Tăng cường đầu tư hợp tác, chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và xử lý môi trường
Đăng ngày 24-11-2017 21:51, Lượt xem: 1248

Ngày 24-11, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND thành phố tổ chức “Hội thảo quốc tế xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và xử lý môi trường”. Tham dự có ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cùng các chuyên gia đến từ các tổ chức, học viện, doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung trao đổi, trình bày những giải pháp phát triển bền vững trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường như: giải pháp sử dụng năng lượng mặt trời; hệ thống phát điện tổng hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và vật liệu kính xây dựng; hố ga nhựa PVC và công nghệ xây dựng hồ điều tiết ngầm chống ngập cục bộ do mưa... Đồng thời, đánh giá tổng quát thực trạng nhu cầu công nghệ và những giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường; chia sẻ bài học kinh nghiệm về các mô hình liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp – trường đại học – tổ chức tài chính trong lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo tại Nhật Bản.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, nhu cầu năng lượng nói chung, nhu cầu điện trong phát triển kinh tế hiện nay đang tăng trưởng với mức độ cao. Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững. Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng với mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày càng một tăng. Nhu cầu năng lượng nói chung và cung cầu điện nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Đối mặt với các thách thức kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng… Việt Nam đang phải nỗ lực xây dựng nhiều cơ chế, chính sách theo nhiều hướng tiếp cận như sử dụng năng lượng tiết kiệm, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và áp dụng các công nghệ mới tiên tiến, thân thiện với môi trường. Trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, Bộ KH&CN đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng. Đặc biệt, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó có Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 để góp phần tháo gỡ khó khăn và tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển giao công nghệ. 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, trong những năm qua, Đà Nẵng đã triển khai thực hiện đề án xây dựng “Thành phố môi trường”, trong đó, đảm bảo an toàn các yếu tố môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí... để người dân, nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước yên tâm khi đến thành phố. Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, Đà Nẵng đã và đang tiếp tục thực hiện các đề án phát triển năng lượng tái tạo, phát triển năng lượng mặt trời cũng như nghiên cứu các giải pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác