Sự kiện: Kênh quảng bá hiệu quả cho thương hiệu Đà Nẵng
Bất chấp một năm kinh tế còn nhiều khó khăn, du lịch Đà Nẵng vẫn chuyển biến tích cực với lượng du khách tăng trưởng khoảng 17% so với năm 2012. Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn được trao giải thưởng "Phong cảnh thành phố châu Á năm 2013" do Tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại Châu Á (UN Habitat Châu Á) bình chọn và được Tạp chí du lịch trực tuyến uy tín hàng đầu châu Á - Smart Travel Asia bình chọn là Top 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu Châu Á 2013.

Tìm sự khác biệt
 
 Với nhiều nước trên thế giới, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch đã được kiểm chứng là một kênh quảng bá hiệu quả cho thương hiệu và hình ảnh của một địa phương, giúp định vị hình ảnh của địa phương với tư cách là một điểm đến du lịch được ưa thích, đem lại những lợi ích kinh tế và tạo ra những hiệu ứng xã hội tích cực đối với địa phương tổ chức sự kiện.
 
 Vậy nên sự kiện cũng được xem là một sản phẩm du lịch độc đáo. Nó có thể quảng bá hình ảnh địa phương thông qua sự hấp dẫn do chính sự kiện mang lại, khuyến khích du khách tham gia và trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn của điểm đến- một điều kiện tiên quyết để du khách tiếp cận và có cảm tình với điểm du lịch đã lựa chọn.

Cuộc thi Dù bay quốc tế 2012 - sự kiện thu hút sự quan tâm
của đông đảo người dân và khách du lịch tại Đà Nẵng.

 Và thời gian qua, Đà Nẵng đã làm khá tốt việc này với việc đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng cường mở rộng đường bay, chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá cùng việc tiếp cận mạnh những thị trường tiềm năng. Song song với nó là tổ chức thành công những sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch... Đó là những nhân tố góp phần làm nên thương hiệu, giúp quảng bá tốt hình ảnh của thành phố Đà Nẵng đến người dân trong và ngoài nước.
 
 Đà Nẵng -một thành phố trẻ với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, được thiên nhiên ưu đãi những cảnh quan đẹp cùng hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển nhưng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể (vốn là những nhân tố giúp quảng bá hình ảnh và thu hút du khách) lại chưa được khai thác và phát huy đúng mức.
 
 Để trở nên khác biệt với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vốn có sự phát triển tương đối hài hòa về kinh tế và văn hóa; để nổi bật và thu hút hơn với các tỉnh duyên hải miền Trung vốn có nhiều nét tương đồng về các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào cảnh quan thiên nhiên và biển, Đà Nẵng cần chọn cho mình một hướng đi mới. Và không có gì ngạc nhiên khi chính quyền thành phố định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành một “Thành phố sự kiện” trong thời gian không xa.
 
 Vẫn còn ở mức sơ khai
 
 Không thể phủ nhận, trong thời gian qua, bên cạnh những lợi ích kinh tế, các sự kiện đã góp phần giúp du khách cảm nhận về một Đà Nẵng hiện đại, năng động, văn minh, hài hòa, an bình, hấp dẫn và đáng sống. Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế được tổ chức 6 năm liên tiếp đã làm nên thương hiệu của Đà Nẵng bởi sức hấp dẫn và uy tín về mặt tổ chức. Cuộc thi Marathon Quốc tế lần đầu được tổ chức thu hút hơn 3.200 vận động viên, trong đó có 300 vận động viên nước ngoài tham gia thi đấu.

 Trong phạm vi hoạt động của sự kiện Điểm hẹn mùa hè, Giải Dù lượn không động cơ Quốc tế được tổ chức với sự tham gia của 32 vận động viên trong và ngoài nước đã giúp du khách cảm nhận về Đà Nẵng với sự hài hòa giữa thiên nhiên và sự năng động qua bộ môn thể thao mạo hiểm.
 
 Đó là chưa kể đến hàng loạt những sự kiện khác như giải Đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Cuộc thi Robocon châu Á Thái Bình Dương; cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, các lễ hội văn hóa nghệ thuật… cũng dần đến Đà Nẵng.
 
 Ngoài ra, các nhà tổ chức sự kiện, các doanh nghiệp cũng bắt đầu tìm đến Đà Nẵng như một địa điểm thuận lợi để triển khai các dự án sự kiện phù hợp.
 
 Tuy nhiên, có một thực trạng là ngành công nghiệp “sự kiện” ở Đà Nẵng vẫn chỉ mới ở bước sơ khai. Đa phần các sự kiện lớn đều do chính quyền thành phố tự nghĩ và đứng ra tổ chức. Cộng đồng doanh nghiệp sự kiện chỉ mới dừng lại ở việc tiến hành các lễ khánh thành, động thổ, giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp khác, tổ chức các đêm ca nhạc, thời trang, hội chợ hàng hóa…Chưa có một cơ quan chuyên trách thực sự để xâu đầu mối và điều phối các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai; chưa thực sự có nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch lớn có tính đặc trưng, mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng.
 
 Thách thức lớn nhất của ngành văn hóa, thể thao và du lịch Đà Nẵng trong thời gian đến là cần phải định hướng và xác định cụ thể các loại hình sự kiện ưu tiên và triển khai đồng bộ những giải pháp nhằm sử dụng sự kiện như một kênh quảng bá thương hiệu, hình ảnh của Đà Nẵng hiệu quả.
 
 Cần những sự kiện mang hơi thở hiện đại
 
 Với những điều kiện vốn có, thiết nghĩ Đà Nẵng nên tập trung vào những sự kiện mang hơi thở hiện đại, trẻ trung, năng động, mang nhiều không khí lễ hội, giải trí. Đó có thể là những sự kiện thể thao lớn như các giải marathon, đua xe đạp, giải golf... Bởi các sự kiện này không chỉ đem lại lợi ích lớn lao về kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng mà còn là cơ hội thuận lợi để địa phương tổ chức xúc tiến du lịch vượt khỏi không gian và thời gian diễn ra sự kiện.

 Các lễ hội mang tính hiện đại cũng được xem là một hướng đi tốt. Với không khí sôi động, kéo dài, mang tính thư giãn, có khả năng kết nối cộng đồng cao. Các loại hình lễ hội như: lễ hội trình diễn ánh sáng nghệ thuật, lễ hội âm nhạc, lễ hội hóa trang, các liên hoan phim quốc tế, các triển lãm các sản phẩm du lịch, lễ hội ẩm thực… sẽ là những điểm nhấn thu hút khách và quảng bá tốt cho những nét văn hóa, hình ảnh độc đáo của địa phương đến nhiều đối tượng tiềm năng.
 
 Bên cạnh đó, các sự kiện văn hóa như các buổi hòa nhạc, trình diễn nghệ thuật, các lễ trao giải trong các lĩnh vực nghệ thuật, các cuộc thi sắc đẹp… cũng sẽ là “thỏi nam châm” giúp thu hút khách và phát đi hình ảnh của Đà Nẵng đến một diện rộng khán giả trong và ngoài nước.
 
 Bên cạnh việc xác định và thu hút tốt những sự kiện phù hợp, tiềm năng, ngành quản lý và các cơ quan liên quan còn cần chú trọng hơn đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển các cơ sở hạ tầng phù hợp và xây dựng một cơ quan chuyên trách đủ sức điều phối và quản lý các hạng mục liên quan trong quá trình triển khai.

 LÊ PHƯƠNG
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác