Người làm báo đa năng
Đăng ngày 21-06-2017 10:23, Lượt xem: 448

Việc ứng dụng nhiều loại hình âm thanh, chữ viết, video, đồ họa và hình ảnh vào một tác phẩm báo chí giờ đây không còn xa lạ, điều này giúp tăng hiệu quả truyền tải thông tin, nâng cao trải nghiệm cho người đọc. Người làm báo ngày nay trở nên đa năng, bởi họ không chỉ viết, mà còn phải biết chụp ảnh, quay phim, dựng biểu đồ..., buộc người đọc không thể rời mắt khỏi “đứa con tinh thần” của họ.

Tạo trải nghiệm thật cho người đọc

Trong các ngày 12, 14 và 17-10-2016, trong khi cuộc chạy đua vẫn chưa đi đến hồi kết, tờ The Washington Post đăng loạt bài 3 kỳ với tựa đề “Kỷ nguyên mới của những bức tường” (A New Age of Walls), tìm hiểu lý do tại sao nhiều quốc gia đang bắt đầu xây dựng các rào ngăn vật lý trên biên giới. Loạt bài này được cho là lấy cảm hứng từ lời hứa của ông Donald Trump (lúc bấy giờ là ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa) về việc xây dựng bức tường ngăn cách giữa cường quốc hàng đầu thế giới này và nước láng giềng phương nam Mexico.

Sau khi được đăng trên trang washingtonpost.com, “Kỷ nguyên mới của những bức tường” nhanh chóng gây tiếng vang trong làng báo quốc tế, bởi nó đã phá vỡ những khuôn khổ trước đó của một phóng sự điện tử. Mỗi bài báo đều bao gồm video (với chất lượng gần như tuyệt hảo, phủ toàn bộ màn hình), lời viết, biểu đồ tương tác, chân thực đến mức người đọc có cảm giác như đang đứng cạnh một hàng rào biên giới có thực. Đặc biệt, các phương tiện này được điều chỉnh để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người đọc, tùy vào nền tảng mà họ đang sử dụng để đọc báo (điện thoại, máy tính bảng hay màn hình máy tính).

Trên một trang mạng chuyên về nghiệp vụ báo chí của Anh, Giám đốc đồ họa tờ Washington Post Kat Downs nói: “Tôi cảm thấy chúng tôi đã làm được, rốt cuộc chúng tôi đã tạo ra được một thứ gì đó - không đơn thuần chỉ là một bài viết với vài cái ảnh hay video - mà là một câu chuyện thật sự. Một câu chuyện phụ thuộc vào tất cả những phương tiện âm thanh, hình ảnh, chữ viết để giao tiếp với độc giả”.

“Kỷ nguyên của những bức tường” là một tác phẩm tiêu biểu của báo chí đa phương tiện trong thời điểm hiện tại. Hiểu một cách đơn giản, đó là sự tích hợp của nhiều phương tiện (chữ viết, âm thanh, hình ảnh, video, biểu đồ, bản đồ…) vào một tác phẩm báo chí. Tuy nhiên, chắc chắn nó không thể là một món lẩu “hổ lốn” với các phương tiện được “nhét” vào vô tội vạ. Thay vào đó, thông tin mà mỗi phương tiện đem lại phải bổ sung được cho nhau, chứ không “giẫm lên chân” nhau”, ông Kat Downs cho hay. Cũng theo ông, vấn đề là phải làm sao để “lời văn diễn tả được những điều mà chỉ có lời văn mới diễn tả được hoàn hảo, video phải diễn tả được những điều mà chỉ có video mới diễn tả được hoàn hảo và đồ họa cũng thế”.

Kể từ những năm 2010, “làm báo đa phương tiện” đã trở thành một thuật ngữ phổ biến trong nền báo chí quốc tế, đặc biệt là báo chí Mỹ và Bắc Âu. Nếu báo in hay báo hình đơn thuần chỉ truyền tải được một lượng thông tin giới hạn, thì đa phương tiện có thể giúp phá vỡ các ranh giới trong việc “kể chuyện”. Hơn nữa, chính nhu cầu của người đọc đã khiến “đa phương tiện” trở nên không-thể-không-có. Người đọc trong xã hội hiện nay đóng vai trò chủ động, bởi họ có quyền chọn đọc tin tức từ bất kỳ nền tảng nào mà họ muốn như video, đồ họa thông tin (infographics), thậm chí là những dòng viết ngắn từ người trong cuộc được đăng tải trên các mạng xã hội (Facebook, Twitter…) không chỉ đơn thuần đưa thông tin mà còn có cả những phân tích sắc bén. Đứng trước tình thế đó, nếu người làm báo cứ mãi đi theo con đường “truyền thống” - một bài báo dày đặc chữ với 1-2 tấm hình minh họa - chẳng phải là tự đưa mình vào thế khó hay sao?

Không thể không thay đổi

Nói như vậy không có nghĩa là buộc một tờ báo in phải đưa… video vào trang báo của mình, bởi công nghệ hiện tại vẫn chưa đạt được đến mức độ ấy. Tuy nhiên, các tòa báo in vẫn còn những “vũ khí” lợi hại như trang báo/thông tin điện tử, thậm chí là trang mạng xã hội chính thức của tờ báo đó (fanpage). Trong một buổi tọa đàm về báo chí được tổ chức cách đây hai năm tại Hà Nội, nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) nhận định: Những “vũ khí” này vẫn chưa được nhiều báo ở Việt Nam tận dụng triệt để, dù điều đó hoàn toàn nằm trong khả năng của những người làm báo.

Trong khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo đa phương tiện do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 6-2017 tại tỉnh Quảng Trị, nhà báo Vũ Thế Cường, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền dẫn ví dụ một bài báo phản ánh việc người dân xếp hàng chờ mua bánh Trung thu tại các tiệm bánh có tiếng tại Hà Nội. Bài báo được đăng trên một trong những trang báo điện tử phổ biến nhất Việt Nam, đồng thời cũng là một trang tiên phong trong lĩnh vực báo chí đa phương tiện trong nước. Bài báo ấy cũng tích hợp đầy đủ lời viết, hình ảnh và video. Tuy nhiên, thông tin từ lời viết và hình ảnh lại “giẫm” lên video, khiến người đọc có cảm giác phóng viên đưa các phương tiện vào… cho đủ bộ.

Trong 1-2 năm trở lại đây, các diễn đàn báo chí Việt Nam chứng kiến những bước tiến đáng kể của những người làm báo đa phương tiện. Những cái tên như VietnamPlus, VnExpress, Tuổi Trẻ Online… đã ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc với những tác phẩm báo chí được đầu tư công phu cả nội dung lẫn cách thức truyền tải. Đơn cử, muốn tìm hiểu về chuyến công cán của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Mỹ vào cuối tháng 5 vừa qua, người đọc có thể vào trang báo điện tử VietnamPlus và xem các sự kiện được cập nhật theo biểu đồ thời gian của tờ báo này. Quan tâm đến sự kiện nào, người đọc có thể “click” chuột vào thời điểm tương ứng, thay vì phải đọc hết một bài báo dài từ đầu đến cuối.

Như vậy, sự “thâm nhập” của công nghệ vào báo chí là điều không thể tránh khỏi, và không ai có thể đứng ngoài “cuộc chơi” mà không sợ bị mất bạn đọc. Nhà báo bây giờ rất cần bổ sung kỹ năng sử dụng các công cụ có sẵn, thân thuộc nhất chính là chiếc máy tính và chiếc điện thoại thông minh. Với các ứng dụng chỉnh sửa ảnh, video và gõ văn bản miễn phí trên các “chợ ứng dụng”, việc xuất bản một bài báo hoàn chỉnh với lời viết, hình ảnh và cả video chỉ bằng điện thoại là điều hoàn toàn có thể.

Đương nhiên, không phải nhà báo nào cũng có thể một mình làm chủ được các phương tiện hiện đại, đặc biệt là trong các sự kiện quy mô, cần có sự phối hợp của những “tay máy chuẩn”, “cây bút sắc”, đội ngũ đồ họa, đội ngũ biên tập viên và quản lý trên các nền tảng đầu ra của tờ báo. Chính vì vậy mới sinh ra khái niệm “tòa soạn hội tụ”, nơi các phóng viên, kỹ thuật viên, biên tập viên luôn làm việc theo nhóm, được kết nối với nhau bởi hệ thống giao tiếp nội bộ. Mô hình tòa soạn hội tụ của AI Jazeera English (AJE) tại Kuala Lumpur là một điển hình. Tại đây, tòa soạn được phân theo từng khu chức năng, các khu này đều được đặt gần Bàn Tin - nơi tiếp nhận, chọn lọc và phân bổ tin tức. Các phóng viên, biên tập viên của tòa soạn được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống nội bộ để viết và biên tập tin bài, truy cập tài liệu, nhận cuộc gọi, kết nối với các phóng viên AJE, cộng tác viên và phóng viên tự do trên toàn thế giới.

Như vậy, để có thể tiếp tục sống với nghề, nhà báo cần không ngừng học hỏi, không ngừng thay đổi. Việc học ngày nay không còn bị bó buộc trong khuôn khổ trường lớp. Trên thực tế, chỉ cần tìm kiếm từ khóa “làm báo đa phương tiện” trên mạng Internet là đã có thể tiếp cận với vô số thông tin, khóa đào tạo kỹ năng miễn phí. Để tạo ra một tác phẩm báo chí có thể chạm tới trái tim người đọc, “bạn phải có một tầm nhìn vững chắc về thứ mà bạn muốn làm. Bạn phải có sự kết hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp, và phải có niềm tin rằng bạn có thể làm được một điều gì đó vượt qua được các giới hạn đang bó buộc”, ông Kat Downs nói.

Theo Báo Đà Nẵng

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT