Chính sách nổi bật về tài chính doanh nghiệp có hiệu lực từ 01/9/2016
Tăng cường xử lý sau kiểm tra đấu thầu; Thuế suất thông thường bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng; Thời hiệu khiếu nại kiểm toán là 30 ngày; Phạt đến 20 triệu đối với quảng cáo hóa chất y tế không có giấy xác nhận; Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong 30 ngày từ khi đề nghị là những chính sách nổi bật về tài chính doanh nghiệp có hiệu lực từ 01/9/2016.

Tăng cường xử lý sau kiểm tra đấu thầu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu.
 
Đơn vị được kiểm tra có sai sót hoặc vi phạm trong hoạt động đấu thầu, cần có thời gian để khắc phục thì đơn vị chủ trì kiểm tra có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện kết luận kiểm tra. Người đứng đầu đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện kết luận và báo cáo phản hồi về tình hình thực hiện.
 
Tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị được kiểm tra và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện kết luận mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì có thể bị xử lý theo quy định pháp luật bằng các hình thức: xử phạt vi phạm hành chính; xử lý kỷ luật; truy cứu trách nhiệm hình sự; bồi thường theo quy định của pháp luật nếu gây thiệt hại.
 
Thông tư số 10/2016/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 09/09/2016.
 
Thuế suất thông thường bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng
 
Từ ngày 01/9/2016, thuế suất thông thường sẽ bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng, thay vì 70% như trước đây. Đó là nội dung đáng chú ý tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
 
Bên cạnh đó, luật cũng bổ sung nhiều trường hợp được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu; trong đó có: Giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu; Máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bộ phận, phụ tùng nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền… 
 
Đặc biệt, sẽ miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được trong 5 năm cho doanh nghiệp công nghệ.
 
Một nội dung đáng chú ý khác là từ ngày 1/9/2016, sẽ không ấn định thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu như trước (30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan với hàng hóa xuất khẩu; trước khi nhận hàng hoặc 275 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu), thời hạn nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu là trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa.
 
Thời hiệu khiếu nại kiểm toán là 30 ngày
 
Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định số 03/2016/QĐ-KTNN ngày 28/07/2016, ban hành Quy định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán.
 
Theo đó, thời hiệu khiếu nại kiểm toán là 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kiểm toán; trường hợp đơn vị được kiểm toán không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì lý do khách quan thì thời gian có lý do khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại. 
 
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 65 ngày, kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý.
 
Bên cạnh đó, quyết định cũng cho phép đơn vị được kiểm toán có quyền rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng hình thức đơn có chữ ký của người đại diện hợp pháp của đơn vị được kiểm toán khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải được gửi đến Kiểm toán Nhà nước…
 
Quyết định số 03/2016/QĐ-KTNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/09/2016.
 
Phạt đến 20 triệu đối với quảng cáo hóa chất y tế không có giấy xác nhận 
 
Từ ngày 15/9/2016, quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng không có Giấy xác nhận quảng cáo do Bộ Y tế cấp sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng; trường hợp quảng cáo không đúng theo Giấy xác nhận quảng cáo, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định số 115/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
 
Ngoài ra, Nghị định số 115/2016/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định về mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sản xuất, gia công và kinh doanh phân bón. 
 
Cụ thể, mức phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi xếp phân bón lẫn với các loại hàng hóa khác hoặc không xếp phân bón lên kệ mà để tiếp xúc trực tiếp với nền nhà, mặt đất tại địa điểm kinh doanh. 
 
Đặc biệt, sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón vượt mức yếu tố hạn chế theo quy định đối với phân bón hữu cơ, phân bón hữu cơ khoáng, phân bón khoáng hữu cơ, phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ sinh học, phân bón sinh học… sẽ bị phạt tiền từ 60 - 70 triệu đồng.
 
Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong 30 ngày từ khi đề nghị
 
Theo Thông tư  số 06/2016/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có hiệu lực từ ngày 20/9/2016, thời hạn thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo hình thức đối tác công tư là 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
 
Đối với dự án hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc Giấy phép đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hiệu lực nội dung đăng ký đầu tư tại Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc Giấy phép đầu tư.
 
Về việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thông tư quy định, nhà đầu tư phải gửi thông báo các nội dung điều chỉnh cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kèm theo tài liệu, văn bản liên quan nếu điều chỉnh dự án hoặc sửa đổi, bổ sung hợp đồng dự án không làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. 
 
Trường hợp thay đổi tên dự án, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật của nhà đầu tư, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc thông tin khác liên quan đến nhà đầu tư, nhà đầu tư phải nộp văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
 
 
KHÁNH VÂN
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác