Thông tin báo chí ngày 12/3
Đăng ngày 12-03-2018 04:09, Lượt xem: 125

Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải ngày 12/3

1/ Báo Đà Nẵng:

- Sớm triển khai dứt điểm các dự án tồn đọng:

+ Trên địa bàn quận Sơn Trà đang triển khai 42 dự án, với khoảng 1.600 hồ sơ liên quan. Năm 2018, UBND quận xác định phải đẩy nhanh dứt điểm 19 dự án trọng điểm, tránh để tồn đọng kéo dài. Dẫu vậy, công tác giải phóng mặt bằng có những khó khăn nhất định.Các dự án gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng ở quận Sơn Trà như dự án cải tạo, nâng cấp đường Trương Định, đường Lê Văn Thứ, đường Vương Thừa Vũ (nối dài), đường Trần Quang Khải hay khu dân cư tổ 13, 14 phường Phước Mỹ…

+ Công tác giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến thi công kéo dài, ảnh hưởng đến công tác quản lý của địa phương và đời sống, sinh hoạt của người dân. Trước thực trạng trên, UBND thành phố đã có Công văn số 83/VP-QLĐTư yêu cầu UBND quận Sơn Trà rà soát và đề xuất danh mục các dự án giải tỏa trên địa bàn quận nhằm xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng kéo dài

- Đất bỏ hoang gây ô nhiễm

+ Sau khi tháo dỡ các dãy nhà chung cư Thanh Lộc Đán, hai khu đất trống dọc theo đường Nguyễn Cao không được rào chắn và bỏ hoang nên cỏ mọc, bị đổ trộm rác thải, xà bần... khiến người dân phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) rất bức xúc.

+ Theo quan sát, cỏ mọc cao trong hai khu đất (rộng khoảng 4.000m2) và phủ kín vỉa hè, vươn xuống lòng đường Nguyễn Cao; thêm vào đó, nhiều rác thải, xà bần bị đổ trộm vương vãi hai bên lề đường... “Nhiều rác và cỏ mọc um tùm quá nên có nhiều muỗi và người dân cũng rất sợ rắn rết bò vào nhà”, ông Phạm Hòa (ở đường Nguyễn Huy Lượng) cho hay. Bà Trần Hoàng Yến Nhi (ở đường Nguyễn Cao) cho biết: “Hai khu đất này hiện do Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố quản lý nên khi họp tổ dân phố, người dân đã kiến nghị phường đề nghị đơn vị chủ quản có biện pháp phát cỏ, thu gom rác thải và rào chắn nhưng mấy năm nay chẳng thấy có tổng dọn vệ sinh nên cây cỏ càng mọc um tùm”.

2/ Báo Công an Nhân dân:

- Nhiều nghi vấn về hồ sơ giả mạo liên quan đến dự án ga đường sắt Đà Nẵng:

+Thông tin từ UBND quận Liêu Chiểu, TP Đà Nẵng: Trong 2 tháng đầu năm 2018, cơ quan có thẩm quyền quận Liên Chiểu đã xử lý 35 trường hợp xây dựng trái phép trên địa bàn. Đáng nói, lợi dụng những ngày nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, một số hộ dân đã bất chấp quy định pháp luật để lén lút tập kết vật liệu, xây dựng trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị

+ Theo ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: Không chỉ chuyện xây dựng trái phép mà ở địa bàn còn có quy hoạch dự án ga đường sắt (phường Hòa Khánh Nam) từ hơn 10 năm nay. Việc chuyển nhượng đất nông nghiệp trái phép; việc làm nhà trái phép tại khu đất thuộc quy hoạch dự án này rất phức tạp.

Sự việc này, lãnh đạo quận đã kịp thời báo cáo với Chủ tịch UBND thành phố tạm dừng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà tại khu vực quy hoạch dự án ga để chấn chỉnh lại công việc này. Quận ủy cũng đã chỉ đạo UBND quận kiện toàn các Tổ kiểm tra quy tắc đô thị phường do công chức địa chính – xây dựng làm tổ trưởng.Trên quan điểm kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với cán bộ thuộc quyền quản lý được phân công làm nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng (QLTTXD), người đứng đầu UBND các địa phương khi có biểu hiện buông lỏng việc QLTTXD, để xảy ra nhiều sai phạm…

+ Xung quanh những vấn đề nhức nhối về QLTTXD, Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng Trần Huy Đức cũng cung cấp: Hiện đơn vị đang thanh tra theo chỉ đạo về các vi phạm (nghi vấn vi phạm) liên quan đến công tác đất đai tại vùng quy hoạch dự án ga đường sắt trên địa bàn quận Liên Chiểu.Từ đầu tháng 3-2018, Thanh tra thành phố cũng đã chuyển Công an thành phố điều tra 72 hồ sơ đất đai nghi vấn giả mạo. Đây là một vụ việc phức tạp và dự kiến cuối tháng 3-2018, Thanh tra TP Đà Nẵng sẽ có kết luận một phần sự việc để báo cáo UBND TP Đà Nẵng. Khi có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, UBND quận sẽ chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của pháp luật…

3/ Báo Pháp luật VN

 - Đà Nẵng hoán đổi đất vàng để mở rộng Công viên APEC:

+ Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Trí và ông Thân Đức Khánh, chủ sở hữu hai lô đất “vàng” tại khu vực bờ tây cầu Rồng, đường Bạch Đằng - 2/9 vừa đồng ý hoán đổi đất ở khu vực khác để thành phố Đà Nẵng mở rộng Công viên vườn tượng APEC. Hai lô đất này có ký hiệu A1, A2, tổng diện tích 6.000 m2, mỗi lô rộng 3.000 m2 đã được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, mục đích sử dụng là đất thương mại, dịch vụ, thời hạn 50 năm Chủ sở hữu 2 lô đất này thống nhất hoán đổi và chọn lô đất tại góc đường Võ Nguyên Giáp - Võ Văn Kiệt, diện tích 5.670 m2, theo quy hoạch là đất thương mại dịch vụ, thời hạn sử dụng 50 năm.

+ Về tài chính, chủ đầu tư đề nghị thành phố hoán đổi ngang giá trị, sau khi thực hiện hoán đổi thì khu đất đổi vẫn được chia thành 2 Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 chủ sở hữu. Về thời hạn sử dụng đất là lâu dài và được phép xây dựng nhà cao tầng. Ông Thân Đức Bình, người đại diện chủ sở hữu 2 lô đất này cho biết sẽ bàn giao sớm trong quý II/2018.

4/ Báo Thanh niên

- Hiệp hội taxi cả 3 miền kêu cứu Thủ tướng, đề nghị coi Uber, Grab như taxi:

+ Các hiệp hội Taxi Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng vừa có văn bản kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị coi Uber, Grab như taxi, đồng thời “tố” những sai phạm trong quản lý Uber, Grab của Bộ Giao thông vận tải. Tiếp tục nhấn mạnh vào việc gây thất thu cho ngân sách nhà nước, các Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cho rằng, với số phương tiện lên đến hơn 60.000 xe, nhưng số nộp ngân sách của cả Uber và Grab trong suốt gần 4 năm (2014 đến tháng 10.2017) chỉ 285 tỉ đồng, tương đương 9 tháng 2017 của hãng taxi Vinasun, trong khi số lượng xe của Vinasun là hơn 5.000 xe.“Nếu tính theo mức thuế suất các doanh nghiệp taxi đang phải nộp thì số thuế là 163 tỉ đồng/tháng và 1.963 tỉ đồng/năm. Với 25% doanh thu phía Uber, Grab được hưởng, mỗi năm dòng tiền từ trong nước chảy ra nước ngoài cho Uber, Grab khoảng 5.400 tỉ đồng, mỗi ngày 15 tỉ đồng”, văn bản cho hay.

- Bất an bên các công trình xây dựng:

+ Nhiều công trình cao tầng đang thi công tại TP.Đà Nẵng gây lún nứt nhà xung quanh khiến người dân kêu cứu."Di cư" khỏi nhà riêng. UBND Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) cho biết giữa hộ ông Nguyễn Mười (33C Núi Thành, P.Hòa Thuận Đông, Q.Hải Châu) và Công ty TNHH Tùng Lâm vẫn chưa đối thoại được để giải quyết khiếu nại thi công làm nứt nhà. Theo ông Mười, từ khi Công ty TNHH MTV tư vấn và xây dựng A.S.B.T, đơn vị thi công cho chủ đầu tư Tùng Lâm (35A-B-C Núi Thành), đào móng làm phần cọc công trình ở sát bên, thì ngôi nhà cấp 4 có gác lửng của ông bắt đầu bị nứt toác. Các vết nứt chạy dài, ngang dọc khắp nhà. Mẹ già 89 tuổi của ông Mười phải “di cư” đi nơi khác…

+ UBND P.Hòa Thuận Đông đã mời các bên hòa giải. Do hai bên không thỏa thuận được mức thiệt hại, phường đề nghị mời đơn vị thẩm định độc lập để đánh giá khách quan nhưng bất thành. Ông Mười cho rằng Công ty Tùng Lâm không hợp tác xem xét thiệt hại và thỏa thuận bồi thường; đồng thời còn "tố" UBND phường đã chấp nhận cho Tùng Lâm thi công trong múi giờ bất hợp lý (từ 6 giờ 30 đến 11 giờ 30, từ 13 giờ đến 19 giờ hằng ngày), ảnh hưởng sinh hoạt và kinh doanh của gia đình. Ngược lại, đại diện công ty cho rằng từng đề nghị chủ hộ cho khảo sát vết nứt, quay phim để làm cơ sở kiểm định, bồi thường... nhưng chưa được đồng ý…

+ Đại diện Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết, luật quy định trước khi xây nhà cao tầng, chủ đầu tư phối hợp địa phương ghi hình hiện trạng nhà lân cận, làm cơ sở giải quyết tranh chấp. Đây là quyền lợi của chủ đầu tư, nếu không làm sau này sẽ phải “chịu oan” vì phải bồi thường cho cả những hư hỏng khác xảy ra trước đó bởi không có cơ sở đối chứng. Đồng thời, Sở cũng khuyến cáo người dân cần hợp tác với chủ đầu tư, đề nghị ghi hình trước khi khởi công thông qua chính quyền; luật cũng quy định trường hợp bất hợp tác thì không xem xét, không đền bù. Đây là cách "tự bảo vệ mình" của cả hai phía, trong tình hình xây dựng nhà cao tầng ngay trong khu dân cư ngày càng nhiều.

ANH TRỊNH

 

     

    

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT