Tăng cường trách nhiệm quản lý về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn
Chiều 20-3, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng năm 2014; triển khai nhiệm vụ năm 2015. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn thành phố chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết, năm 2014, Đà Nẵng gần như không bị ảnh hưởng và thiệt hại của bão lũ. Nhờ chủ động xây dựng và thực hiện phương án chống hạn nên tất cả các diện tích, vùng sản xuất đều đảm bảo đủ nước tưới cho diện tích cây trồng đến thời điểm thu hoạch. Thành phố đã xây dựng được phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với các kịch bản thiên tai trên địa bàn và 2 quyển sổ tay Hướng dẫn phòng chống thiên tai. Kiến thức về phòng tránh thiên tai của nhân dân được nâng cao. Tuy nhiên, trên biển vẫn xảy ra 20 trường hợp tai nạn, sự cố liên quan đến hỏng máy, thuyền viên bị tại nạn và tàu chìm. Để khắc phục hậu quả sau thiên tai và hỗ trợ các phương tiện tàu cá, thành phố đã hỗ trợ các lực lượng địa phương  và các phương tiện tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn và các chủ tàu cá bị nạn trên biển để khắc phục thiệt hại với tổng số tiền 65 triệu đồng; hỗ trợ chủ tàu khắc phục khó khăn tiếp tục vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, việc xây dựng đô thị và các cơ sở hạ tầng dang dở dẫn đến việc ngập úng cục bộ, cản trở việc thoát lũ; điển hình là tại Hòa Liên – nơi chịu ảnh hưởng của lũ sông Cu Đê và lũ của lưu vực Hòa Trung. Do đó, các địa phương cần sớm triển khai giải pháp  khắc phục, đảm bảo thoát lũ nhanh, giảm độ ngập sâu của lũ, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân khi có lũ lớn. Đồng thời thành phố cũng cần lập Quy hoạch hành lang thoát lũ trên các sông lớn: Vĩnh Điện, Cầu Đỏ, Cẩm Lệ, sông Yên, sông Túy Loan, Quá Giáng…Cùng với đó, cần quy định rõ việc vận hành xả lũ, điều tiết nước tại các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn để tránh xảy ra thiếu nước ở mùa khô và lũ lớn ở mùa mưa cho các vùng hạ du.
 
Về công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng, ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết, năm qua, thành phố đã xảy ra 14 vụ phát lửa, cháy rừng trên diện tích 147,06 ha. Nguyên nhân chủ yếu là do đốt xử lý thực bì để trồng rừng gây cháy lan, đốt rác gây cháy lan vào rừng, đốt vàng mã, đốt rừng làm rẫy... Năm 2014, các lực lượng chức năng đã xử lý 122 vụ phá rừng trái phép, khai thác và vận chuyển trái phép lâm sản, mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã, vi phạm quy định về bảo vệ rừng… Ông Phương cũng đề nghị cần tăng cường trách nhiệm quản lý về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; thống kê rà soát diện tích rừng giao cho các chủ dự án thuộc diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng để lập kế hoạch trồng rừng thay thế. Theo đó, tổng diện tích cần trồng rừng thay thế của 54 dự án trên địa bàn là hơn 2.300 ha.
 
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết ghi nhận, đánh giá cao công tác phòng chống lụt bão của các lực lượng, địa phương; đặc biệt là sự hỗ trợ của lực lượng Hải quân, lực lượng Tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, lực lượng Kiểm ngư đã kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam. Phó Chủ tịch yêu cầu Chủ tịch UBND các quận huyện kiểm tra và hoàn chỉnh lại phương án di dân ở từng địa bàn, hoàn thiện các phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, hoàn thành trước 30-5-2015; đồng thời yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng và các đơn vị, địa phương quản lý hồ chứa nước rà soát, bảo đảm an toàn hồ chứa, các công trình thủy lợi, phương án sơ tán nhân dân vùng hạ du các hồ chứa nước, đặc biệt là 2 hồ Đồng Nghệ và Hòa Trung.
 
Phó Chủ tịch nhấn mạnh: "Trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản trong năm 2014 diễn ra với nhiều vụ việc phức tạp như: vụ cất giấu gỗ trái phép ở Cà Nhông, cháy rừng ở Hải Vân, Hòa Phú, vụ xây dựng nhà trái phép ở rừng Hải Vân." Do đó, UBND các quận, huyện có rừng lập phương án giao rừng, cho thuê rừng cho các tổ chức, hộ dân đối với diện tích rừng được giao, nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng. Đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp nằm ngoài lâm phận được giao quản lý trực tiếp của các Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết yêu cầu các Hạt và Ban quản lý rừng đặc dụng tiến hành bàn giao lại cho các xã, phường tổ chức quản lý theo quy định, đặc biệt là các hợp đồng giao khoán rừng và đất lâm nghiệp.
CÔNG TÂM
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác