Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải trong tháng 6/2017
Đăng ngày 03-07-2017 11:12, Lượt xem: 168

Trong tháng 6, các cơ quan báo, đài ở Trung ương và địa phương đã đăng tải trên 4 ngàn tin, bài về thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh các nội dung phản ánh về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố; các cơ quan báo chí đã tập trung đăng tải các thông tin về công tác chuẩn bị của thành phố phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Khai mạc “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2017”, các vấn đề về du lịch, quản lý đô thị của thành phố ..

Tuần lễ cấp cao APEC 2017

Các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương có nhiều tin, bài về công tác chuẩn bị của thành phố cho sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017.

Đánh giá tình hình Kinh tế - Xã hội 6 tháng đầu năm tại Hội nghị Thành uỷ lần thứ 9 (mở rộng)

Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 9 (mở rộng) ngày 28-6 khẳng định: mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và phát sinh nhiều vấn đề dư luận quan tâm nhưng trên tất cả, bức tranh tổng thể của thành phố vẫn có nhiều khởi sắc và tín hiệu đáng mừng…

Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế thành phố tiếp tục phát triển ổn định, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,1%. Tổng thu ngân sách đạt hơn 11.500 tỷ đồng, đạt hơn 55% dự toán, tăng 18,3%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 700 triệu USD, tăng 11,3%. Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng 10,2%. Trong 6 tháng đầu năm, thành phố đón gần 3,2 triệu du khách, tăng 35% so với cùng kỳ; trong đó có 1,2 triệu khách nước ngoài, tăng hơn 70% so với cùng kỳ. Thành phố tiếp tục được đề cử “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á”. Lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm và đạt những kết quả tích cực; quốc phòng-an ninh được bảo đảm.

Tuy vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí chỉ rõ một số hạn chế, như: tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn, công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập. Tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có dấu hiệu gia tăng. Công tác chính trị, tư tưởng, định hướng dư luận, quản lý báo chí, mạng xã hội còn hạn chế; chưa chủ động cung cấp thông tin, chậm phản hồi, xử lý những vấn đề dư luận quan tâm…

Về Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà, (tóm tắt các nội dung báo nêu)

- Bán đảo Sơn Trà có ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, rộng hơn 4.400 ha, nằm cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10km về phía đông bắc. Bán đảo này là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.

Tháng 11/2016, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Ngay sau đó, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại Sơn Trà sẽ bị bê tông hóa bởi các dự án du lịch, đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét lại quy hoạch vừa công bố, tiếp theo là các nhà khoa học, các chính giới và dư luận xã hội lên tiếng về bản quy hoạch này. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi thị sát, chỉ đạo chưa thực hiện  quy họach đã phê duyệt, giao cho các cơ quan chức năng và thành phố Đà Nẵng rà soát báo cáo Thủ tướng trong vòng 3 tháng.

Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng  DIFF 2017: Đón mùa du lịch với nhiều sản phẩm mới lạ

- Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng DIFF 2017 được tổ chức qui mô tập hợp nhiều lực lượng bao gồm hơn 5.000 chiến sỹ an ninh, công an nhân nhân dân, lực lượng phòng cháy chữa cháy, bộ đội biên phòng, bác sĩ, nhân viên ngành viễn thông, ngành điện, lực lượng dân phòng…cùng hàng trăm cán bộ nhân viên của các Sở, ban ngành của thành phố, gần 1.000 nghệ sỹ, diễn viên và cán bộ công nhan viên của Tập đoàn Sun Group. Song hành suốt 2 tháng diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2017), nhiều doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ và hấp dẫn du khách. các công ty du lịch xây dựng các tour như: “Đà thành tứ trấn”, “Hành trình di sản miền Trung”, “Thiên đường miền Trung”… giới thiệu với du khách những nét đặc trưng của Đà Nẵng. Đến nay, bên cạnh những tour liên quan đến di sản, các đơn vị lữ hành, những người làm du lịch xây dựng những sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên, giới thiệu với khách những vẻ đẹp rất riêng của Đà Nẵng…

Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố

Các cơ quan báo chí thông tin về sự kiện thành phố Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính 2016 (PAR INDEX 2016). Chương trình “HĐND với cử tri” do thường trực HĐND thành phố tổ chức lần đầu tiên và được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng và Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng đã được các cơ quan báo chí quan tâm, và có nhiều tin bài phản ánh về các ý kiến cử tri nêu tại buổi tiếp xúc.

Tuyên truyền về “Thành phố 4 An”

Các cơ quan báo chí tiếp tục đưa nhiều tin, bài về thực hiện chương trình “Thành phố 4 An”. Các cách làm mới, tấm gương tiêu biểu tại các đơn vị, địa phương được các báo tập trung phản ánh.

Các nội dung khác về tình hình kinh tế xã hội, khoa học công nghệ, an ninh trật tự:

 - Đưa mô hình mới về nông thôn:

Một trong những mô hình mà Sở Khoa học công nghệ đang phối hợp với xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) triển khai là mô hình nuôi cá chình trong bể xi-măng. Đề tài này do Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Phạm Đình Phi làm chủ nhiệm. Theo ông Phi, thời gian gần đây, phong trào nuôi cá chình phát triển rất mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua thực tế tìm hiểu tại một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Thừa Thiên Huế... cho thấy, cá chình khá thích nghi với điều kiện khí hậu ở huyện Hòa Vang. Vì vậy, UBND xã đã cử cán bộ phối hợp với Hội Nông dân xã rà soát trên địa bàn 10 thôn những hộ dân có điều kiện, tâm huyết, gắn bó với nông nghiệp chọn 3 hộ có điều kiện và khả năng nuôi cá chình trên bể xi-măng để nuôi thử nghiệm. Sở KH&CN đã cùng UBND xã Hòa Sơn hỗ trợ mỗi hộ 100 triệu đồng bao gồm cá, giống, thức ăn, lưới che, công chăm sóc ban đầu…

 - Hiệu quả từ mô hình sơ cấp cứu:

Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 15 điểm sơ cấp cứu do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố quản lý. Những năm qua, mô hình này đã mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cộng đồng.Các điểm sơ cấp cứu đều được Hội CTĐ thành phố trang bị túi cấp cứu với thuốc và dụng cụ cần thiết. Ngoài ra, có những điểm còn được các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí mua sắm thêm nhiều loại thuốc. Đơn cử như điểm sơ cấp cứu tại 223 Nguyễn Tri Phương được 51 đảng viên đồng thời là hội viên CTĐ ở khu dân cư số 17 phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) ủng hộ kinh phí, mua đầy đủ các loại dụng cụ, thuốc men bảo đảm cho việc sơ cấp cứu. Trong 4 tháng đầu năm 2017, điểm sơ cấp cứu này xử lý kịp thời, hiệu quả đối với 9 nạn nhân bị tai nạn giao thông và tai nạn lao động .

 - Nông dân chuyển đổi ngành nghề hiệu quả trên địa bàn quận Cẩm Lệ:

Những năm qua, phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn quận Cẩm Lệ diễn ra hết sức sôi nổi. Nông dân đã từng bước chuyển đổi ngành nghề, cùng với tinh thần chịu thương chịu khó, họ đã trở thành những tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong điều kiện nông nghiệp đô thị.Có thể nói, công tác chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với nông nghiệp đô thị của nông dân Cẩm Lệ là hết sức đa dạng. Điều đó đã cho thấy sự sáng tạo của hội viên nông dân trong việc sản xuất, kinh doanh…

-  Nhiều khu dân cư ở Đà Nẵng thiếu nước trầm trọng:

Những ngày qua, nhiều hộ dân khu vực Q.Sơn Trà, Q.Ngũ Hành Sơn liên tục gọi đến đường dây nóng của Cty CP Cấp nước Đà Nẵng phản ảnh tình trạng nước chảy nhỏ giọt hoặc không có nước nhiều ngày liền..

 -  Cần xử lý nghiêm hành vi vượt đèn đỏ:

Tại nút giao thông đường Lê Văn Hiến - Nguyễnh Duy Trinh- Non Nước (thuộc địa phận P.Hoà Hải, Q.Ngũ Hành Sơn) có rất nhiều người tham gia giao thông nhất là người đi xe máy không chấp hành đèn tín hiệu. Tình trạng vượt đèn đỏ tại nút giao thông này thường xuyên xảy ra, dù lưu lượng các loại phương tiện lưu thông qua nút giao thông này rất lớn. Nhất là vào giờ cao điểm, nhiều người cố tình nhấn ga cho xe chạy thật nhanh. Đề nghị lựuc lượng chức năng thành phố xử lý kịp thời những trường hợp cố tình vượt đèn đỏ, để đảm bảo ATGT

- Liên kết phát triển du lịch tại miền Trung, khai thác chưa hiệu quả:

Du lịch, dịch vụ đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh miền trung. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, mô hình liên kết ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn còn đơn điệu, nghèo nàn. Để phát triển các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thị trường trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng sẵn có, ba địa phương cần có những sự hợp tác, liên kết mạnh mẽ hơn nữa.

 - Dự án Công viên văn hóa, lịch sử Ngũ Hành Sơn: Dân bức xúc vì chậm giải tỏa:

Dự án Công viên văn hóa, lịch sử Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) được quy hoạch năm 2009 với diện tích hơn 110ha và hơn 1.500 hồ sơ giải tỏa. Do thiếu nguồn vốn thực hiện nên đến nay còn khoảng 700 hồ sơ nhà, đất ở và 100 hồ sơ đất nông nghiệp chưa giải tỏa, làm người dân bức xúc.Hơn 5 năm qua, để từng bước hình thành Khu công viên văn hóa, lịch sử Ngũ Hành Sơn, thành phố và đơn vị chức năng đã triển khai giải tỏa, thi công nhiều trục đường giao thông, công trình như các đường Lê Văn Hiến, Huyền Trân Công Chúa, Sư Vạn Hạnh, Non Nước, Nguyễn Duy Trinh, trục cảnh quan phía bắc khu du lịch Sao Việt, đường Chương Dương...

Nâng cấp hồ, đập - yêu cầu bức thiết:

Những năm gần đây, từ vốn đầu tư của Trung ương và thành phố, 2 hồ, đập lớn là Đồng Nghệ và Hòa Trung được nâng cấp bảo đảm độ an toàn cần thiết. Tuy vậy, các hồ, đập nhỏ xây dựng đã lâu, nay hư hỏng một số hạng mục và cần nâng cấp kịp thời. 

 -  Đập bara An Trạch hư hỏng khá nghiêm trọng:

Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đập bara An Trạch trên sông Yên có vị trí vô cùng quan trọng trong việc chặn dòng, nâng cao trình ở phía thượng lưu để các trạm bơm hoạt động cấp nước tưới cho hàng chục nghìn hecta đất canh tác của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Gần 20 năm trước, đập này được nâng cấp, sửa chữa lớn, góp phần tạo ra những “mùa vàng” cho các địa phương lấy nước tưới từ thượng nguồn sông Yên.  

- Cần nâng cấp khẩn cấp 6 hồ, đập nhỏ:

Trong số 17 hồ, đập nhỏ trên địa bàn huyện Hòa Vang, có 6 hồ, đập bao gồm: Trước Đông, Trường Loan (xã Hòa Nhơn), Hố Cau, Đồng Tréo (xã Hòa Phú), Hóc Khế (xã Hòa Khương), Hố Gáo (Hòa Sơn) bị hư hỏng, xuống cấp khá nghiêm trọng tại một số hạng mục. Ông Lê Văn Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đà Nẵng cho hay: “Các hồ, đập này do địa phương tự đầu tư xây dựng cách đây trên dưới 30 năm. Từ đó đến nay, có đập đã nâng cấp lát đá mái thượng lưu, có đập chưa lát mái. Hiện tại, đập nào cũng có dấu hiệu nước thấm qua thân đập đất, cống lấy nước bị rò rỉ. Chi cục đã đề nghị thành phố đầu tư nâng cấp, bảo đảm an toàn”…

 - Đà Nẵng giải bài toán thiếu nguồn nhân lực ngành y tế:

Thành phố Đà Nẵng hiện đang nghiên cứu xây dựng đề án bệnh viện vệ tinh nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Song, sự thiếu hụt trầm trọng về nguồn nhân lực y tế, nhất là bác sĩ tại các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến quận, huyện cũng như xã, phường đang là một lực cản lớn…

 -  2 ngày xảy ra 2 vụ trộm cắp tài sản trị giá gần 100 triệu:

Trong thời gian ngắn, trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã xảy ra liên tiếp 2 vụ đột nhập vào nhà dân trộm cắp tài sản với tổng giá trị tài sản bị mất trộm khoảng 90.200.000 đồng.

ANH TRỊNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT