Công ty Sojitz (Nhật Bản) tìm hiểu đầu tư dự án Cảng Liên Chiểu
Đăng ngày 25-05-2017 20:07, Lượt xem: 2142

Phát triển tích hợp cảng Tiên Sa và cảng Liên Chiểu, theo đó sẽ chuyển đổi công năng của cảng Tiên Sa thành cảng du lịch và tái phát triển khu vực này trở thành trung tâm thương mại sầm uất, còn cảng Liên Chiểu sẽ đảm nhận vai trò là cảng hàng hóa. Đó là ý tưởng được đề xuât bởi ông Kazumasa Fujita, Phó Trưởng bộ phận Phát triển Cơ sở hạ tầng của Công ty Sojitz (Nhật Bản) tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn vào chiều 25-5 liên quan đến khả năng hợp tác đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu.

Với ý tưởng này, phương án đầu tư được Sojitz đề xuất là sử dụng nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật Bản để đầu tư các hạng mục hạ tầng cơ bản như đê kè chắn sóng, nạo vét luồng lạch, đường dẫn do nguồn vốn này có những ưu điểm là thời gian ân hạn 10 năm, thời gian cho vay từ 30-40 năm với mức lãi suất thấp tính theo đồng Yên Nhật chỉ là 0.1-1.4%. Hợp phần còn lại là hạ tầng bến bãi, thiết bị của cảng sẽ được đầu tư theo hình thức hợp tác công–tư (PPP). Khi đó, Sojitz sẽ thành lập 1 liên danh bao gồm Sojitz, Công ty CP Cảng Đà Nẵng và 1 nhà điều hành có kinh nghiệm trên lĩnh vực cảng biển của Nhật Bản để tham gia đầu tư dự án cảng Liên Chiểu; đồng thời Sojitz cũng sẽ giới thiệu các đối tác mang nguồn hàng đến cho cảng cũng như cùng phối hợp với thành phố tìm nguồn vốn vay để đầu tư cảng Liên Chiểu cũng như là tái phát triển khu vực cảng Tiên Sa.  

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, phải khẳng định mức tăng trưởng của cảng Tiên Sa trong những năm qua là rất nhanh và cảng Tiên Sa có vai trò hết sức quan trọng đối với Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc phát triển cảng Tiên Sa trong giai đoạn hiện nay có những hạn chế nhất định do có những xung đột với tốc độ đô thị hóa của thành phố. Để giải quyết bài toán đó, việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu là cần thiết vì cảng này có vị trí quy hoạch rất phù hợp.

Bên cạnh những thuận lợi về điều kiện tự nhiên vì nằm trong vùng nước sâu, cảng Liên Chiểu còn nằm trong khu vực phát triển rất mạnh mẽ của thành phố. Cụ thể, hầm lánh nạn Hầm đường bộ Hải Vân hiện đang được nâng cấp mở rộng thành hầm giao thông, khi đó sẽ rất thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa bắc nam. Đoạn Đà Nẵng – Tam Kỳ thuộc tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sẽ hòan thành trong vài tháng tới nữa sẽ tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc kết nối giao thông giữa 3 địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như các khu công nghiệp, khu logistics trên tuyền đường này. Cùng với đó, chính phủ 3 nước Việt Nam, Lào và Myanmar đang xúc tiến việc triển khai Tuyến Hành lang Kinh tế Đông – Tây 2. Theo quy hoạch, nhà ga đường sắt hiện trạng trong tương lai gần sẽ được di dời ra vị trí mới tại khu vực Liên Chiểu, và trên tuyến hàng lang đường sắt này sẽ hình thành 1 ga hàng hóa mới rất gần với khu vực dự kiến xây dựng cảng Liên Chiểu. Tại khu vực đó, thành phố cũng đã dành một số khu đất lớn cho Công ty CP Cảng Đà Nẵng để bố trí các kho ngoại quan, logistics với diện tích lớn; cũng như đã chuẩn bị mặt bằng để kêu gọi dầu tư vào Khu Công nghệ cao và Khu CNTT tập trung của thành phố. Mới đây, chính phủ cũng đã thống nhất để Đà Nẵng bổ sung quy hoạch một số khu công nghiệp mới tại khu vực phía Tây Bắc của thành phố. Cùng với đó, quan điểm của thành phố là không phải chỉ xây dựng mỗi cảng Liên Chiểu mà là xây dựng cả Khu đô thị cảng Liên Chiểu.

Về phân khu chức năng, Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong cuộc họp gần đây nhất với Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương giới hạn công suất khai thác tối đa của Cảng Tiên Sa là 10 triệu tấn/năm nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 14B, đặc biệt là đoạn đi qua địa phận Đà Nẵng cũng như phù hợp với định hướng phát triển Cảng Tiên Sa về lâu dài là trở thành cảng du lịch quốc tế, và một phần khu vực này sẽ phát triển dịch vụ, thương mại. Như vậy, cảng Tiên Sa sẽ trở thành 1 cảng hỗn hợp. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã thống nhất chủ trương sớm triển khai đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu để chủ động tiếp nhận hàng hóa vận tải đường biển thông qua khu vực cảng Đà Nẵng vì công suất của cảng Tiên Sa dự kiến sẽ đạt giới hạn tối đa vào năm 2020. Như vậy, trong khoảng thời gian đó, các hạng mục tại khu vực Tây Bắc phải được bắt đầu khởi động để đến năm 2022, giai đoạn 1 của dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ hoàn thành. Phương án đầu tư sẽ theo hình thức hợp tác công–tư (PPP), trong đó các hạng mục gồm đê kè chắn sóng, nạo vét luồng, vũng quay tàu và hạ tầng kỹ thuật tiếp cận cảng sẽ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, có thể xem xét đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA hoặc các nguồn vốn Nhà nước hợp pháp khác. Hợp phần còn lại là đầu tư hạ tầng bến bãi, thiết bị của cảng sẽ được huy động từ các nhà đầu tư tiềm năng theo phương thức xã hội hóa. Chính vì vậy, Đà Nẵng rất trân trọng sự tham gia của các nhà tài trợ, nhà đầu tư, tư vấn như Công ty Sojitz trong quá trình thành phố triển khai dự án này.

Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cũng ghi nhận ý kiến của Công ty Solitz về việc sẽ thành lập 1 BQL Dự án cảng Liên Chiểu; đồng thời cho biết, Đà Nẵng muốn được Bộ GTVT ủy quyền là chủ đầu tư dự án này, khi đó, Đà Nẵng sẽ thành lập BQLDA. Ông cũng rất hoan nghênh việc Solitz chủ động mời các đối tác để tham gia đầu tư vào dự án, đồng thời đề nghị Công ty cập nhật các chủ trương mới nhất cũng như những ý kiến góp ý tại cuộc họp này để hoàn chỉnh đề án của mình và sớm gửi để UBND thành phố xem xét quyết định.

Sojitz là một trong những công ty lớn nhất của Nhật Bản, có lịch sử trên 100 năm và hoạt động SX-KD đa ngành, đa lĩnh vực như năng lượng, sản xuất máy móc thiết bị, hạ tầng khu công nghiệp và các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản và hàng tiêu dùng… Đây cũng là doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam (năm 1986). Tại Việt Nam, Sojitz đã thành lập 20 công ty liên danh, trong đó có Công ty Vijachip tại Đà Nẵng.

 QUỲNH ĐAN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác