Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2017
Đăng ngày 09-10-2017 08:07, Lượt xem: 552

Thay số thẻ bảo hiểm y tế; Tiêu chuẩn danh hiệu chiến sĩ thi đua; Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em; Không minh họa bằng hình trẻ em; Được trưng dụng phương tiện giao thông của dân để cứu nạn, cứu hộ là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2017.

Thay số thẻ bảo hiểm y tế

Từ 1/10/2017, số sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế mới sẽ thống nhất một dãy số gọi là mã số bảo hiểm xã hội trên toàn quốc.

Mã số bảo hiểm xã hội là 10 ký tự cuối của thẻ bảo hiểm y tế, không thay đổi trong suốt quá trình tham gia, đóng và hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đây là cơ sở để cơ quan bảo hiểm xã hội hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý người tham gia theo hộ gia đình và giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi khi giải quyết các chế độ, khắc phục tình trạng cấp trùng một người có nhiều sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế như hiện nay.

Bên cạnh đó, khi thay mã thẻ bảo hiểm y tế bằng mã số bảo hiểm xã hội, dữ liệu quản lý được cập nhật về thời điểm tham gia bảo hiểm y tế đủ năm năm liên tục và phần kinh phí khám chữa bệnh tự chi trả vượt quá sáu tháng lương cơ sở trong năm tài chính. Từ đó xác định thời điểm được miễn cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh (quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100%).

Trong thời gian chờ đồng bộ, cấp mã số bảo hiểm xã hội; sổ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế đã cấp mà chưa được đổi hay cấp lại theo mẫu mới vẫn có giá trị sử dụng đến khi được cấp đổi lại. Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các tỉnh đẩy nhanh tiến độ rà soát, đồng bộ dữ liệu, ưu tiên cấp mã số bảo hiểm xã hội, đổi thẻ mới cho học sinh, sinh viên và người hết hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trước ngày 31/12/2017.

Tiêu chuẩn danh hiệu chiến sĩ thi đua

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, trong đó quy định tiêu chuẩn danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sỹ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Cụ thể, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc nhất được lựa chọn trong số những cá nhân có hai lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.

Danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong số những cá nhân có ba lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn: Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”; Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận.

Trường hợp cá nhân được điều động, biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì việc bình xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” do cơ quan, tổ chức, đơn vị điều động, biệt phái xem xét quyết định và được cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận cá nhân được điều động, biệt phái xác nhận.

Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” đối với các cá nhân mới tuyển dụng dưới 10 tháng; bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.

Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Về đối tượng, điều kiện đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, Nghị định quy định: Cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phải có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo.

Về đào tạo sau đại học, cán bộ, công chức phải đáp ứng điều kiện: Có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 2 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ; không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Điều kiện đào tạo sau đại học đối với viên chức gồm: Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có); có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nếu tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết thì phải đền bù chi phí đào tạo.

Nghị định số 101/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 21/10/2017.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Thông tư 33/2017/TT-BYT quy định về tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi.

Theo đó, từ 1/10/2017, tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe, trẻ em sẽ được các cơ sở khám, chữa bệnh về nhi, sản phụ khoa; trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản; trung tâm phòng chống HIV/AIDS; trung tâm y tế huyện; cơ sở tiêm chủng; trạm y tế xã; y tế trường học… tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Cụ thể, từ 0 - 6 tuổi, trẻ em được tư vấn cách chăm sóc và vệ sinh cơ quan sinh dục; phòng chống bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em; giáo dục giới tính; các bất thường ở cơ quan sinh dục.

Từ 7 - 13 tuổi, trẻ được biết thêm về sự thay đổi thể chất, tâm sinh lý theo độ tuổi; giới tính; khuynh hướng tình dục.

Từ 14 - 16 tuổi được giáo dục cách phòng tránh các bệnh phụ khoa, nam khoa; phòng tránh thai ngoài ý muốn; các biện pháp tránh thai phù hợp; các bệnh lây truyền qua đường tình dục; tình dục an toàn và kỹ năng thương thuyết, từ chối, xác định giá trị bản thân.

Không minh họa bằng hình trẻ em

Nội dung trên được quy định cụ thể  tại Thông tư số 09/2017/TT-BNV của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo chí

Theo đó, ngày 01/10/2017, thông tin về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan, báo chí phải làm mờ hoặc che mặt trẻ em và bảo đảm thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.

Khi sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em làm nhân vật, hình ảnh minh họa trong các chương trình phản ánh về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật, phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành đối với trẻ em dưới bảy tuổi. Đối với trẻ em từ đủ bảy tuổi trở lên, phải có sự đồng ý của trẻ em và của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành. Khi sử dụng hình ảnh trẻ em để minh họa trên xuất bản phẩm cũng phải tuân thủ điều kiện này.

Được trưng dụng phương tiện giao thông của dân để cứu nạn, cứu hộ

Có hiệu lực từ 4/10/2017, Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.

Theo đó, ngay khi sự cố, tai nạn xảy ra, cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, lực lượng dân phòng… có trách nhiệm tự tổ chức cứu nạn, cứu hộ, đồng thời báo ngay cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ biết về diễn biến sự cố, tai nạn; yêu cầu được hỗ trợ khi sự cố, tai nạn phức tạp, vượt quá khả năng của mình.

Phương tiện giao thông cơ giới của cơ quan, tổ chức và cá nhân được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ được hưởng quyền ưu tiên trong khu vực cứu nạn, cứu hộ; được ưu tiên qua cầu, phà, được miễn phí lưu thông trên đường và được hoàn trả ngay sau khi kết thúc cứu nạn, cứu hộ. Trường hợp bị mất, hư hỏng thì được bồi thường theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác