Thông tin báo chí ngày 11/9
Đăng ngày 11-09-2017 14:48, Lượt xem: 163

Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải ngày 11/9:

1/ Báo Lao động:

- Đà Nẵng: Công nhân bức xúc vì Cty thay đổi cách tính lương, BHXH...

+ Ngày 9.9, nhiều CN làm việc tại Cty TNHH MTV May Xuất Khẩu Pacific, Khu công nghiệp & chế xuất Đà Nẵng ngừng việc. Nguyên nhân do Cty thay đổi cách tính lương và chế độ bảo hiểm làm ảnh hưởng đến thu nhập của họ.“Với đồng lương ít ỏi 3 triệu/ tháng, nếu cứ bị trừ vào số lần nghỉ ốm như vậy thì chúng tôi chẳng còn gì”, anh Đông thẫn thờ nói.Một số CN còn bức xúc về khẩu phần ăn ít ỏi và không đạt chất lượng.Một suất ăn của CN 15 nghìn đồng, ở ngoài chúng tôi có thể ăn no, nhưng ở đây chỉ có nửa chén cơm, vài lát thịt, miếng rau luộc và bát canh. Chúng tôi làm việc 8 tiếng, nhưng đến chiều 2 - 3 giờ là đói không chịu nổi”, anh Quý, CN Cty bức xúc…

 - Đà Nẵng: Dọa khấu trừ tiền lương, nếu công nhân nằm viện quá 2 ngày (Báo Pháp luật.VN)

+ Theo chia sẻ các các công nhân, họ cho biết công ty mở căng tin phục vụ ăn trưa cho công nhân. Tuy nhiên, chất lượng bữa cơm rất tệ. Mỗi suất cơm có giá ngang với thị trường là 15.000 đồng, nhưng ăn chẳng đủ no. Nhiều công nhân không ăn trưa vẫn công ty bị trừ tiền vô cớ.Công ty này còn thông báo oái oăm, nếu ai nghỉ vì lý do đau ốm, dù có giấy xác nhận của bệnh viện quá 2 ngày vẫn bị khấu trừ tiền lương số tiền 34.000 đồng. Đối với các công nhân cho rằng, nhiều trường hợp đã hết hạn thử việc, làm việc gần 1 năm nay nhưng vẫn không được công ty ký kết hợp đồng lao động và không được đóng bảo hiểm xã hội ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

2/ Báo Đà Nẵng có các tin, bài:

- Nhiều giải pháp xử lý nước thải chảy ra biển:

+Trả lời phỏng vấn Báo Đà Nẵng, ông Lê Quang Nam,Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc nước thải tràn qua cửa xả chảy ra biển là do tốc độ phát triển đô thị vùng phía đông thành phố rất nhanh, khiến hệ thống thu gom quá tải. Thành phố đã có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này...

- Không làm được "sổ đỏ" vì vướng quy định cứng nhắc:

+ Vì UBND phường không có sổ đăng ký ruộng đất nên hàng chục hộ dân phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn không thể làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) do UBND huyện Hòa Vang cấp trước đây sang sổ đỏ của thành phố. Vướng mắc của người dân đã kéo dài 3 năm qua nhưng vẫn chưa có hướng tháo gỡ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bê (trú tổ 54) thừa kế lô đất từ cha mẹ để lại đã có sổ đỏ do UBND huyện Hòa Vang cấp (đất đã đăng ký trong mục kê theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10-11-1980). Sau khi chuyển nhượng và bị thu hồi một phần đất cho dự án Làng đá mỹ nghệ Non Nước thì còn lại diện tích 652m².

Năm 2015, gia đình bà Bê làm thủ tục cấp đổi sang sổ đỏ của thành phố (do Sở Tài nguyên và Môi trường - TN&MT - ký). Bà Bê nghĩ rằng đất đã có giấy tờ được thừa kế từ cha mẹ thì làm thủ tục cấp đổi sổ đỏ sẽ rất nhanh nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Bà Bê được Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) quận Ngũ Hành Sơn hướng dẫn và đi lại rất nhiều lần để bổ sung thủ tục nhưng vẫn không được. Sau nhiều lần đi lại đến nản lòng, nghe hàng xóm mách, bà Bê đã rút hồ sơ về chấp nhận bỏ tiền thuê “cò dịch vụ” để làm sổ đỏ.

Thêm một thời gian dài chờ đợi, “cò dịch vụ” cũng “bó tay” đem trả hồ sơ cho bà Bê và chỉ xin chút ít tiền xăng xe đã bỏ ra để đi lại. Bà Bê tiếp tục đem hồ sơ đến bộ phận “một cửa” của UBND quận Ngũ Hành Sơn, rồi mang đến tận Sở TN&MT. Bà không nhớ hết các cơ quan chức năng đã trả lời mình như thế nào vì họ viện dẫn nhiều quy định pháp luật về đất đai rất phức tạp. Có lần bà được khuyên cứ về nhà chờ UBND thành phố trả lời….

 - Khu dân cư 15 năm ngập úng:

+Khu dân cư (KDC) Bàu Sen (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) được quy hoạch, bố trí đất cho dân làm nhà ở 15 năm nay. Ngoài đường bê-tông hiện trạng (kiệt 57 Trần Ngọc Sương) đã có mương thoát nước, các đường quy hoạch còn lại chưa được đầu tư xây dựng; nhiều diện tích hiện là đầm lầy, ngập nước…

Hiện nay, ở KDC Bàu Sen, ngoài đường bê-tông hiện trạng (kiệt 57 Trần Ngọc Sương) đã có mương thoát nước, các đường quy hoạch còn lại chưa được đầu tư xây dựng. Còn nhiều diện tích là đầm lầy, ngập nước, nên người dân phải sống chung với nước thải chảy lộ thiên, ngập nước khi trời mưa lớn. “Gia đình tôi có đất tại KDC Bàu Sen và muốn xây dựng nhà ở, nhưng gặp khó khăn là hệ thống thoát nước và các đường nội bộ đều không có”, ông Nguyễn Thế Dương, một người dân gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng bày tỏ bức xúc…

 3/ Báo Pháp luật.TP.HCM:

 - Bán đảo Sơn Trà: Phải coi trọng sự giám sát của nhân dân:

+ Bản báo cáo về Sơn Trà đã được Đà Nẵng gửi Thủ tướng nhưng những quan điểm về phát triển, bảo tồn bán đảo với hệ sinh thái đặc biệt này đang đón nhận nhiều ý kiến trái chiều. TS-KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, cho hay với các tiêu chí đưa ra trong quá trình rà soát là rất khoa học. Cụ thể như về độ cao chỉ cho phép khai thác dưới 100 m, cho phép xây dựng các công trình kiến trúc phục vụ lưu trú ngắn hạn (không có hình thức cư trú); trên 100 m thì chỉ tổ chức các loại hình dịch vụ du lịch kiểu sinh thái; việc quy hoạch xây dựng tuân thủ mật độ xây dựng, đảm bảo yếu tố quốc phòng, an ninh…

 - Ban Quản lý an toàn thực phẩm: Vẫn chủ yếu đi phạt

+ Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho hay ban này có chức năng giúp UBND TP tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành về vệ sinh ATTP.

 Về cơ cấu, ban này tương đương một cấp sở và gom các đơn vị chuyên ngành về vệ sinh ATTP của các sở Y tế, Công Thương và NN&PTNT về làm một đầu mối nhằm tập trung nhân lực, vật lực, nguồn lực để tập trung xử lý các vi phạm về ATTP có hiệu quả hơn. Bởi trước đây các ngành nói trên đều có các cơ quan về ATTP, tuy nhiên lại hoạt động chồng chéo, phân tán lực lượng kiểu một tô bún có tới 3-4 ngành cùng quản lý nên rất khó…Theo đó, năm 2017 Ban ATTP sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ chính là xây và chống thực phẩm bẩn. Bằng cách thiết lập và tăng cường bằng hệ thống thanh tra, hệ thống kiểm nghiệm, hàng rào kỹ thuật… với quyết tâm ngăn chặn thực phẩm bẩn vào TP.

 4/ Báo Công an Đà Nẵng:

-  Làm mồi cho bão:

+ Chủ tịch UBND P.Nại Hiên Đông cho biết, cơ sở cũ của trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, từ năm 2005 khi triển khai dự án Bạch Đằng Đông, đã bàn giao cho Trung tâm khai thác quỹ đất thành phố để xây dựng trường ở địa điểm khác. Đã 12 năm qua, khu đất trường học này bỏ hoang, 2 dãy lớp học được tháo gỡ giữa chừng rồi để đó, khu đất biến thành nơi đổ rác thải, các đối tượng xấu thường chui vào các phòng học bỏ hoang tụ tập, rượu chè, hút chích…UBND Phường nhiều lần kiến nghị Trung tâm khai thác quỹ đất, cho tháo gỡ, giải toả dọn mặt bằng… nhưng sự việc vẫn rơi vào im lặng…

 5/ Các tin khác:

 - Bắt 2 vụ mua bán ma túy và tàng trữ vũ khí trái phép:

+ Lúc 23 giờ ngày 7-9, tại đường Cao Thắng (thuộc phường Thanh Bình, quận Hải Châu), lực lượng chức năng thuộc Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng bắt quả tang 2 đối tượng mua bán trái phép ma túy gồm: Hà Phước Vũ (sinh năm 1983) và Nguyễn Thành Vũ (sinh năm 1980, cùng trú thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Tang vật thu giữ tại chỗ gồm 1 gói ma túy tổng hợp dạng đá, 1 bình xịt hơi cay và hơn 5 triệu đồng tiền mặt. Khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ thêm 3 gói ma túy khoảng 5gram và nhiều tang vật liên quan đến mua bán, sử dụng ma túy cùng một số vũ khí nóng như: bình xịt hơi cay, roi điện, súng bắn đạn bi, đao, kiếm, dao găm, côn, nhị khúc…

+ Trước đó, lúc 17 giờ cùng ngày, tại đường Đống Đa (thuộc phường Thuận Phước, quận Hải Châu), Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng bắt quả tang 2 đối tượng gồm: Trần Quốc Hiền (sinh năm 1985, trú phường Chính Gián), và Phan Văn Hùng (sinh năm 1987, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) đang có hành vi mua bán trái phép ma túy. Tang vật thu giữ gồm 2 gói ma túy khoảng 2gram.Các vụ việc đang được đơn vị mở rộng điều tra làm rõ.

 - Tổ chức tour du lịch đi bộ miễn phí cho du khách quốc tế:

+Từ cuối tháng 9-2017, du khách quốc tế đến Việt Nam du lịch có thể sử dụng tour du lịch đi bộ miễn phí tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, Hội An, Hạ Long. 

Tour được tổ chức các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, với lịch trình tham quan các danh lam nổi tiếng cùng hướng dẫn viên hoàn toàn miễn phí. Đây là sản phẩm phi lợi nhuận của Công ty Du lịch Vietravel thiết kế, nhằm tạo mạng lưới du lịch đi bộ miễn phí, giúp du khách có nhiều trải nghiệm. Mọi khách quốc tế, Việt kiều đều có thể đăng ký tham gia mà không mất chi phí.

 - Cứu ngư dân gặp tai nạn gãy tứ chi khi đang đánh bắt:

+ Vào lúc 6 giờ 47 phút ngày 9.9, ngư dân Bùi Đình Linh (27 tuổi) của tàu cá QT 94899 bị ngã vào tời cuốn gãy 2 tay, chân và xương đùi phải, nạn nhân bị mất máu nhiều dẫn đến mê man bất tỉnh.Lúc 7 giờ 39 phút ngày 9.9 tàu SAR412 đưa ê kíp bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 TP.Đà Nẵng lên đường cứu nạn.

 Đến 15 giờ cùng ngày (9.9), tàu SAR 412 đã tiếp cận tàu được tàu QT 94899, cấp cứu cho nạn nhân trên biển, đồng thời chuyển nạn nhân sang tàu SAR 412 khẩn trương đưa về đất liền.Lúc 22 giờ 45 phút ngày 9.9, tàu SAR412 đã cập cảng Đà Nẵng an toàn và đưa nạn nhân đi bệnh viên tiếp tục cấp cứu…

- Đà Nẵng: Đưa vào hoạt động trường mầm non chuẩn quốc tế cho con công nhân: 

+ Ngày 9/9, Trung tâm Chăm sóc và Giáo dục Mầm non OneSky – Đà Nẵng dành cho con công nhân khu công nghiệp Hòa Khánh, tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã chính thức đi vào hoạt động.Dự án có tổng kinh phí hơn 3,8 triệu USD, được triển khai thực hiện trong 3 năm, từ 2016 – 2019, với đối tượng thụ hưởng là 250 em từ 6 tháng đến 6 tuổi là con em công nhân tại KCN Hòa Khánh.

ANH TRỊNH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT