Thông tin điểm báo ngày 14/12
Đăng ngày 14-12-2017 10:52, Lượt xem: 119

          Thông tin về tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng và tình trạng ô nhiễm tại bãi biển Nguyễn Tất Thành, Bí thư Thành ủy kiểm tra ô nhiễm môi trường tại bãi biển Mỹ Khê là những thông tin nổi bật được các báo, đài phản ánh vào ngày hôm qua (13/12) và hôm nay (14/12).

1/ Thông tin về tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, các báo, đài có các tin, bài:

Báo điện tử Dân Trí: Đà Nẵng dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh mà dân vẫn kêu ca!

Bí thư Đà Nẵng đặt câu hỏi: Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mà nhà đầu tư vẫn còn kêu ca, thành phố đứng đầu cả nước về cải cách thủ tục hành chính mà thực tế người dân vẫn còn than là đi làm thủ tục hành chính còn gặp phiền hà. Như thế thì phải xem lại những chỉ số này đã được đánh giá, nhìn nhận đúng thực chất hay chưa?

Báo điện tử Viettimes: Bí thư Trương Quang Nghĩa: Đà Nẵng sẽ minh bạch, công khai và lắng nghe

 Đó là quan điểm lãnh đạo được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chia sẻ với cử tri quận Hải Châu tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng diễn ra sáng 13/12.

2/ Bí thư Thành ủy kiểm tra ô nhiễm môi trường tại bãi biển Mỹ Khê, các báo, đài có các tin, bài:

Báo Đà Nẵng: Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa: Sớm xử lý dứt điểm những điểm nóng môi trường

Chiều 13-12, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa kiểm tra thực tế tình hình ô nhiễm môi trường tại các cống xả thoát nước ra biển tại khu vực biển Mỹ Khê, T20; tình hình thu gom và xử lý nước thải tại khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Trạm xử lý nước thải Phú Lộc. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, lãnh đạo sở, ngành, địa phương liên quan.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết, đây là vấn đề bức xúc, cần tập trung bố trí vốn và phải coi đây là công việc trọng điểm, ưu tiên thực hiện sớm. Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND thành phố và các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ các dự án liên quan, sớm xử lý tình trạng nước mưa lẫn nước thải từ các cửa cống xả ra vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây xói lở bãi biển và mất mỹ quan.

“Thực tế có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề ô nhiễm tại khu vực vì ảnh hưởng đến lợi ích kinh doanh của họ. Do đó, cũng cần tính đến việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp bị ảnh hưởng tham gia góp ý, xây dựng phương án phù hợp, như vậy mới vừa xử lý hiệu quả, vừa tạo sự đồng thuận cao”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Báo cáo với Bí thư Thành ủy khi kiểm tra Trạm máy xử lý nước thải Phú  Lộc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành tập trung thực hiện nhiều giải pháp tổng thể để cải thiện môi trường sông Phú Lộc như: cải tạo, nâng cấp Trạm xử lý nước thải Phú Lộc với công suất xử lý 40.000m3/ngày/đêm, triển khai xây dựng hệ thống thu gom nước thải tại một số tuyến kênh, mương chính đổ vào sông Phú Lộc, triển khai công trình xây dựng hệ thống thu gom lưu vực tuyến kênh Phần Lăng...

Sau khi hoàn thành các công trình này, nước thải toàn bộ lưu vực Phú Lộc sẽ được thu gom về Trạm xử lý nước thải Phú Lộc để xử lý với tổng lưu lượng khoảng 120.000m3 ngày/đêm, kinh phí 400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Giám đốc Sở TN-MT Lê Quang Nam, việc xây dựng hệ thống thu gom lưu vực tuyến mương Khe Cạn thuộc dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng vẫn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng với khoảng hơn 200 hộ dân, phần lớn trên địa bàn quận Thanh Khê.

Liên quan dự án này, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị UBND thành phố, UBND quận Thanh Khê và các sở, ban, ngành sớm có báo cáo cụ thể để xử lý các vướng mắc, đặc biệt là tập trung giải quyết vấn đề ngập úng cho các hộ dân song song với việc nghiên cứu, triển khai các phương án thu gom nước thải hiệu quả.

Kiểm tra tình hình thu gom và xử lý nước thải tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà), Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu các sở, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp trên tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố tại Thông báo Số 170/TB-VP và Quyết định số 5629/QĐ-UBND về yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm tại khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang.

“Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng phương án khảo sát, tiến hành nạo vét lượng bùn lắng tồn đọng; ngoài ra cần tăng cường giám sát hoạt động xử lý ô nhiễm, giảm thiểu mùi hôi của doanh nghiệp chế biến thủy sản, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động hấp, sấy thủy sản”, Bí thư Thành ủy chỉ đạo.

Kiểm tra lối xuống biển tại khu vực đường Hồ Xuân Hương - Võ Nguyên Giáp, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị Ban Đô thị HĐND thành phố phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu các phương án mở lối xuống biển, phân luồng giao thông… trên cơ sở trao đổi ý kiến với doanh nghiệp và chủ đầu tư nhằm bảo đảm cảnh quan, từ đó sớm có báo cáo tổng thể để trình lãnh đạo thành phố phê duyệt.

“Đề nghị các sở, ngành và địa phương phải coi đây là vấn đề trọng điểm cần bắt tay vào thực hiện ngay, nếu giải quyết tốt và hài hòa giữa mong muốn của người dân và nguyện vọng của doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao thương hiệu Đà Nẵng, cũng như cải thiện môi trường đầu tư thời gian tới”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.  

 

Báo Thanh Niên: Bí thư Trương Quang Nghĩa: Hỏng biển là hỏng cả Đà Nẵng

Hỏng biển là hỏng cả Đà Nẵng, đó quan điểm của ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, khi kiểm tra tại cửa xả nước thải Mỹ Khê vào chiều 13.12.

Có mặt kiểm tra tại cửa xả thải Mỹ Khê gây ô nhiễm môi trường trong thời gian vừa qua, sau khi nghe ngành chức năng báo cáo tình hình, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng dự án phát triển bền vững, thoát nước riêng cho khu vực Mỹ An - Mỹ Khê là dự án ưu tiên hàng đầu của TP.Đà Nẵng.

“Thành phố có nhiều dự án trọng điểm nhưng phải đưa dự án thu gom nước thải này lên ưu tiên hàng đầu. Quan điểm của Ban Thường vụ và cả HĐND TP.Đà Nẵng vừa qua là sẽ để dành vốn để giải quyết vấn đề này, vì hỏng cái này là hỏng biển, hỏng cả Đà Nẵng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

3/Liên quan đến vấn ô nhiễm môi trường, các báo có phản ánh về tình trạng rác thải tấp vào bãi biển Nguyễn Tất Thành

Báo Người lao động: Hơn 1 km bờ biển Đà Nẵng tràn ngập hàng trăm tấn rác

(NLĐO)- Mặc dù gần 100 tấn rác thải tấp vào bờ biển Đà Nẵng kéo dài hơn 1 km đang gây ô nhiễm nặng nhưng vẫn chưa được đơn vị có trác nhiệm tiến hành thu gom, xử lý theo quy định.

Chiều tối 13-12, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết vẫn chưa thể tiến hành thu gom, xử lý gần 100 tấn tấn rác thải tấp vào bờ biển Đà Nẵng (đoạn qua địa bàn phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) do không đủ nguồn nhân công cũng như kinh phí thực hiện.

Người dân sống tại dọc tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành, đoạn qua địa bàn phường Xuân Hà cho biết hơn một tháng nay, rác thải bắt đầu tấp ào ạt vào bờ biển Đà Nẵng kéo dài hơn 1 km khiến bờ biển qua khu vực này ô nhiễm nặng. Do quá bức xúc trước thực trạng bãi biển ngập ngụa trong rác nên nhiều người dân và du khách đành bỏ về và không dám tắm biển.

Qua trao đổi, ông Trần Văn Tiên, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, xác nhận việc thu gom, xử lý rác lượng rác thải tấp vào bờ biển, đoạn qua địa bàn phường Xuân Hòa, như hiện nay là không thể do công ty không đủ nguồn nhân lực cũng như kinh phí thực hiện. Trước thực trạng trên, ông Tiên cho biết đã gửi văn bản yêu cầu đến Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (BQL) để xin ý kiến giải quyết. Hiện BQL đã có văn bản gửi Sở Du lịch và Sở Tài nguyên môi trường để xin hỗ trợ kinh phí thực hiện việc thu gom rác thải. Đến nay, việc xin hỗ trợ kinh phí vẫn chưa được cho ý kiến nên chúng tôi không thể thực hiện viêc thu gom, xử lý rác thải tại bãi biển Đà Nẵng đi qua khu vực phường Xuân Hà".

Cũng liên quan đến lĩnh vực môi trường, báo Đà Nẵng thông tin tập đoàn Biwater đề xuất đầu tư 200 triệu đô la cải thiện môi trường nước của thành phố.

Báo Đà Nẵng: Tập đoàn Biwater đầu tư 200 triệu USD cải thiện môi trường nước

Chiều 13-12, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ làm việc với Tập đoàn Biwater (Anh) về đề xuất đầu tư dự án xử lý, cải thiện môi trường nước trên địa bàn. Đây là một trong những động thái của chính quyền thành phố trong việc xúc tiến, mời gọi nhà đầu tư xử lý môi trường nước trước tình trạng ô nhiễm nước thải sinh hoạt, đặc biệt ở khu vực bờ biển phía đông bán đảo Sơn Trà và vịnh Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, thành phố đã nhiều năm tổ chức xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, hợp tác đưa ra các giải pháp bền vững và hiệu quả để xử lý môi trường nước.

Theo đại diện Tập đoàn Biwater, sau 2 năm tiếp cận tìm hiểu, doanh nghiệp quyết định đăng ký tham gia dự án cải thiện môi trường nước Đà Nẵng, với đề xuất đầu tư dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu vực bờ biển Sơn Trà và vịnh Đà Nẵng, tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Dự án này sẽ dựa trên cơ sở nâng cấp các nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống thu gom đã có từ dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo đó, Tập đoàn Biwater đề xuất mở rộng công suất 2 nhà máy nước thải Sơn Trà và Phú Lộc lên 36.000m3 và 43.000m3/ngày đêm, nâng cấp hệ thống cống thu gom có khẩu độ lớn hơn và đầu tư công nghệ xử lý nước thải hiện đại hơn, bảo đảm các tiêu chuẩn xử lý nước thải an toàn cho môi trường.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết, thành phố hoàn toàn ủng hộ đề xuất của doanh nghiệp, nhưng yêu cầu phải có phương án tài chính và kiểm soát hiệu quả; có thể nghiên cứu dùng vốn vay công tư hợp doanh hoặc đầu tư từ ngân sách địa phương để triển khai, thay vì vay vốn ODA như các dự án thực hiện lâu nay.

5/ Giải tỏa đền bù

Báo Đà Nẵng: Nhiều bất cập tại các khu tái định cư ở Hòa Vang

Trong những năm qua, nhiều người dân ở nhiều khu tái định cư (TĐC) trên địa bàn huyện Hòa Vang sống chung với tình trạng đường sá lầy lội, chậm khớp nối hạ tầng, thi công dang dở, chậm có đất giao cho dân... Nhiều khu vực dân cư lân cận các khu TĐC cũng khổ sở vì bị đổ đất san nền gây ngập, ô nhiễm vì nước thải sinh hoạt...

Lầy lội, sụt lún, thi công dang dở

Trên địa bàn xã Hòa Liên, nhiều dự án đầu tư xây dựng đang triển khai dang dở. Hai tuyến đường nối giữa khu TĐC Hòa Liên 5 với công trình đường Nguyễn Tất Thành nối dài và khu TĐC Hòa Liên 4 giai đoạn 2 chỉ được đổ đất, đá dăm và trũng thấp nên thường xuyên lầy lội vào những ngày mưa. Khi lưu lượng lũ từ hồ Hòa Trung chảy về nhiều, cả hai tuyến đường đều ngập nước.

Khu TĐC Hòa Liên 2 là khu TĐC duy nhất có đường được thảm bê-tông nhựa hoàn chỉnh, nhưng người dân vẫn lo bị ngập sâu do cao trình chỉ ngang bằng mặt đường ĐT601 và thấp hơn các khu TĐC ở bên trong.

Trong khi đó, ở khu TĐC Hòa Liên 4 giai đoạn 1 và Hòa Liên 4 giai đoạn 2, nhiều đoạn đường và lô đất bị sụt lún, hư hỏng bó vỉa, hố thu nước mặt đường. Đáng nói, đoạn giữa đường quy hoạch rộng 7,5m thuộc khu TĐC Hòa Liên 4 giai đoạn 2 và cầu số 1 (bắc qua kênh thoát lũ Hòa Liên) chưa được thi công khớp nối hoàn chỉnh, làm người dân rất vất vả khi lưu thông qua cầu vì chênh lệch cao trình lên đến 1,5m.

Thậm chí, chỉ có 50m đường nối từ đường ĐT601 vào chợ Quan Nam ở khu TĐC Hòa Liên 3, nhưng cũng không được thảm bê-tông nhựa. “Nhiều năm nay, người dân kiến nghị hoài nhưng không hiểu sao chỉ có 50m đường mà cũng không tiến hành thảm nhựa. Đường thường xuyên bị ngập nước vào ngày mưa. Hai bên đường bị sụt lún, dễ gây tai nạn cho người đi đường”, ông Nguyễn Văn Ngọc (thôn Quan Nam 1, xã Hòa Liên) bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hoa (khu TĐC Hòa Liên 3) cũng cho hay: “Chúng tôi nhận đất và xây dựng nhà ở khu TĐC Hòa Liên 3 đã 5 năm nay nhưng vẫn chưa được thảm bê-tông nhựa mặt đường. Năm ngoái, có đơn vị đến cày đường cho phẳng, trồng một số cây xanh và cho biết sắp thảm nhựa mặt đường nhưng chờ hơn 1 năm rồi vẫn chưa thấy triển khai”.

Người dân ở thôn Phú Hòa 1 và Phú Hòa 2 (xã Hòa Nhơn) cũng rất bức xúc vì việc đổ đất san nền thi công khu TĐC hai bên tuyến đường Túy Loan - Cầu Đỏ chặn lối thoát nước, gây ngập sâu. “Tuyến đường bê-tông ở thôn Phú Hòa 1 bị đổ đất chặn ở hai đầu làm nhiều nhà dân bị ngập sâu, đường bị ngập trong nước hơn 10 ngày”, ông Nguyễn Đức Vàng (thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn) bức xúc.

Theo UBND huyện Hòa Vang, đối với tuyến đường vào chợ Quan Nam nói riêng và các tuyến đường nằm trong các khu TĐC Hòa Liên 3, Hòa Liên 4 nói chung, UBND thành phố đang giao Sở Xây dựng đề xuất xử lý việc sụt lún nền trong các khu TĐC nên chờ khi có kết quả đề xuất của Sở Xây dựng và ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, UBND huyện tiếp tục đề nghị triển khai thảm bê-tông nhựa mặt đường 1 lớp.

Còn theo Sở Xây dựng, UBND thành phố đã giao sở chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng kiểm tra, nghiên cứu đề xuất phương án xử lý lún hạ tầng kỹ thuật tại các khu TĐC Hòa Liên 3, đặc biệt là khu vực 120 lô đất ở khu TĐC Hòa Liên 4 giai đoạn 2 và khu vực 32 lô đất ở khu TĐC Hòa Liên 4 giai đoạn 1.

UBND thành phố mới giao UBND huyện Hòa Vang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp dân tại khu vực 32 lô đất ở khu TĐC Hòa Liên 4 giai đoạn 1 để lấy ý kiến người dân trước khi quyết định phương án xử lý sụt lún.

UBND thành phố cũng giao Sở Xây dựng thực hiện kiểm định chất lượng xây dựng đối với khu TĐC Hòa Liên 5, khu TĐC Trung tâm xã Hòa Bắc và khu TĐC phía nam đường Nguyễn Tất Thành nối dài.

Dân chờ đất thực tế

Còn ở xã Hòa Bắc, nhiều hộ dân ở các thôn Phò Nam, Tà Lang, Giàn Bí… đã tháo dỡ nhà cửa hơn 1 năm để phục vụ thi công công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, đến nay vẫn chưa có đất thực tế để nhận đất, xây dựng nhà ở.

Đặc biệt, người dân thôn Phò Nam còn lo ngại khu TĐC Trung tâm xã Hòa Bắc ở bãi trồng mía sát bờ sông Cu Đê có nguy cơ ngập lũ, cuốn trôi. Bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho hay: “Trong thời gian qua, nhiều hộ giải tỏa rất khổ sở khi phải đi xin ở nhờ để chờ có đất TĐC thực tế.

Đợt lũ vào đầu tháng 11 vừa qua tuy chưa gây ngập khu TĐC Trung tâm xã Hòa Bắc nhưng nếu mực nước lũ tương đương đỉnh lũ năm 1999 thì chưa biết ra sao”.

Trong khi đó, ông Lê Minh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng công trình giao thông (đơn vị điều hành dự án 2 khu TĐC nói trên) cho biết:

“Tính đến nay, khu TĐC Tà Lang - Giàn Bí đã có 5 lô đất thực tế (trong tổng số 30 lô đất) và khu TĐC Trung tâm xã Hòa Bắc đã có 29 lô đất thực tế (trong tổng số 94 lô đất). Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố đã và đang tổ chức cho người dân nhận đất thực tế để xây dựng nhà ở.

Do từ khi triển khai thi công, gặp trời mưa quá nhiều nên UBND thành phố đã đồng ý gia hạn hoàn thành khu TĐC Tà Lang - Giàn Bí đến ngày 30-3-2018 và khu TĐC Trung tâm xã Hòa Bắc đến ngày 30-6-2018. Khu TĐC Trung tâm xã Hòa Bắc được thiết kế vượt lũ với tần suất 5% (nghĩa là 20 năm ngập 1 lần) và cao trình cao hơn đỉnh lũ năm 1999 từ 0,5 - 0,6m, nên không nâng cao trình lên nữa”.

UBND huyện Hòa Vang cũng cho biết, vừa qua, các đơn vị điều hành dự án các khu TĐC đã lắp đặt hệ thống cống đấu nối thoát nước mưa ra vị trí mương tiêu để giải quyết ngập úng khu dân cư xung quanh khu TĐC Phú Sơn Tây và thôn 5, xã Hòa Khương. Bên cạnh đó, đã đầu tư hệ thống mương thoát nước hở dẫn ra hạ lưu cầu đường sắt tại thôn Phong Nam (xã Hòa Châu), không để nước thải chảy ra cánh đồng xã Hòa Châu và thôn Dương Sơn (xã Hòa Tiến). UBND huyện cũng sẽ kiểm tra, kiến nghị UBND thành phố xem xét, khớp nối hệ thống thoát nước các khu dân cư Hòa Tiến trong thời gian đến.

 

5/ Lĩnh vực CNTT, Kinh tế

Các báo điện tử Chính phủ, Lao động, VTV8, DRT, ICTNews, Dân Trí, Đà Nẵng…đều đưa tin Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc công nhận Công viên Phần mềm Đà Nẵng là Khu Công nghệ thông tin tập trung.

Báo Đà Nẵng: Doanh nghiệp Hoa Kỳ hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh

Chiều 13-12, UBND thành phố phối hợp với Thương vụ Hoa Kỳ tổ chức tọa đàm phát triển đô thị thông minh giữa các công ty Hoa Kỳ và thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, từ năm 2014, Đà Nẵng đã triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh, tập trung 5 lĩnh vực: giao thông, cấp nước, thoát nước, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và xây dựng thành phố kết nối. Tháng 7-2014, Đà Nẵng chính thức khai trương và đưa vào vận hành hệ thống thông tin chính quyền điện tử.

Tham tán Thương mại Hoa Kỳ Stuart Schaag đánh giá cao nỗ lực của Đà Nẵng trong việc xây dựng cách tiếp cận có tầm nhìn và sử dụng nguồn lực công nghệ hiện có để giải quyết các thách thức của thành phố. Theo ông Schagg, tại Việt Nam hiện có mạng lưới gồm 40 công ty Hoa Kỳ chuyên xây dựng các giải pháp thành phố thông minh. Ông hy vọng các công ty này sẽ hỗ trợ Đà Nẵng trong quá trình sử dụng các công nghệ, thực hiện thành công đề án thành phố thông minh của thành phố.

Tại tọa đàm, đại diện 13 công ty Hoa Kỳ bày tỏ mong muốn hợp tác với thành phố. Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ ban hành và triển khai các kiến trúc ứng dụng CNTT chuyên ngành, trong đó tập trung vào lĩnh vực giáo dục và y tế.

Báo Đà Nẵng điện tử: Cá về mùa biển động

ĐNO - Biển động nhưng tàu cá vẫn tấp nập trở về, chở theo cá thu, ngừ, nhám, bạc má…

Rạng sáng 13-12, chúng tôi có mặt tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà). Từ xa đã nghe tiếng máy tàu nổ giòn giã cùng những ánh đèn pha của các tàu vào âu thuyền để bán hải sản cho các thương lái. Không khí tại cầu cảng số 3 rất nhộn nhịp.

Tàu QNg 97681 TS của ông Phạm Thanh Tâm (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa vào bán cá từ khá sớm. Sau hơn 20 ngày trên biển, tàu mang về hơn 10 tấn hải sản các loại, trong đó chủ yếu là cá ngừ, thu, bạc má.

Ông Tâm cho biết, mùa này ra khơi vất vả vì sóng lớn. Tuy nhiên, do trái mùa nên giá hải sản cao hơn, mỗi lao động được khoảng 7 triệu đồng/chuyến biển. “Sau khi bán xong hải sản, chúng tôi cho lao động về quê thăm gia đình vài ngày rồi tiếp tục ra khơi chuyến biển cuối năm”, ông Tâm chia sẻ.

Tàu lưới vây của anh Tú mang tên Hưng Thịnh 2017 (ngụ Phú Yên) cũng trở về đầy ắp cá ngừ, cá thu, cá bạc má.

Trên cầu cảng, thương lái cũng chuẩn bị sẵn cân, xe để chở cá vào chợ. “Những chuyến biển trước, chúng tôi phải về trước rằm để bán cá sau đó nghỉ trăng. Tuy nhiên, chuyến biển này khó khăn hơn vì biển động nên phải cho tàu về muộn, bù lại giá cả ổn định nên mỗi lao động cũng nhận được thu nhập khá”, anh Tú thông tin.

HỘI AN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT