Chính sách nổi bật về tài chính, doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 3/2016
Doanh nghiệp an sinh xã hội được miễn giảm tiền thuê đất; Doanh nghiệp nước ngoài đã hoạt động 1 năm được thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam; Phải đưa chứng khoán vào giao dịch trong vòng 90 ngày; Điều kiện kinh doanh dược liệu; Cơ quan Nhà nước phải thuê máy móc, thiết bị nếu chỉ sử dụng 3 lần/năm; Quy định về quyết toán dự án thuộc nguồn vốn nhà nước; Tổ chức tín dụng chỉ được làm đại lý chi, trả ngoại tệ cho một tổ chức kinh tế là những chính sách nổi bật về tài chính, doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 3/2016.

Doanh nghiệp an sinh xã hội được miễn giảm tiền thuê đất

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 14/2016/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính khi các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, cân đối cung cầu cho nền kinh tế.
 
Theo đó, Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính và công tác hạch toán khi các công ty TNHHMTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty) hoạt động sản xuất kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và có tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, cân đối cung cầu cho nền kinh tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc tự
nguyện đăng ký thực hiện theo chủ trương của Nhà nước.
 
Đối với cơ chế miễn giảm về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, các doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị nếu thỏa mãn các điều kiện về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với diện tích đất sử dụng đúng mục đích, nhiệm vụ chính trị theo quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất và Nghị định số 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Trình tự, thủ tục miễn, giảm thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
 
Thông tư số 14/2016/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 7/3/2016.
 
Doanh nghiệp nước ngoài đã hoạt động 1 năm được thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam
 
Có hiệu lực từ ngày 10/03/2016, Nghị định số 07/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định thương nhân nước ngoài được phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
 
Để được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh và Văn phòng đại diện tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài phải được thành lập, đăng ký kinh doanh theo pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…; Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...
 
Đặc biệt, thương nhân nước ngoài phải hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký nếu đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện hoặc đã hoạt động ít nhất 05 năm đối với trường hợp đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh.
 
Cũng theo Nghị định số 07/2016/NĐ-CP, Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn.
 
Phải đưa chứng khoán vào giao dịch trong vòng 90 ngày
 
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 202/2015/TT-BTC, theo đó, tổ chức được chấp thuận niêm yết chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoản phải đưa chứng khoán vào giao dịch trong vòng 90 ngày, kể từ ngày được Sở Giao dịch chấp thuận; sau thời hạn này, quyết định chấp thuận sẽ mặc nhiên hết hiệu lực.
 
Trường hợp tổ chức có chứng khoán bị hủy niêm yết (bắt buộc hay tự nguyện) chỉ được đăng ký niêm yết lại sau 12 tháng kể từ ngày bị hủy nếu đáp ứng được các điều kiện tương ứng, trừ trường hợp hủy niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội do đã được chấp thuận niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM hoặc ngược lại.
 
Thông tư số 202/2015/TT-BTC cho phép công ty hợp nhất, công ty sáp nhập sau quá trình sáp nhập hoặc công ty niêm yết sau hoán đổi khi nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán được lựa chọn báo cáo tài chính được lập và đã được kiểm toán tại thời điểm gần nhất nhưng không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
 
Thông tư số 202/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/03/2016.
 
Điều kiện kinh doanh dược liệu
 
Thông tư số 03/2016/TT-BYT của Bộ Y tế quy định các cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ và dịch vụ bảo quản dược liệu phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc có phạm vi kinh doanh dược liệu.
 
Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dược liệu còn phải đáp ứng một số điều kiện khác. Cụ thể, với cơ sở bán lẻ dược liệu, phải có địa điểm cố định, diện tích tối thiểu 25m2 , riêng biệt; có khu vực trưng bày, khu vực bảo quản dược liệu; có thiết bị để bảo quản thuốc tránh được các ảnh hưởng bất lợi của môi trường; có đủ nhân viên trình độ phù hợp với công việc được giao, trong đó có ít nhất 01 người có trình độ từ dược tá trở lên; nhân viên phải được thường xuyên đào tạo, tập huấn chuyên môn…
 
Với cơ sở nhập khẩu dược liệu, phải đạt các nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc”; trường hợp chưa đủ điều kiện nhập khẩu trực tiếp phải ký kết hợp đồng ủy thác nhập khẩu với cơ sở có đủ điều kiện và tên cơ sở ủy thác nhập khẩu phải được thể hiện trên đơn hàng nhập khẩu…
 
Thông tư số 03/2016/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 06/03/2016.
 
Cơ quan Nhà nước phải thuê máy móc, thiết bị nếu chỉ sử dụng 3 lần/năm
 
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 19/2016/TT-BTC quy định cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện thuê máy móc, thiết bị mà trên thị trường có cung cấp dịch vụ cho thuê trong các trường hợp như: Máy móc, thiết bị có nhu cầu sử dụng trong thời gian dưới 12 tháng hoặc chỉ sử dụng tối đa không quá 03 lần/năm; Máy móc, thiết bị phục vụ công tác quản lý dự án có nhu cầu sử dụng dưới 50% thời gian sử dụng theo chế độ quy định…
 
Nhằm góp phần tiết kiệm nguồn chi từ ngân sách, khi thay thế máy móc, thiết bị chuyên dùng hoặc máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến, cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện theo nguyên tắc: trước tiên, nhận điều chuyển từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền; trường hợp không có máy móc, thiết bị để nhận điều chuyển thì mua mới.
 
Thông tư số 19/2016/TT-BTC  có hiệu lực từ ngày 16/03/2016.
 
Quy định về quyết toán dự án thuộc nguồn vốn nhà nước
 
Ngày 18/1/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 09/2016/TT-BTC quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.
 
Thông tư quy định cụ thể về chi phí đầu tư được quyết toán như sau:
 
Chi phí đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng để đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
 
Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, thiết kế, dự toán được duyệt; hợp đồng được ký kết kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền.
 
Chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được phê duyệt hoặc được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.
 
Thông tư 09/2016/TT-BTC có hiệu lực ngày 5/3/2016, thay thế Thông tư 19/2011/TT-BTC và Thông tư 04/2014/TT-BTC.
 
Tổ chức tín dụng chỉ được làm đại lý chi, trả ngoại tệ cho một tổ chức kinh tế
 
Từ ngày 01/03/2016, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế sẽ được áp dụng theo Thông tư số 34/2015/TT-NHNN.
 
Theo đó, một tổ chức tín dụng chỉ được làm đại lý chi, trả ngoại tệ cho một tổ chức kinh tế; trong khi đó, một tổ chức tín dụng, một tổ chức kinh tế có thể làm đại lý chi, trả ngoại tệ cho một hoặc nhiều tổ chức tín dụng được phép. Đồng thời, tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng làm đại lý chi, trả ngoại tệ không được ủy quyền lại việc chi, trả cho tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng khác…
 
Đặc biệt, Thông tư yêu cầu các tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng đã được cấp Giấy xác nhận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ hoặc Giấy phép làm dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ phải thực hiện chuyển đổi sang văn bản chấp thuận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ hoặc văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ trước ngày 02/03/2017. Quá thời hạn này, tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng không chuyển đổi hoặc không được chuyển đổi do không đáp ứng đủ điều kiện phải chấm dứt hoạt động đại lý chi, trả ngoại tệ hoặc trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ.
 
Thông tư số 34/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/03/2016.
 
 
KHÁNH VÂN
 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác