, tuyến và làm đa dạng các sản phẩm du lịch. Đà Nẵng và các địa phương trong khu vực đang chung tay, kết nối để thu hút thêm các nguồn khách đến với khu vực miền Trung và Đà Nẵng.

Xây dựng thương hiệu chung

Thực tế từ nhiều năm trước, việc liên kết địa phương đã được Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam thực hiện. Những chùm tour như “Con đường di sản”, “Hành trình di sản miền Trung”… chính là điểm kết nối đưa 3 địa phương trở thành điểm đến thu hút du khách. Nếu trước đây, việc liên kết còn lỏng lẻo, chưa bài bản thì những năm gần đây, được sự hỗ trợ của dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (Dự án EU), đến nay, 3 địa phương đã có trang web riêng, có biểu trưng (logo), bộ nhận diện thương hiệu để tiện cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, mới đây, bộ nhận diện thương hiệu 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam được công bố rộng rãi đến các doanh nghiệp du lịch, báo chí, truyền thông trong và ngoài nước; giới thiệu 2 chuỗi sản phẩm “Con đường di sản”; “Con đường thiên nhiên”.

Sản phẩm “Con đường di sản” nhấn mạnh khu vực duyên hải miền Trung có hàng loạt di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di sản này tập trung chủ yếu ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Một số di sản văn hóa chủ yếu nổi bật của khu vực gồm: di sản thế giới quần thể các cung điện, đền đài và lăng tẩm của triều Nguyễn (Hoàng thành Huế), cửa ngõ giao thương Đông Nam Á được bảo tồn một cách hoàn hảo (Hội An) và di sản thế giới di tích khu đền tháp Chăm cổ (Mỹ Sơn); sản phẩm “Con đường thiên nhiên” nói về sự đa dạng sinh học và các quá trình sinh thái quan trọng (rừng quốc gia Bạch Mã, núi Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm).

Nhiều nơi trong số này cũng mang lại cho khách du lịch các cơ hội vui chơi, giải trí tốt như các chuyến đi bộ tới các thác nước có vũng sâu để bơi, các tour tham quan hang động kỳ bí, các chuyến đi để phát hiện các cơ hội hấp dẫn, ngâm mình trong suối nước nóng tự nhiên, các tour về động vật hoang dã khám phá các thảm thực vật và động vật quý hiếm hoặc hấp dẫn của địa phương…

Bộ nhận diện thương hiệu với tên gọi “The Essence of Vietnam” (Tinh hoa Việt Nam) được thiết kế có phần nhấn mang hình tượng trái tim mở cách điệu với màu cam, xanh dương và xanh lục thể hiện các dòng sản phẩm cốt lõi của 3 địa phương là văn hóa, biển đảo và thiên nhiên.

Thuận lợi để xúc tiến, quảng bá

Theo đánh giá của đại diện các đơn vị lữ hành, liên kết các địa phương thuận lợi trong việc xây dựng các chùm tour, nhất là tour dài ngày. Do các điểm đến khá gần nhau nên khi liên kết, sản phẩm tour cũng đa dạng và phong phú hơn. Cụ thể như, các chuyến tàu biển, du khách thường chọn các điểm gần như Huế, Hội An (khi tàu cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng) hoặc chọn đi Đà Nẵng, Hội An (khi tàu cập cảng Chân Mây, Thừa Thiên Huế).

Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Saigontourist Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, việc liên kết 3 địa phương sẽ tạo ra điểm đến chung có sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú, du khách dễ dàng lựa chọn sản phẩm cho chuyến đi; đồng thời, cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng đầu tư, xây dựng các sản phẩm độc đáo, khác biệt dựa trên lợi thế của mỗi địa phương để chào bán cho khách.

Với khách quốc tế, lâu nay họ không phân biệt Đà Nẵng hay Hội An (tỉnh Quảng Nam) nên việc liên kết với những chính sách, cơ chế đồng bộ của các địa phương sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm, tour tuyến cho khách.

Thường xuyên tham gia các chuyến công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết: “Từ khi có logo, trang web chung của 3 địa phương, việc quảng bá thuận lợi và dễ dàng hơn.

Các địa phương vừa có thể giới thiệu, quảng bá những sản phẩm, thế mạnh của mình, vừa tiết kiệm chi phí. Trang web chung là nơi cập nhật tin tức, hoạt động nổi bật nên 3 địa phương luân phiên quản lý, duy trì và cập nhật các thông tin mới nhất. Ngoài ra, việc liên kết còn làm phong phú các chùm tour, dễ dàng xây dựng sản phẩm du lịch theo xu hướng chung hiện nay là bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, du lịch sinh thái…”.

Bà Hương Lan cũng cho rằng, liên kết 3 địa phương với chuỗi di sản, sinh thái, du lịch biển, lễ hội sẽ làm đa dạng điểm đến, bảo đảm chất lượng phục vụ, tăng sức hút của điểm đến, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như thuận lợi hơn trong việc kết nối với các địa phương khác như Hà Nội, Cần Thơ, An Giang, Quảng Bình, Lâm Đồng…

Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, khi tham gia các hội chợ, các chương trình roadshow giới thiệu sản phẩm du lịch trong nước như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng…, hay tầm quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…, đều giới thiệu điểm đến chung của 3 địa phương. Do đó, hình ảnh của Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam đang dần được du khách quốc tế biết đến.

Dù đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp nhưng để việc liên kết giữa các địa phương hiệu quả và sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thì sự tham gia, hưởng ứng của các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú là rất cần thiết.

Khi đó, các địa phương sẽ có sự phối hợp toàn diện về sản phẩm, giá cả, chất lượng tour…, mang đến cho khách hàng những sản phẩm đa dạng và chất lượng dịch vụ tốt nhất; và khi đó, 3 địa phương sẽ thực sự là một điểm đến.

Theo báo Đà Nẵng

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT