Chính quyền đô thị phải phục vụ tốt hơn cho nhân dân
Là một trong 2 đơn vị được giao xây dựng đề án thí điểm "Chính quyền đô thị", Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo chuẩn bị trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Ngày 21-2, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của đại diện các cơ quan Trung ương với Đảng bộ và chính quyền thành phố để tham gia đóng góp vào dự thảo Đề án.

Mục tiêu đặt ra của Chính quyền đô thị được nêu trong Đề án này là thiết kế một mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị của thành phố gọn nhẹ, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả phát triển kinh tế- xã hội và phục vụ tốt hơn cho nhân dân theo hướng đổi mới khá toàn diện các vấn đề về quản lý đô thị, cải cách hành chính, đội ngũ cán bộ công chức… Áp dụng thành công mô hình quản lý của Chính quyền đô thị cũng sẽ tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển mạnh hơn, nâng cao vị thế, vai trò của thành phố với tư cách là một trung tâm vùng và khu vực.

Đối với Đà Nẵng, việc xây dựng và áp dụng những cơ chế, chính sách quản lý đô thị được đánh giá là khá thuận lợi vì qui mô thành phố nhỏ gọn; các điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế- xã hội những năm gần đây có nhiều biến chuyển tích cực; sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân thành phố trong việc thực hiện các chủ trương chung; tốc độ phát triển nhanh chóng với tỷ lệ đô thị hóa đạt 87,16% (TP Hồ Chí Minh đạt 70%). Từ năm 2009, thành phố đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại các cấp quận, huyện, phường đem lại những kết quả thiết thực.
 
 Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đã trình bày dự thảo đề án, đưa ra những mô hình tổ chức chính quyền các cấp, phân tích những khó khăn và thuận lợi trong thực hiện. Nhìn chung, nội dung cơ bản của các mô hình thí điểm Chính quyền đô thị này là nhằm nâng cao chất lượng của dân cư đô thị, chất lượng phục vụ của chính quyền, tạo động lực phát triển nhanh, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước tại địa bàn.
 
 Trong đề án Chính quyền đô thị cũng đặc biệt chú trọng đến vấn đề phân cấp quản lý giữa các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn. Một số cơ quan sẽ được thành lập và hoạt động dưới sự điều hành trực tiếp của chính quyền thành phố như: Thanh tra đô thị, Cảnh sát đô thị (trên cơ sở hợp nhất cảnh sát quản lý hành chính, trật tự xã hội, cảnh sát môi trường, phòng cháy chữa cháy). Các lĩnh vực quản lý đất đai, qui hoạch, quản lý đầu tư, tài chính công cũng được nghiên cứu để được tổ chức thống nhất, thực hiện việc quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, phù hợp với điều kiện tự nhiên, dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
 Nhằm bảo đảm quyền lực của nhân dân nếu không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường thì HĐND thành phố sẽ được tăng cường hơn về số lượng và chất lượng đại biểu, đặc biệt là số đại biểu chuyên trách đảm bảo thực hiện chức năng quyết định và giám sát thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội.
 
 Tham gia góp ý Đề án thí điểm mô hình Chính quyền đô thị TP. Đà Nẵng, các đại biểu cho rằng việc xây dựng Chính quyền đô thị phải bảo đảm được hai mục đích quan trọng nhất, đó là chính quyền phục vụ người dân đô thị tốt hơn, thông suốt hơn; hiệu lực quản lý và điều hành xã hội của chính quyền thống nhất hơn, tập trung hơn, giảm bớt các tầng nấc trung gian
 
 Đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, công phu nội dung dự thảo đề án của tập thể lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, với nhiều đề xuất mạnh dạn, mang tính đột phá cao, Phó thủ tướng Chính phủ cũng đồng thời nhấn mạnh những mục tiêu yêu cầu trong xây dựng và hoàn thiện Đề án, tinh thần xuyên suốt xây dựng Đề án là phải tuân thủ các quy định về tổ chức chính quyền địa phương của Hiến pháp sửa đổi 2013.
 
 Phó Thủ tướng lưu ý, việc xây dựng Đề án thí điểm Chính quyền đô thị của TP. Đà Nẵng cần bảo đảm các quy định của pháp luật, không để xảy ra “khoảng trống quyền lực”, với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan cấp trên, HĐND Thành phố, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội các cấp và nhân dân cùng tham gia trong điều kiện không tổ chức HĐND quận, huyện, phường hiện nay và quá trình thực thi Đề án sau này.
 
 Việc phân cấp cho địa phương làm tăng thêm tính chủ động, sáng tạo, phục vụ nhân dân tốt hơn, bảo đảm quốc phòng an ninh, gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của Đà Nẵng. Phân cấp thẩm quyền cho Thành phố chính là để tăng thêm trách nhiệm, sức sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự quản của thành phố trên cơ sở thống nhất quyền và lợi ích của quốc gia và địa phương.
 
 Về lộ trình thực hiện, Phó Thủ tướng nhấn mạnh TP. Đà Nẵng và các bộ, ngành liên quan cần tiếp thu, hoàn chỉnh ý kiến đóng góp của các Ban, Bộ, ngành Trung ương đối với Đề án để trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến trong thời gian tới.

LÊ HOA

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác