Thông tin báo chí ngày 16/11
Đăng ngày 16-11-2017 11:01, Lượt xem: 149

Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải ngày 16/11:

1/ Báo Đại Đoàn kết

- Sơn Trà - Đà Nẵng: Có khả năng một loài vượn đã bị tuyệt chủng:

+ Ông Bùi Văn Tuấn- chuyên gia Trung tâm Nước Việt Xanh (Green Việt) cho biết, trong một tài liệu cũ về vượn ở VN có người Pháp tên là Bourret nghe tiếng vượn hót ở Sơn Trà (1954). Cho tới những năm 1974 - 1977, một người nước ngoài khác tên là Lippold tiếp tục ghi nhận tiếng vượn hót ở Sơn Trà. Theo ông Tuấn, đến nay, sau gần 70 năm, không còn dấu hiệu gì của vượn ở Sơn Trà. Khả năng giống vượn này đã bị tuyệt chủng cục bộ tại bán đảo này. Điều này cũng có thể cảnh báo rằng, sẽ có nhiều loài khác tuyệt chủng ở Sơn Trà nếu không có chiến lược bảo tồn tốt và ngăn chặn các mối đe dọa từ chính con người và các hoạt động phát triển du lịch.     

2/ Báo Tài nguyên&Môi trường:

- Phân loại rác thải tại nguồn – Cần thường xuyên, hiệu quả:

+ Thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề được quan tâm và tìm phương thức giải quyết cả trước mắt và lâu dài trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường đô thị Đà Nẵng. Phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần xử lý triệt để, tiết kiệm chi phí, thời gian và nguồn lực, nhưng đến nay phương pháp này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.…Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, mỗi ngày Công ty tiếp nhận, thu gom, vận chuyển và xử lý có khoảng hơn 1.000 tấn rác thải các loại. Trong đó, chỉ một số ít rác được phân loại, làm nguyên liệu composite, sản phẩm tái chế. Lượng rác còn lại hầu hết đều phải xử lý bằng phương pháp chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Hiện bãi chôn lấp Khánh Sơn đang quá tải, gây ô nhiễm môi trường vì công nghệ xử lý lạc hậu, tạo ra áp lực lớn đối với việc tìm kiếm vị trí mới để chôn lấp rác thải, xử lý ô nhiễm do nước thải, mùi hôi…

+Vì thế, việc triển khai phân loại rác tại nguồn một cách có hệ thống là rất cấp bách trong thời điểm hiện tại nhằm tận dụng, tái chế rác thải hữu ích, tạo thói quen cho cộng đồng khi mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” vào năm 2020 đang cận kề…Theo các chuyên gia môi trường, phân loại rác thải tại nguồn là một hành động mang lại nhiều lợi ích về mặt môi trường, xã hội, kinh tế. Việc phân loại rác tại nguồn, xem rác thải như là tài nguyên sẽ góp phần giảm thiểu lượng rác thải đưa đi xử lý, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và quốc gia. Chính vì vậy, mà nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng rác thải, giảm lượng rác thải chôn lấp tại các bãi rác xuống dưới 1%.

Với Đà Nẵng, để thực sự là “Thành phố môi trường” như mục tiêu đề ra, việc phân loại rác thải tại nguồn cần được triển khai rộng khắp trong toàn thành phố với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ chính sách đến đầu tư, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận và thực hiện thường xuyên trong nhân dân. Đây là việc làm thiết thực và ý nghĩa để góp phần xây dựng lối sống văn minh đô thị, xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường.

 3/ Báo Pháp luật TP.HCM:

 - Muôn mặt thú chơi bóng cười ở Đà Nẵng:

+ Việc thường xuyên sử dụng bóng cười gây ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh, có thể gây trầm cảm, thậm chí là tử vong. Thế nhưng bỏ ngoài tai mọi khuyến cáo, một bộ phận giới trẻ tại Đà Nẵng đang xem nó như một thú vui thời thượng.

+ Một quán cà phê trên đường Bạch Đằng (quận Hải Châu) tối cuối tuần đông nghịt khách, chủ yếu là giới trẻ ăn mặc sành điệu. Họ thường ngồi theo nhóm 5-6 người. Ngoài bia, đồ ăn nhẹ, trên tay mỗi người đều cầm một quả bóng cười. Vừa hít bóng cả đám vừa lắc lư, uốn éo theo tiếng nhạc xập xình. Chừng hai, ba phút sau thì hết cơn, họ quay lại trò chuyện với nhau vài câu rồi lại tiếp tục dùng bóng. Chủ quán cho biết quán không bán bóng nhưng nếu khách cần thì sẽ có người mang đến ngay.

+ Theo quan sát, phía sau chiếc ô tô gần đó có khoảng ba thanh niên mặc đồ đen ngồi trực sẵn, bên cạnh là những “bình khí cười”. Chỉ cần khách ra hiệu là có ngay những quả bóng giá khoảng 50.000 đồng rồi tha hồ… cười. Càng về khuya số người dùng bóng cười càng nhiều. LH, một sinh viên năm ba ĐH Đà Nẵng, cho biết: “Đơn giản lắm, chỉ cần thở hết hơi trong phổi ra, ngậm vào đầu quả bóng hít vào rồi thở ra nhưng lúc thở ra tuyệt đối không được thở bằng mũi. Khoảng bốn lần như thế là phê rồi”. Còn VTD, một tay chơi có tiếng hồ hởi: “Người nào thần kinh yếu hít bóng xong là cười ngặt nghẽo cả chục phút. Nói chung là rất phê!”.Không khó để có thể tìm mua bóng cười tại một số quán pub, bar ở Đà Nẵng. Các quán này không trực tiếp bán bóng mà thường bắt mối với các đối tượng bên ngoài để phục vụ khách. Khi khách có nhu cầu, nhân viên của quán sẽ liên hệ hoặc cho số điện thoại để khách gọi hàng. Xung quanh các quán vào buổi tối thường có một nhóm thanh niên chờ sẵn với nhiệm vụ bơm bóng bất cứ lúc nào….

4/ Báo Quân đội nhân dân:

- TP Đà Nẵng: Sớm xử lý dứt điểm những dự án treo:

+ Hiện nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng, một số dự án đã được phê duyệt quy hoạch nhưng do chậm triển khai, chưa triển khai hoặc triển khai dở dang khiến cuộc sống của người dân ở các vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn.

+ Gần 20 năm qua, nhiều hộ dân ở tổ dân phố 4, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) phải sống trong cảnh “đi không được, ở không xong” do đất đai, nhà cửa nằm trong vùng quy hoạch. Bà Trần Thị Chung (trú tại tổ dân phố 4, phường Nại Hiên Đông) than phiền: “Ngôi nhà của tôi đã xuống cấp nhiều năm, nhưng nằm trong khu quy hoạch nên không được phép sửa chữa, xây dựng lại. Mỗi khi mùa mưa bão đến, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Tôi rất mong thành phố sớm triển khai dự án để người dân bớt vất vả".

+ Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết gia đình tại tổ dân phố 4, phường Nại Hiên Đông cũng trong tình cảnh tương tự như gia đình bà Chung. Ông Huỳnh Viết Khánh, Tổ trưởng tổ dân phố 4 cho biết: "Toàn tổ có hơn 60 hộ dân nằm trong vệt quy hoạch dự án khu tái định cư (TĐC) cuối tuyến Bạch Đằng Đông. Năm 1999 kiểm định lần 1 và năm 2012 kiểm định lần 2 nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được bảng áp giá đền bù. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời về thời gian triển khai dự án"…Còn ở tổ dân phố 4, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), hơn 20 hộ dân cũng sống trong tình cảnh tương tự do dự án nhà ở cho công nhân tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh triển khai dở dang. Dự án này do Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư, được triển khai từ năm 2004. Tuy nhiên, dự án triển khai được một số hạng mục thì tạm dừng. …Làm việc với các cơ quan chức năng, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời: Sở dĩ các dự án treo là vì thiếu vốn. Theo điều tra của chúng tôi, đấy chỉ là biện hộ cho lý do chậm trễ. Thực chất không phải dự án nào cũng thiếu vốn. Vấn đề ở đây chính là buông lỏng sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng, dẫn tới tình trạng chủ đầu tư và đơn vị thi công chây ì, thiếu trách nhiệm…

5/ Báo Công an Đà Nẵng:

 -  Sống chậm” ở khu quy hoạch …treo!

+ Khu dân cư Phong Bắc 4, thuộc P.Hoà Thọ Đông (Q.Cẩm Lệ) quy hoạch từ năm 2003, qua 15 năm nhưng vẫn trong tình trạng “treo”. Ngay tại khu vực kiệt 29- Trần Ngọc Sương, hiện đang ngập sâu gần 1m nên chính quyền địa phương phải đóng rào chắn hai đầu để bảo đảm an toàn cho người dân. Tại kiệt 57 cũng lâm vào tình cảnh tương tự, làm nhiều căn nhà bị ngập sâu khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn… Thiết nghĩ chính quyền thành phố, các cơ quan chức năng có liên quan cần vào cuộc, căn cơ nhất là nhanh chóng triển khai dự án , còn không thì có giải pháp, tạo điều kiện cho người dân sớm thoát khỏi cảnh “sống chậm” như hiện nay…

 6/ Báo Đà Nẵng:

 - Tội phạm ma túy tăng, ngày càng trẻ:

+ Ngày 15-11, Ban Pháp chế HĐND thành phố làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) thành phố để chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố khóa IX.

+ Theo báo cáo của Viện KSND thành phố, trong năm 2017, cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã tiếp nhận xử lý 1.197 tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố; đã khởi tố mới 788 vụ án/1.207 bị can, tăng 59 vụ án/46 bị can.Trong đó, có 89 bị can là người chưa thành niên, chủ yếu tập trung ở các tội trộm cắp tài sản và cố ý gây thương tích; 538 bị can không có nghề nghiệp; 27 bị can là học sinh, sinh viên; 3 bị can là đảng viên. Trong các nhóm tội phạm thì tội phạm về ma túy tăng nhiều nhất.

 -  Lũ xé bờ sông Tứ Câu, đào lạch mới:

+ Trong đợt mưa lũ vừa qua, dòng lũ chảy xiết từ trục sông Thu Bồn - Vĩnh Điện - Tứ Câu đổ về xé bờ sông Tứ Câu ở khu vực thôn Giáng Nam 1 (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) và tạo thành lạch thoát lũ mới, cuốn trôi đường giao thông nông thôn, đe dọa 50 hộ dân ở tổ 5, thôn Giáng Nam 1.

+ Ngay sau lũ, với sự giúp sức của 34 cán bộ, chiến sĩ Trường Quân sự Quân khu 5, UBND xã Hòa Phước đã huy động xe cơ giới và phương tiện tiến hành khắc phục tạm đoạn 25m đường bê-tông tại thôn Giáng Nam 1 bị lũ cắt. Theo đó, tiến hành đắp kè ta-luy, đổ đất đá làm nền đường, để người dân thôn Giáng Nam 1 đi lại.Trong khi đó, ở bờ sông, khu vực lũ xé bờ tạo thành một cửa lạch sâu, dài đến 40m, hiện chưa thể khắc phục. “Ở phía bờ đối diện (khu vực An Lưu, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) đã được thi công kè, bên này chưa có kè nên lũ dễ dàng xé bờ để tạo dòng chảy thoát lũ mới, cắt đứt đường giao thông và đe dọa 50 hộ dân ở tổ 5, thôn Giáng Nam 1… Đề nghị huyện và các ngành chức năng của thành phố sớm kiểm tra, đánh giá và có biện pháp khắc phục để bảo đảm tài sản cũng như đời sống của người dân”, ông Lê Đình Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước kiến nghị.

 7/ Báo Tuổi trẻ:

 - Đà Nẵng thừa 15.000 lô đất tái định cư:

+ Nguồn tin của Báo Tuổi trẻ cho biết hiện đất tái định cư toàn thành phố Đà Nẵng còn 15.739 lô. Nếu trừ đi số đất TĐC mà thành phố đang nợ người dân là 790 lô, số lô đất TĐC thừa (đã có đất thực tế ) là 14.949 lô. Trong khi đó, việc giải toả nhiều dự án chậm tiến độ do thiếu quỹ đất phù hợp để bố trí cho dân. Hiện quỹ đất thừa chủ yếu ở các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ… Trong khi các hộ giải toả lại ở huyện Hoà Vang và Liên Chiểu nên không thể bố trí cho dân, nếu bố trí là không đúng quy định, không công bằng.

 8/ Các tin khác:

- Đà Nẵng: Sắp diễn ra sự kiện ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ 2017:

+Từ ngày 22 - 24/11/2017, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức sự kiện “Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ năm 2017” với chủ đề “ Đổi mới công nghệ - Nâng tầm cuộc sống”. Sư kiện là cơ hội giúp các đơn vị, cá nhân trao đổi về cơ chế chính sách, nắm bắt nhu cầu đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ; nâng cao khả năng hợp tác giữa người sản xuất, doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu..(Ict news)

 - Gần 13 tỷ đồng hỗ trợ đóng mới tàu cá:

+ Ông Nguyễn Vũ (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) vừa hạ thủy tàu cá ĐNa-90985 TS do ông làm chủ được đóng mới từ nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND ngày 12-12-2014 của UBND thành phố Đà Nẵng. Tàu lắp 2 máy với công suất 858CV, dài 18m, rộng 5,4m, cao 2,4m, tổng đầu tư gần 4 tỷ đồng. Như vậy, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố có 16 tàu cá đóng mới theo chính sách hỗ trợ vốn của Quyết định số 47 với tổng kinh phí phê duyệt hỗ trợ 12,97 tỷ đồng.

ANH TRỊNH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT