Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2017
Đổi mã vùng điện thoại cố định cả nước; Hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Tổ chức, nhiệm vụ Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; Vứt rác trên vỉa hè bị phạt nặng; Xét tuyển vào hệ dự bị đại học; Thời gian bảo quản hồ sơ học sinh là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2017.
Đổi mã vùng điện thoại cố định cả nước
 
Bộ Thông tin Truyền thông đã ban hành Quyết định  số 2036/QĐ-BTTTT về việc chuyển đổi mã vùng viễn thông.
 
Theo đó, việc chuyển đổi mã vùng viễn thông sẽ diễn ra ba giai đoạn, bắt đầu từ tháng 02/2017 đến tháng 7/2017.
 
Cụ thể, giai đoạn 1 bắt đầu từ 11/2/2017, áp dụng cho 13 tỉnh, thành phố.
 
Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 15/4/2017 và giai đoạn 3 từ ngày 17/6/2017  áp dụng cho các tỉnh, thành phố. Việc chuyển đổi sẽ diễn ra trong vòng một tháng cho mỗi giai đoạn.
 
Trong khoảng thời gian đó, người dân có thể dùng song song mã vùng mới hoặc cũ. Sau ngày 13/3/2017 (của đợt 1), ngày 14/5/2017 (của đợt 2) và ngày 16/7/2017(của đợt 3), các tỉnh, thành này sẽ dùng mã vùng mới hoàn toàn.
 
Tại Đà Nẵng, mã vùng điện thoại cố định mới là 0236 thay cho mã vùng cố định cũ là 0511.
 
Hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh
 
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
 
Theo đó, từ ngày 25/02/2017, mức hỗ trợ cao nhất đối với cây trồng là 30 triệu đồng/ha; sản xuất lâm nghiệp là 20 triệu đồng/ha; nuôi thủy, hải sản 60 triệu đồng/ha.
 
Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức hỗ trợ cụ thể: hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn; hỗ trợ 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai; hỗ trợ 35.000 đồng/con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng).
 
Đối với sản xuất muối, nhà nước hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha diện tích sản xuất muối bị thiệt hại trên 70%; thiệt hại từ 30% - 70% được hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.
 
Đối với sản xuất lâm nghiệp và nuôi thủy, hải sản, hỗ trợ 4 triệu đồng/ha với diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại trên 70%; mức hỗ trợ với diện tích cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm bị thiệt hại trên 70% là 40 triệu đồng/ha; hỗ trợ từ 4,1 - 6 triệu đồng/ha diện tích nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp) bị thiệt hại trên 70%...
 
Tổ chức, nhiệm vụ Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn
 
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.
 
Theo đó, từ 01/02/2017, Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và các thành viên.
 
Nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn là 02 năm. Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có từ 5 đến 11 thành viên.
 
Đối với những xã, phường, thị trấn ở đồng bằng có số dân dưới 5 nghìn người thì được bầu 5 hoặc 7 thành viên; từ 5 nghìn người đến dưới 9 nghìn người thì được bầu 7 hoặc 9 thành viên; từ 9 nghìn người trở lên thì được bầu 9 hoặc 11 thành viên. Đối với những xã, phường, thị trấn ở miền núi, trung du và hải đảo, mỗi thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố được bầu 1 thành viên, nhưng số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân không quá 11 người.
 
Vứt rác trên vỉa hè bị phạt nặng
 
Từ 01/02/2017, các trường hợp vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng, Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt này sẽ bị tăng lên gấp đôi. Đó là nội dung nổi bật quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
 
Vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị và hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt 5-7 triệu đồng.
 
Vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng cũng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Mức phạt này tăng gấp 10 lần mức phạt cũ.
 
Xét tuyển vào hệ dự bị đại học
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư  số 26/2016/TT-BGDĐT về việc ban hành Quy chế tuyển sinh, tổ chức bồi dưỡng, xét chọn và phân bổ vào học trình độ đại học; cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đối với học sinh hệ dự bị đại học.
 
Thí sinh tham dự kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia ngay trong năm xét tuyển sẽ được đăng ký để xét tuyển vào học hệ dự bị đại học theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT hoặc xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia.
 
Trong đó, tiêu chí được xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT, thí sinh phải tốt nghiệp THPT; có kết quả xếp loại học lực từ trung bình trở lên và kết quả xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên trong 3 năm học THPT; có điểm trung bình chung của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển của năm học lớp 12 từ 6,0 trở lên.
 
Điều kiện để xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia bao gồm: Tốt nghiệp THPT; Tổng điểm của 3 bài thi/môn thi (không tính điểm ưu tiên) của tổ hợp xét tuyển đạt từ 12,0 điểm trở lên (không có bài thi/môn thi nào bị điểm liệt).
 
Thời gian bảo quản hồ sơ học sinh
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 27/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016 quy định thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục
 
Theo đó, thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu nêu trên là khoảng thời gian cần thiết để lưu giữ hồ sơ, tài liệu tính từ năm công việc kết thúc, gồm hai mức:
 
Bảo quản vĩnh viễn: Hồ sơ, tài liệu thuộc mức này được lưu giữ cho đến khi tài liệu tự hủy hoại và không thể phục chế;
 
Bảo quản có thời hạn: Hồ sơ, tài liệu thuộc mức này được lưu giữ với thời hạn tính bằng số năm cụ thể hoặc khoảng thời gian nhất định.Cụ thể, thời hạn bảo quản 20 năm được áp dụng với bảng tổng hợp kết quả học tập, rèn luyện của học sinh tiểu học; hồ sơ kiểm tra các hoạt động giáo dục và đào tạo; danh sách học viên được xác nhận biết chữ và học viên được xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; hồ sơ lưu học sinh nước ngoài vào học tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam…
 
KHÁNH VÂN
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác