Hệ thống giáo dục nghề nghiệp dần đi vào ổn định
Đăng ngày 19-01-2018 09:57, Lượt xem: 264

Ngày 18-1, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức Hội nghị triển khai công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2018, nhằm tổng kết đánh giá công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2017 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2018. Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì hội nghị.

7 tập thể, 3 cá nhân được tặng Bằng khen của UBND thành phố ghi nhận thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục nghề năm 2017

Năm 2017, sau khi tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đối với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp từ Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã bước đầu củng cố và dần ổn định hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hiện toàn thành phố có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 21 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 27 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.Tổng quy mô tuyển sinh đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 69.859 học sinh, sinh viên với 2.122 nhà giáo đào tạo 298 ngành nghề. Năm 2017, các cơ sở đã tuyển mới 48.173 học sinh, sinh viên, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 49,15%. Bên cạnh đó, Sở đã giao chỉ tiêu và ký kết hợp đồng đặt hàng đào tạo với 6 cơ sở để tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, tổng kinh phí trên 1,7 tỷ đồng. Các cơ sở đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 1.118 lao động nông thôn, lao động đặc thù. Phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được đầu tư xây dựng khang trang, trang thiết bị hiện đại như nhóm ngành, nghề công nghệ ô tô, hàn, cắt gọt kim loại, nghiệp vụ nhà hàng, công nghệ thông tin...

Bên cạnh đó, công tác rà soát, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả, góp phần hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và lao động đặc thù tiếp tục được thành phố quan tâm đầu tư và mang lại hiệu quả thiết thực. Cơ cấu ngành nghề đào tạo dần bám sát cơ cấu phát triển kinh tế xã - hội của thành phố và theo nhu cầu của thị trường lao động, góp phần vào việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố Đà Nẵng, các tỉnh lân cận và khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Theo ông Nguyễn Văn An, năm 2018, Sở đặt mục tiêu tuyển mới 53.000 học sinh, sinh viên, trong đó trình độ cao đẳng 12.000 sinh viên, trình độ trung cấp nghề 4.000 học viên; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 51%; 80% lao động học giáo dục nghề nghiệp được giới thiệu và giải quyết việc làm; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 1.000 lao động nông thôn và lao động đặc thù để chuyển đổi ngành nghề. Ngành cũng kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hỗ trợ đầu tư xây dựng trường nghề chất lượng cao, đầu tư các nghề trọng điểm theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả khu vực.

Ghi nhận những nỗ lực, thành tích xuất sắc của các cá nhân, tập thể trong công tác giáo dục nghề năm 2017, Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen cho 7 tập thể, 3 cá nhân; Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tặng Giấy khen cho 14 tập thể và 30 cá nhân.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác