Tăng cường chính sách khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo bền vững
Chiều ngày 23-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố về công tác giảm nghèo bền vững, báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2005-2012 và bàn các giải pháp triển khai nhiệm vụ giảm nghèo 2014-2015. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết và Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Nguyễn Thị Thanh Hưng đồng chủ trì hội nghị.

Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động- thương binh và xã hội, trong giai đoạn 2005 - 2012, tỷ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân mỗi năm giảm khoảng 2%. Kết quả giảm nghèo diễn ra ở tất cả các vùng, miền, thành thị và nông thôn trong các nhóm đối tượng; tỷ lệ giảm nghèo của 62 huyện nghèo trong toàn quốc giảm từ 58,33% năm 2010 xuống còn 43,89% năm 2012, bình quân giảm trên 6,48%/năm. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn những hạn chế, thách thức như chuẩn nghèo thấp, chưa phù hợp cuộc sống thực tế. Khoảng cách chênh lệch về mức độ nghèo có xu hướng gia tăng ở một số khu vực. Tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao.

Tại Đà Nẵng, đầu năm 2013, toàn thành phố có hơn 22 ngàn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,1% tổng số hộ dân cư, trong năm có 855 hộ nghèo phát sinh. Bằng các giải pháp đồng bộ, thiết thực, các ngành hội, đoàn thể đã trợ giúp cho 68.400 lượt hộ với 235.653 lượt người nghèo được thụ hưởng.  Đối với các hộ đặc biệt nghèo, còn sức lao động, thành phố đã giải quyết cho hơn 9.000 lượt hộ thụ hưởng các chính sách trợ giúp. Trong số đó đã có 425 hộ vươn lên thoát nghèo đạt 425% kế hoạch giao. Các ngành đoàn và địa phương đã trực tiếp đối thoại với hộ đặc biệt nghèo để tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp hỗ trợ vốn cho để phát triển chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm, hướng dẫn cách làm ăn… Cùng với đó là các hoạt động vận động hỗ trợ học bổng, hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập với kinh phí gần 800 triệu đồng; các quận, huyện đã vận đồng mua và cấp hơn 10 ngàn thẻ bảo hiểm y tế với kinh phí 5,8 tỷ triệu đồng, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho 148 người nghèo.

Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, liên kết doanh nghiệp với hộ nghèo để phát triển kinh tế

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hưng – Giám đốc Sở Lao động- thương binh và xã hội thành phố, hiện dư nợ quá hạn cho vay đối với hộ nghèo chiếm tỷ lệ lớn 1,66% tổng dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo, chủ yếu do hộ vay di dời giải tỏa nên địa phương chưa xác định được địa chỉ để thu hồi vốn. Một bộ phận lao động trẻ chưa thiết tha học nghề, định hướng nghề nghiệp còn hạn chế dẫn đến khó tìm được việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống gia đình. Đa số người nghèo sinh sống ở những vùng nông thôn, vùng xa khó tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong khi đó, chất lượng các dịch vụ công như cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt… còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của người nghèo cả về số lượng và chất lượng. Công tác truyền thông các chính sách ở một số nơi thực hiện chưa đầy đủ, vì vậy nhiều hộ nghèo chưa biết thông tin về các chính sách từ đó làm giảm hiệu quả của chương trình. Các mô hình giảm nghèo tuy có được đầu tư nhưng chưa nhiều, quy mô còn nhỏ chưa có sức lan tỏa, nhiều phong trào được phát động nhưng phạm vi còn hẹp, chưa tạo được sự thu hút mạnh mẽ trong nhân dân, nhất là đối với hộ nghèo.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh hệ thống cơ chế chính sách ngày càng được hoàn thiện, đồng thời các địa phương cũng đã vận dụng, ban hành mức cụ thể phù hợp với địa bàn, phát huy được tính hiệu quả, từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các chính sách còn trùng lắp, chồng chéo, Kết quả giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, tái nghèo vẫn còn. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo trong thời gian tới, các Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan cần tập trung hơn cho những vùng có tỷ lệ nghèo cao cả về chính sách lẫn nguồn lực. Đồng thời, các địa phương cần tập trung rà soát chính sách, phân loại đối tượng làm căn cứ xây dựng cơ chế, mở rộng chính sách cho hộ cận nghèo, hộ nghèo, đặc biệt mức độ thiết chế chính sách phải sát với thực tiễn, tăng cho vay, giảm cho không… nhằm khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác