Đà Nẵng: Quán triệt triển khai thực hiện các văn bản của Bộ Chính trị
Sáng ngày 25-4, Thành ủy đã tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung các Quyết định sô 217-QĐ/TW, quyết định số 218-QĐ/TW và kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị. Phó Bí thư Thành ủy Võ Công Trí chủ trì hội nghị. Nội dung các văn bản qui định về hoạt động giám sát và phản biện xã hội; hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và việc tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Đây là các văn bản nhằm cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết của Hội nghị BCH TW đảng khóa XI về “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Hội nghị TW lần thứ 7 về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

Nội dung Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể theo Quyết định số 217-QĐ/TW nêu rõ mục đích, nội dung, tính chất, đối tượng, phạm vi và cách thức thực hiện giám sát và phản biện xã hội; những quyền và trách nhiệm của Mặt trận, các đoàn thể trong việc giám sát và phản biện. Theo quy định tại Quyết định, thông qua hoạt động giám sát và phản biện, Mặt trận và các đoàn thể phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, phát huy những nguồn lực, sức mạnh đoàn kết các lực lượng quần chúng nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, nội dung về việc phản biện xã hội là vấn đề được cụ thể hóa rõ ràng, nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát thực tế, chưa đúng chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn phù hợp thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong hoạch định chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khắc phục tâm lý cho rằng “phản biện là phản đối” dẫn đến e ngại né tránh…
 
 Cũng với mục đích phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, Quyết định số 218-QĐ/TW khẳng định: Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có quyền và trách nhiệm trong việc huy động nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Theo đó, Mặt trận và các đoàn thể thực hiện việc góp ý theo định kỳ hàng năm trước khi kiểm điểm các cấp ủy Đảng và trước khi kết thúc nhiệm kỳ của cấp ủy; tổ chức đối thoại, lấy ý kiến nhận xét của nhân dân nơi cư trú đối với đảng viên. Mặt trận cũng tiến hành việc góp ý thường xuyên thông hòm thư xây dựng Đảng, hóm thư của đơn vị, qua tiếp xúc trực tiếp hoặc góp ý đột xuất đối với các văn bản hoặc khi có yêu cầu. Quyết định cũng xác định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc thông báo, cung cấp thông tin , tổ chức việc tiếp nhận xử lý, tiếp thu các ý kiến góp ý hoặc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân …
 
 Việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong 8 năm qua, kể từ sau Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ CCTP vẫn còn chậm, chưa theo đúng lộ trình của Chiến lược CCTP. Ngày 12/3/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 92-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW với một số điều chỉnh nội dung về quan điểm và nhiệm vụ CCTP nêu trong Nghị quyết số 49. Đặc biệt chú trọng về cơ chế phân công, phối hợp, và kiểm soát các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; tổ chức cơ quan điều tra, tòa án và viện kiểm sát nhân dân theo hướng tinh gọn, hiệu quả, không chồng chéo nhiệm vụ.

LÊ HOA

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác