Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2017.
Đăng ngày 05-07-2017 14:46, Lượt xem: 1169

Không đấu giá tài sản nhà nước ở nước ngoài; Hướng dẫn điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; Thủ tục hải quan đối với hàng bị lưu giữ; Tăng tiền đặt cọc đấu giá; Khởi kiện thừa kế quyền sử dụng đất không cần qua hòa giải; Khám bệnh dưới 195.000 đồng không phải cùng chi trả; Đưa chất khác vào xăng dầu để trục lợi bị phạt tới 100 triệu đồng; Điều kiện thành lập cụm công nghiệp; Cấm tự ý đưa hình ảnh trẻ em lên mạng là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2017.

Không đấu giá tài sản nhà nước ở nước ngoài

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Đấu giá tài sản 2016.

Cụ thể, không đấu giá chứng khoán và tài sản của Nhà nước ở nước ngoài. Những tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì phải thực hiện thủ tục đấu giá theo quy định của Luật đấu giá tài sản 2016.

Tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá gồm: Tài sản Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 62/2017/NĐ-CP  có hiệu lực thi hành từ 1/7/2017

Hướng dẫn điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 53/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vụ mua bán nợ.

Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh vụ mua bán nợ cần lưu ý một số điều kiện sau:

- Khi bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được ban hành bởi cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp quy định tại điều lệ;

- Vốn điều lệ/vốn đầu tư thực góp hạch toán trên bảng cân đối kế toán phải lớn hơn hoặc bằng mức vốn tối thiểu quy định tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP tương ứng với từng loại hình kinh doanh dịch vụ mua bán nợ;

- Người quản lý doanh nghiệp tại thời điểm được bổ nhiệm phải có bằng đại học (trở lên) thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận;

Thông tư số 53/2017/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 3/7/2017.

Thủ tục hải quan đối với hàng bị lưu giữ

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017, Nghị định số 169/2016/NĐ-CP  của Chính phủ quy định về việc xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.

Cụ thể, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bị lưu giữ do người nhận hàng không đến nhận, hoặc từ chối nhận hàng: Người vận chuyển được mang bán đấu giá nhưng phải làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa theo quy định.

Ngoài hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định, người vận chuyển phải nộp kèm các giấy tờ sau đây cho cơ quan hải quan: Văn bản đề nghị làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa đối với hàng hóa bị lưu giữ; bản chính bằng chứng liên quan đến việc thông báo về hàng hóa bị lưu giữ theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này.

Đối với hàng hóa bị lưu giữ trong trường hợp người người nhận hàng trì hoãn việc nhận hàng và đã quá thời gian theo thỏa thuận trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, sau thời hạn thông báo lưu giữ, người vận chuyển phải làm thủ tục nhập khẩu

Nghị định cũng quy định cụ thể việc xử lý hàng hóa bị lưu giữ trong trường hợp đặc biệt tại Điều 11 của Nghị định, theo đó, hàng hóa lưu giữ thuộc loại hàng hóa cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu, cấm tạm nhập- tái xuất, cấm tạm xuất- tái nhập hoặc hàng hóa bị cấm kinh doanh, cấm lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam phải được xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với hàng hóa bị lưu giữ là loại hàng mau hỏng hoặc xét thấy việc lưu giữ hàng hóa là quá tốn kém so với giá trị thực tế của hàng hóa thì người vận chuyển có quyền quyết định thời hạn bán đấu giá đối với số hàng hóa bị lưu giữ trước 60 ngày kể từ ngày tàu biển đến cảng trả hàng và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Nghị định số 169/2016/NĐ-CP  bãi bỏ Nghị định số 46/2006/NĐ-CP ngày 16/5/2006 của Chính phủ quy định về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.

Tăng tiền đặt cọc đấu giá

Có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14,  quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước từ 5% - 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá (quy định cũ là từ 1% - 15%).

Luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên và trọng tài viên đã có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên sẽ được miễn đào tạo nghề đấu giá tài sản.

Đấu giá tài sản là bất động sản phải được niêm yết ít nhất 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá (quy định cũ là 30 ngày)..

Khởi kiện thừa kế quyền sử dụng đất không cần qua hòa giải

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.

Theo đó, từ 01/7/2017, đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại UBND cấp xã thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện, trừ các tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất.

Đối với vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 1-1-2017, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết, nhưng theo khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án. Với vụ án đã được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực của pháp luật thì người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó.

Đối với vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm, từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 1-1-2017, Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện chia tài sản chung, nhưng theo khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện vẫn còn, người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện theo quy định. Đối với vụ án đã được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó.

Khám bệnh dưới 195.000 đồng không phải cùng chi trả

Theo Công văn số 2039 ngày 29/5/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, từ ngày 1/7/2017 sẽ áp dụng mức lương cơ sở mới (1.300.000 đồng/tháng) để thanh toán chế độ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh đúng quy định, có tổng chi phí một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 195.000 đồng không phải thực hiện cùng chi trả (quy định hiện hành là 181.500 đồng).

Công văn số 2039 cũng nêu rõ thanh toán trực tiếp chi phí cùng chi trả vượt quá 7.800.000 đồng (hiện tại là 7.260.000 đồng) đối với người tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên.

Việc thanh toán chế độ bảo hiểm y tế này áp dụng đối với người tham gia bảo hiểm y tế vào viện trước ngày 1/7/2017, nhưng xuất viện từ ngày 1/7/2017.

Đưa chất khác vào xăng dầu để trục lợi bị phạt tới 100 triệu đồng

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25/05/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Theo đó, phạt tiền từ 60 - 100 triệu đồng đối với hành vi thực hiện cách pha trộn hoặc đưa các chất khác vào xăng dầu để trục lợi.

Nghị định số 67/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/07/2017.

Điều kiện thành lập cụm công nghiệp

Theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/05/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, điều kiện thành lập cụm công nghiệp gồm:

- Có trong Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đã được phê duyệt;

- Có doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp lý, có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật;

- Trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp nhỏ hơn 50 ha.

Nghị định số 68/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/07/2017.

Cấm tự ý đưa hình ảnh trẻ em lên mạng

Có hiệu lực thi hành từ 01/7/2017, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em quy định một số thông tin về bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em phải được bảo vệ trên môi trường mạng: tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án, hình ảnh cá nhân...

Những thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em cũng phải được bảo vệ.

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên... Những cơ quan này phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

 

KHÁNH VÂN

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác