Thông tin báo chí ngày 21/11
Đăng ngày 21-11-2017 11:24, Lượt xem: 142

Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải ngày 21/11:

1/ Báo Đà Nẵng:

- Khai thác đất đồi trái phép ở Hòa Ninh:

+ Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, trên địa bàn xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) diễn ra rầm rộ hoạt động khai thác đất đồi núi trái phép, gây ô nhiễm môi trường. Trong hai ngày 18 và 19-11, chúng tôi có mặt ở khu vực xã Hòa Ninh và ghi nhận nội dung phản ánh của người dân là có cơ sở.

Trên tuyến đường ĐT602, hàng trăm lượt xe ben chở đất nối đuôi nhau vận chuyển đất đi san lấp dự án các khu tái định cư ở khu vực đường số 5 Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh. Chiều 18-11, bám theo đoàn xe tải màu xanh có ghi dòng chữ “Kiên Việt Phú”, chúng tôi men theo con đường đất dẫn vào mỏ đá nằm ngay cạnh trụ sở UBND xã Hòa Ninh, chứng kiến hoạt động khai thác đất đồi ở đây diễn ra khá nhộn nhịp…Theo phản ánh của người dân, hoạt động khai thác đất ở khu vực này diễn ra lâu nay và chủ mỏ đất này là một người đàn ông tên Cường (trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu). Sáng 20-11, trao đổi với chúng tôi, ông Cường cho biết công ty của ông không hoạt động gần một năm nay. Hoạt động khai thác đất đó là của công ty ông Long (trú quận Cẩm Lệ), chứ không phải của ông. Tuy nhiên, ông Long cho biết, khu vực khai thác đất như phản ánh là của ông Cường, bởi đó là khu vực của mỏ Hố Lưỡi Mèo 2. Cũng trong sáng 20-11, ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, hiện toàn xã có 1 mỏ đất và 4 mỏ đá hoạt động. Trong 4 mỏ đá thì duy chỉ có mỏ đá Hố Lưỡi Mèo 2 thuộc Công ty TNHH Phước Ninh (đã chuyển nhượng cho ông Cường) được phép hoạt động khai thác đất và đá. Tuy nhiên, hiện mỏ này chưa hoạt động. Còn những mỏ đá còn lại chưa được phép khai thác và bán đất ra ngoài.Khi chúng tôi phản ánh hoạt động khai thác và vận chuyển đất ra ngoài tại mỏ đá Hố Lưỡi Mèo 2 trong mấy ngày qua, ông Thương  cho hay, mỏ của ông Cường được phép khai thác vận chuyển (!). Còn đối với việc khai thác, vận chuyển đất tại mỏ đá nằm cạnh trụ sở UBND xã Hòa Ninh, ông Thương cho biết hiện mỏ này có giấy phép hoạt động khai thác đá đến năm 2020, nhưng chưa được phép khai thác và vận chuyển đất ra ngoài. “Đơn vị này đang làm thủ tục xin cấp phép bóc lớp tầng phủ. Sở Tài nguyên - Môi trường cũng đã kiểm tra thực tế, nhưng hiện vẫn chưa được cấp phép”, ông Thương cho biết thêm.Tiếp đó, ông Thương cung cấp các quyết định của UBND thành phố liên quan đến thủ tục hoạt động của hai mỏ đá nói trên. Theo các quyết định cấp phép của UBND thành phố, mỏ Hố Lưỡi Mèo 2 và mỏ đá nằm gần trụ sở UBND xã Hòa Ninh chỉ được phép khai thác đá xây dựng, hoàn toàn không có nội dung về khai thác, vận chuyển đất. Sau khi nghe phản ánh của chúng tôi, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý.

- Đẩy mạnh kích cầu du lịch cuối năm:

+ Thời điểm cuối năm với các kỳ nghỉ dài là dịp để các công ty lữ hành trên địa bàn Đà Nẵng đẩy mạnh hoạt động kích cầu du lịch. Theo đó, nhiều chương trình, sản phẩm du lịch cũng như các chiến lược được các đơn vị lữ hành tung ra để thu hút khách. Những năm trước, thời điểm cuối năm thường là mùa thấp điểm của du lịch Đà Nẵng vì trùng mùa mưa; các khu, điểm du lịch có ít hoạt động. Song, hiện nay, Đà Nẵng có thêm nhiều khu, điểm du lịch mới, nhiều sản phẩm mới. Ngoài các khu, điểm tham quan, vui chơi mới như Công viên suối khoáng nóng núi Thần Tài, Bà Nà Hills, các khu du lịch sinh thái… thì du lịch M.I.C.E (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng, nghỉ dưỡng) đang là thế mạnh lớn của Đà Nẵng. Từ giữa năm 2017, các đơn vị lữ hành lớn như Saigontourits, Bến Thành Tourist, Vitours, Vietravel… đã có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động cuối năm để thu hút khách.

  2/ Báo Tổ quốc:

 -  Dân lo nhà bị cuốn trôi ra biển:

+ Nước biển ngày càng lấn sâu vào đất liền gây sạt lở nghiêm trọng khiến hàng chục hộ dân ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) lo lắng…Nhiều hộ dân sống dọc tuyến kè biển Liên Chiểu (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) thời gian gần đây thấp thỏm lo âu vì tình sạng sạt lở, nhà cửa có thể bị cuốn trôi ra biển. Theo họ, trước đây nhà ở cách biển hơn trăm mét, nhưng hiện nay biển xâm thực cách nhà khoảng 10m.Chỉ tay vào khoảng sân nhà bị sóng cuốn trôi, ông Trương Văn Mừng (55 tuổi, trú tổ 4, phường Hòa Hiệp Bắc) cho biết: “Tình trạng sạt lở, biển ăn sâu vào đất liền ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt sau bão số 12 biển xâm thực khiếp hơn. Mới chỉ trong một đêm, cái sân của nhà tôi đã bị cuốn trôi, nước tràn vào tận hiên khiến 6 người già trẻ phải di tản. Nếu cứ như thế này thì chỉ sau một trận bão nữa là hàng loạt ngôi nhà ở đây sẽ bị sóng biển nuốt chửng hết”.Thống kê cho thấy, trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc có gần 150 hộ dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng sóng biển “ăn” sâu vào đất liền. Trong đó, khoảng 50 hộ thuộc 2 tổ 4 và tổ 5 bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong bão số 12 vừa qua, có 6 gia đình phải di dời khẩn cấp do những ngôi nhà này có nguy cơ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào…

3/ Báo Nhân dân:

- Thay đổi để phát triển:

+ Vừa qua, một hãng ta-xi quyết định thay đổi cách thức kinh doanh theo phương pháp cũ, mạnh dạn phát triển mạng lưới “xe ôm” ứng dụng công nghệ thông tin để cạnh tranh với các hãng “xe ôm công nghệ” như Uber, Grab đang thu hút được sự quan tâm chú ý của dư luận. Hãng này cho biết đã tự xây dựng ứng dụng gọi xe và sẽ phát hành trên hai hệ điều hành iOS và Android, do đó người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) có thể dễ dàng sử dụng. . Dự kiến sau ngày 20-11, hãng này sẽ triển khai dịch vụ tại ba thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Nếu việc triển khai có hiệu quả, mô hình kinh doanh nêu trên sẽ tiếp tục được mở rộng tại nhiều tỉnh, thành phố khác.

ANH TRỊNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT