Chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 5/2016
Tăng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức; Thời gian tập sự nghề nghiệp giáo viên, giảng viên; Đối tượng tuyển sinh vào các trường trong Quân đội; Miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với chuyên gia nước ngoài; Miễn thuế TNCN khi làm việc cho Liên hợp quốc (LHQ); Hỗ trợ vay vốn cho sinh viên Y khoa; Mức chi tiền lương cho cán bộ Tổng cục Thuế, Hải quan; Trường hợp miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến là những chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 5/2016.
Tăng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức
 
Theo Nghị quyết 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015 của Quốc hội, sẽ tăng lương cơ sở từ ngày 01/5/2016. Cụ thể như sau:
 
- Tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng.
 
- Lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
 
Thời gian tập sự nghề nghiệp giáo viên, giảng viên
 
Bộ Giáo dục đào tạo đã ban hành Thông tư số 05/2016/TT-BGDĐT quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên 
 
Theo đó, thời gian tập sự trước khi được bổ nhiệm làm giáo viên, giảng viên của người trúng tuyển được quy định như sau:
 
- 6 tháng đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học.
 
- 9 tháng đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở và chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông.
 
- 12 tháng đối với chức danh nghề nghiệp giảng viên.
 
Trường hợp người trúng tuyển đã thực hiện giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng từ đủ 12 tháng trở lên thì không phải thực hiện thời gian tập sự. Người trúng tuyển được người đứng đầu cơ sở giáo dục xem xét rút ngắn thời gian tập sự nếu có bằng tiến sĩ và đã tham gia giảng dạy trong thời gian làm nghiên cứu sinh.
 
Thông tư số 05/2016/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 06/5/2016.

Đối tượng tuyển sinh vào các trường trong Quân đội
 
Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư số 17/2016/TT-BQP quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong Quân đội. Theo đó, đối tượng tuyển sinh bao gồm:
 
 - Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, có thời gian phục vụ tại ngũ 6 tháng trở lên, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong Quân đội đủ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 9 năm tuyển sinh).
 
- Nam thanh niên ngoài Quân đội (kể cả quân nhân đã xuất ngũ).
 
- Nữ thanh niên ngoài Quân đội và nữ quân nhân
 
+ Tuyển 10% chỉ tiêu cho các ngành: Bác sĩ quân y tại Học viện Quân y vào các ngành: Quan hệ quốc tế về quốc phòng, ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự.
 
+ Tuyển không quá 06% trên tổng chỉ tiêu vào đào tạo các ngành: Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử Y sinh, Khí tài quang, Địa tin học tại Học viện Kỹ thuật quân sự.
 
Miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với chuyên gia nước ngoài
 
Theo Quyết định số 06/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam được miễn thuế TNCN từ ngày 01/5/2016.
 
Điều kiện để được miễn thuế đối với chuyên gia nước ngoài là:
 
- Có quốc tịch nước ngoài.
 
- Có hợp đồng ký giữa chuyên gia nước ngoài với tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoặc với cơ quan chủ quản dự án hoặc với chủ khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài của Việt Nam trực tiếp thực hiện các hoạt động của chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
 
Miễn thuế TNCN khi làm việc cho Liên hợp quốc (LHQ)
 
Người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống LHQ tại Việt Nam được miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Đây là nội dung nổi bật quy định tại Quyết định số 07/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/02/2016.
 
Theo đó, cá nhân được miễn thuế TNCN phải đảm bảo các điều kiện sau:
 
- Có quốc tịch Việt Nam.
 
- Là nhân viên của cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống LHQ tại Việt Nam do đại diện có thẩm quyền của cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế xác nhận theo danh sách gửi cơ quan thuế.
 
Quyết định số 07/2016/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/5/2016.
 
Hỗ trợ vay vốn cho sinh viên Y khoa
 
Theo Quyết định số 09/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sinh viên Y khoa sau khi tốt nghiệp (nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày tốt nghiệp) được xem xét vay vốn khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
 
- Sinh viên thuộc một trong các trường hợp:
 
+ Mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.
 
+ Thuộc hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định.
 
+ Thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức của hộ nghèo theo quy định.
 
+ Gia đình gặp khó khăn tài chính (tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh) trong thời gian thực hành có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú.
 
Đồng thời, sinh viên phải có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh về: thời gian, chi phí thực hành và chưa có hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động trong thời gian thực hành.
 
Mức chi tiền lương cho cán bộ Tổng cục Thuế, Hải quan
 
Mức chi tiền lương, tiền công đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bình quân của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan áp dụng không vượt quá 1,8 lần và chi bổ sung thu nhập từ nguồn kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên không vượt quá 0,2 lần so với mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định.
 
Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Quyết định số 13/2016/QĐ-TTg ngày 15/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 -2020.
 
Quyết định số 13/2016/QĐ-TTg  cũng nêu rõ, tiền lương tăng thêm và bổ sung thu nhập không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ.
 
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2016.
 
Trường hợp miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến
 
Chính phủ đã ban hành  Nghị định số14/2016/NĐ-CP, theo đó, từ ngày 01/5, có nhiều đối tượng được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến, quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
 
Cụ thể , công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến được quy định gồm: Chủ tịch, phó chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, trưởng ban và các chức vụ tương đương thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam; chủ tịch LĐLĐ cấp tỉnh; các bộ trưởng, thứ trưởng và các chức vụ tương đương thuộc bộ, ngành; tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng, cục trưởng, vụ trưởng và các chức vụ tương đương thuộc bộ, ngành…
 
Ngoài ra, được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến còn có công dân đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước tại địa bàn các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng dân tộc ít người được xác định đặc biệt khó khăn trong các ngành giáo dục, y tế, bưu chính, viễn thông, nông, lâm nghiệp, hóa chất; học sinh đoạt giải ba trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; học sinh, sinh viên đạt huy chương hoặc danh hiệu trong các kỳ thi quốc tế, hội thi tay nghề thế giới, ASEAN và một con của liệt sĩ; một con của thương binh hạng 1, người nhiễm chất độc da cam phải có người nuôi dưỡng…
 
Công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ nếu có đơn tình nguyện phục vụ trong Quân đội Nhân dân và được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng thì có thể được gọi nhập ngũ.
KHÁNH VÂN
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác