Khởi nghiệp Đà Nẵng: Chú cá chuồn lướt sóng bay lên
Đăng ngày 22-07-2017 14:35, Lượt xem: 2717

Trong hai ngày 21,22-7, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng tổ chức Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp quốc tế SURF tại thành phố Đà Nẵng. Hội nghị quy tụ hơn 70 gian hàng tham gia, trên 30 nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cùng hàng chục diễn giả trao đổi cùng hơn 2.000 bạn trẻ, doanh nghiệp startup. Bên lề Hội nghị, Cổng Thông tin điện tử thành phố có cuộc trao đổi với Ts. Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng.

Phóng viên: Thưa ông, ông có thể cho biết, sự kiện Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp quốc tế SURF có vai trò như thế nào đối với việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố?

Ts. Võ Duy Khương: Như các bạn đã biết, hệ sinh thái khởi nghiệp của Đà Nẵng hình thành chậm, so với thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thì Đà Nẵng đi sau khoảng 5 - 7 năm. Chính vì vậy, Đà Nẵng đã chọn cách đi đột phá, khác biệt so với các địa phương khác. Có thể kể đến một số cách làm đột phá, chỉ có ở Đà Nẵng như: thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố nhằm huy động nguồn lực chung của xã hội phục vụ khởi nghiệp; xây dựng Vườn ươm doanh nghiệp (DNES) trên cơ sở hợp tác công tư đầu tiên của cả nước, và bước đầu đã thu được những hiệu quả rõ nét. Cùng với đó, Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp quốc tế SURF cũng là một trong những cách làm mới, khác biệt của Đà Nẵng. Đây là sự kiện được tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2016, nhằm quy tụ tất cả các thành tố của hệ sinh thái về đây, cùng nhau trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra định hướng, giải pháp phát triển môi trường khởi nghiệp Đà Nẵng. SURF không chỉ tập hợp các hệ sinh thái của Việt Nam mà chúng tôi còn mời những thành tố khác của quốc tế, cụ thể như sự kiện năm nay có 27 quốc gia tham dự. Sự kiện SURF được tổ chức thành công sẽ đem lại những định hướng mới cho Đà Nẵng và cả những quốc gia đang phát triển của khu vực Đông Nam Á.

Phóng viên: Khởi nghiệp bên bờ biển là một ý tưởng hết sức thú vị, và đây có lẽ yếu tố thu hút hàng chục diễn giả trong và ngoài nước, các startup, nhà đầu tư thiên thần đến với Đà Nẵng. Thưa ông, ông có thể chia sẻ thêm về ý tưởng này?

Ts. Võ Duy Khương: Ý tưởng này đến với chúng tôi cũng rất tình cờ. Khi anh em ngồi lại bàn về việc chọn biểu tưởng gì cho khởi nghiệp Đà Nẵng, chúng tôi cùng nhận thấy Đà Nẵng vốn nổi tiếng với bờ biển dài và đẹp; đặc biệt, biển Đà Nẵng nói riêng, biển miền Trung nói chung, nổi tiếng với cá chuồn, loài cá có những đặc điểm lạ: có thể bơi, có thể bay và luôn đi theo đàn. Vì vậy, chúng tôi quyết định chọn biểu tượng cho khởi nghiệp Đà Nẵng là con cá chuồn, gắn với bờ biển, tượng trưng cho tinh thần khởi nghiệp: làm cùng nhau, cùng đi, cùng bay, cùng lướt sóng khởi nghiệp. Từ đây, logo của khởi nghiệp Đà Nẵng có hình ảnh cá chuồn lướt sóng, cùng với slogan “Khởi nghiệp bên bờ biển”. Về lâu dài, chúng tôi hướng đến mục tiêu xây dựng một trung tâm thông minh The Innovation Hub by the Sea - Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bên bờ biển, nhằm biến Đà Nẵng thành một thành phố đổi mới sáng tạo.

Phóng viên: Có rất nhiều người ngạc nhiên khi thấy ông “Khởi nghiệp” ở độ tuổi cần sự nghỉ ngơi, hoặc làm việc nhẹ nhàng. Điều gì đã thôi thúc ông, thưa ông?

Ts. Võ Duy Khương: Nhiều người cũng đã hỏi tôi câu hỏi này, thậm chí có người can ngăn tôi vì sao đến tuổi nghỉ hưu lại đi làm khởi nghiệp, mất công mất sức mà còn có thể ảnh hưởng đến uy tín. Nhưng tôi lại có suy nghĩ khác. Theo tôi, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sắp đến, lực lượng chủ yếu để tham gia trước hết là những bạn trẻ được học hành, đào tạo có chất lượng, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ sau khi được học tập, nghiên cứu ở những ngôi trường tốt trong nước và quốc tế vẫn không tìm được một công việc phù hợp, có thể phát huy hết khả năng. Trước đây, khi còn làm Phó Chủ tịch Thường trực thành phố, tôi nhận được nhiều ý kiến phản ánh, thậm chí bất bình của các bạn trẻ về những bất cập khi đi xin việc nhà nước, và bản thân tôi cũng đã trực tiếp can thiệp một vài trường hợp đáp ứng tốt các yêu cầu để vào làm trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, tôi luôn rất buồn và trăn trở vì điều này. Tôi nghĩ rằng, vấn đề nằm ở cả một cơ chế chứ không thể giải quyết cho từng con người cụ thể. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng chọn cho mình con đường, sau khi thôi công việc của UBND thành phố, là tìm ra cơ chế có thể thu hút, giải quyết công ăn việc làm cho tất cả các bạn trẻ, nhưng với một tư thế khác, đó là giúp cho các bạn thật sự làm chủ công việc của mình, từ đó đóng góp cho xã hội, đóng góp cho đất nước một cách chủ động, thay vì suy nghĩ thụ động là học xong ra trường thì đi tìm việc, đi làm thuê. Từ vị trí đi làm thuê, phải giúp cho các bạn nhận thức là phải làm chủ. Mục tiêu này chỉ có thể giải quyết qua làn sóng khởi nghiệp, làm sao để các bạn trẻ thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy, có tinh thần khởi nghiệp. Đây là sự nghiệp khó khăn, gian nan, phải có người cầm lái, có người “đứng mũi chịu sào”. Vì vậy mà tôi chấp nhận “đứng mũi chịu sào” để giúp cho các bạn trẻ trong công cuộc đổi mới sáng tạo này.

Phóng viên: Theo một vài thống kê không chính thức, 99% startup thất bại, tuy nhiên, với những gì đã và đang được làm tại thành phố, chúng tôi có niềm tin khởi nghiệp Đà Nẵng ở phía 1% còn lại. Ông nghĩ sao về điều này?

Ts. Võ Duy Khương: Theo tôi, con số 99%-1% là bi quan quá. Tùy theo điều kiện, khả năng tổ chức khởi nghiệp ở từng địa phương và từng quốc gia mà tỷ lệ này khác nhau. Cụ thể như ở Israel hiện nay là 50%-50%, nghĩa là cứ 10 dự án khởi nghiệp thì có tối thiểu 5 dự án thành công. Hay phổ biến ở các quốc gia khác là khoảng 70%-30%, Việt Nam hiện nay là 80%-20%. Theo tôi, việc khởi nghiệp là vô cùng khó khăn, bởi để từ một ý tưởng đi đến một sản phẩm hoàn thiện có thể đưa ra thị trường, được người tiêu dùng đón nhận là không hề đơn giản. Cũng có doanh nghiệp đã hoạt động 4-5 năm vẫn phải giải thể, phá sản vì không thể đáp ứng được thị trường. Do vậy, việc khởi nghiệp thất bại là rất bình thường, là chuyện đương nhiên, chỉ những người rèn luyện được cho mình ý thức chấp nhận thất bại, chịu được thất bại, từ đó rút ra nguyên nhân, bài học để tiếp tục xây dựng những dự án khác mới có thể thành công. Người ta tổng kết rằng, ở Mỹ hiện nay, một doanh nhân thành công phải qua 7 lần thất bại; đây có thể xem như là văn hóa của họ, văn hóa thất bại, phải có thất bại mới có thành công. Còn văn hóa của Việt Nam mình là muốn phải chắc chắn thành công mới làm. Vì vậy, làm khởi nghiệp là giáo dục cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ tư duy, tinh thần, văn hóa chấp nhận khởi nghiệp và khởi nghiệp thất bại, từ thất bại mới có thành công. Đối với Đà Nẵng, cùng với những bước chuẩn bị tích cực trong những năm qua, tỷ lệ dự án thành công hiện đang ở mức 30% đến 40%. Chúng ta có quyền hy vọng sẽ có những dự án tốt, những sản phẩm thành công từ khởi nghiệp, và biết đâu 5-10 năm nữa, Đà Nẵng sẽ có những công ty lớn mạnh như Google, Microsoft... mọi điều đều có thể xảy ra, chúng ta hãy có lòng tin như vậy.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông, và chúc ông thật nhiều sức khỏe để tiếp tục là người chỉ đường cho cá chuồn khởi nghiệp Đà Nẵng lướt sóng, bay xa.

NGÔ HUYỀN - HỘI AN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác