Phát triển bền vững đô thị Đà Nẵng: Nhận diện những thách thức mục tiêu
Đăng ngày 15-08-2017 09:24, Lượt xem: 572

Tại hội thảo “Những khó khăn, thách thức mục tiêu phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng” do Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 11-8, các chuyên gia cho rằng, thách thức phát triển đô thị của Đà Nẵng đến từ quỹ đất và áp lực gia tăng dân số.

Một góc đô thị Đà Nẵng

TS, KTS Ngô Trung Hải, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: “Đà Nẵng đang cạn kiệt đất và cần có giải pháp thích ứng với thành phố 3 triệu dân trong tương lai gần”.

Hiện nay Đà Nẵng có hơn 1 triệu người với quỹ đất ở đô thị 98.043ha, nhưng đến năm 2030 dự báo tăng lên 2,5 triệu người thì nhu cầu sử dụng đất cần tăng thêm 37.500ha. Vì thế, KTS Ngô Trung Hải đề xuất nghiên cứu giải pháp phát triển đô thị nén - các công trình cao tầng gắn kết với phát triển mạnh hoạt động giao thông công cộng.

Từ đây hình thành môi trường sống tốt, hình thành các trung tâm đô thị vệ tinh và lan tỏa gắn kết với thiết kế đô thị có cảnh quan hấp dẫn và xây dựng thành phố môi trường, chủ động ứng phó với thiên tai. Đồng tình với nhìn nhận này, KTS Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cũng cho rằng, thành phố cần sử dụng quỹ đất hiệu quả và phát triển đô thị nén ở một số khu vực cần thiết. Đô thị trung tâm phải được mở rộng và gắn kết các đô thị vệ tinh, các phân khu đô thị chức năng… để phát triển không gian đô thị.

Nhiều tham luận tập trung xác định giải pháp cho phát triển bền vững của đô thị Đà Nẵng với những đề xuất tạo nguồn quỹ đất đô thị như định hướng di dời Sân bay quốc tế Đà Nẵng, sử dụng quỹ đất quốc phòng từ sân bay Nước Mặn để hình thành mới các khu đô thị trung tâm, thực hiện các giải pháp lấn biển, khai thác tài nguyên không gian ngầm, tái cấu trúc lại đô thị Đà Nẵng…

Kỹ sư Nguyễn Văn Chung, nguyên Phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng thành phố, dẫn báo cáo giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố khóa IX qua kỳ họp thứ 4: “Các sản phẩm quy hoạch chưa bảo đảm tính khoa học, thống nhất đồng bộ, liên kết và khả thi…”, đồng thời nhấn mạnh:

“Thời gian qua việc kiểm soát quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch đã không được thực hiện chặt chẽ, khoa học. Kiểm soát sử dụng đất trong thời gian qua là lĩnh vực yếu nhất trong hoạt động kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch”.

Ông Nguyễn Văn Chung cũng phân tích những tồn tại, thiết sót trong kiểm soát về không gian kiến trúc cảnh quan, phát triển hạ tầng kỹ thuật và môi trường.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia về quy hoạch – kiến trúc trong và ngoài thành phố.

Để phát triển đô thị Đà Nẵng trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Chung, cần quan tâm đến công tác kiểm soát phát triển đô thị được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả; đồng thời tái cấu trúc một số khu vực của thành phố.

Kỹ sư Huỳnh Việt Thành, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, nêu 9 giải pháp cần cho công tác quy hoạch và phát triển đô thị Đà Nẵng; trong đó đề xuất: “Không tiếp tục quy hoạch các khu dân cư theo kiểu chia lô đất nhỏ đang diễn ra tràn lan. Kiên quyết không xem xét điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm bớt quỹ đất công cộng để tăng thêm quỹ đất kinh doanh, thương mại theo nguyện vọng của các nhà đầu tư”.

TS, KTS Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, thách thức từ gia tăng dân số đô thị là cơ hội mở rộng phát triển không gian đô thị Đà Nẵng. Thành phố có động lực để khẳng định vai trò, vị trí trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với tầm nhìn đến năm 2050 là đô thị đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới đô thị cấp quốc tế và phát triển bền vững.

Theo KTS Trương Văn Quảng, Đà Nẵng có các chiến lược phát triển đô thị để lựa chọn là bảo tồn hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên, dành quỹ đất để phát triển các khu chức năng cùng hạ tầng kỹ thuật đầu mối kết nối liên kết vùng, khai thác hiệu quả quỹ đất gắn với dự trữ nguồn tài nguyên đất đai. Đà Nẵng nhất thiết phải gắn với các mối quan hệ vùng, chia sẻ chức năng để tạo động lực phát triển với giải pháp tổ chức không gian đô thị, đầu tư phát triển các khu đô thị chức năng, các cơ sở đầu mối hạ tầng kỹ thuật quan trọng.

 

Theo Báo Đà Nẵng

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT