Chính sách nổi bật về tài chính, doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 12/2016
Thêm chỉ tiêu phân loại tài sản cố định hữu hình; Hướng dẫn mới xác định mức tiền lương của tổ chức chứng khoán; Chậm nộp tiền phạt tính lãi 0,05%/ngày; Xác định quỹ tiền lương trong Tập đoàn Viễn thông Quân đội; Hướng dẫn mới về xác định tiền lương của Bảo hiểm tiền gửi là những chính sách nổi bật về tài chính, doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 12/2016.
Thêm chỉ tiêu phân loại tài sản cố định hữu hình
 
Từ 28/11/2016 , theo Thông tư số 147/2016/TT-BTC ngày 13/10/2016 của Bộ Tài chính, quy định các loại TSCĐ hữu hình cụ thể như sau:
 
 “Đối với các tài sản là nhà hỗn hợp vừa sử dụng làm tài sản hoạt động của doanh nghiệp vừa để bán, để cho thuê theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp phải xác định, tách riêng phần tài sản (diện tích) tài sản để bán, để cho thuê và không được hạch toán là TSCĐ và không được trích khấu hao.
 
Trường hợp không xác định, tách riêng được phần tài sản để bán, để cho thuê thì doanh nghiệp không hạch toán toàn bộ tài sản là TSCĐ và không được trích khấu hao.”
 
Bên cạnh việc các doanh nghiệp không được trích khấu hao với phần diện tích (tài sản) để bán, để cho thuê đối với tài sản là nhà hỗn hợp thì Thông tư số 147/2016/TT-BTC cũng quy định:
 
Bổ sung thêm 01 phân loại tài sản cố định (TSCĐ) hữu hình nữa, thay vì 06 phân loại như Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định hiện nay. Cụ thể:
 
Các TSCĐ là kết cấu hạ tầng, có giá trị lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng từ nguồn NSNN giao cho các tổ chức kinh tế quản lý, khai thác, sử dụng phân vào loại 6; Các loại TSCĐ khác (là toàn bộ các TSCĐ khác chưa liệt kê vào 06 loại kia) sẽ phân vào loại 7.
 
Hướng dẫn mới xác định mức tiền lương của tổ chức chứng khoán
 
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 31/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016 hướng dẫn quản lý tiền lương trong các tổ chức hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước theo Luật chứng khoán.
 
Theo đó, khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch gắn với năng suất lao động bình quân và lợi nhuận theo Điều 9 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH thì năng suất lao động được tính theo chỉ tiêu tổng doanh thu như sau:
 
- NSLĐ bình quân kế hoạch = Tổng doanh thu kế hoạch : Số lao động bình quân kế hoạch được tính theo Khoản 1 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 26.
 
- NSLĐ bình quân thực hiện trong năm = Tổng doanh thu thực hiện trong năm : Số lao động bình quân thực tế sử dụng trong năm được tính theo Khoản 1 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 26.
 
Chậm nộp tiền phạt tính lãi 0,05%/ngày
 
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư  số 155/2016/TT-BTC quy  định chi tiết thi hành Nghị định số 127/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP.
 
Theo đó, từ ngày 01/12, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan mà chậm nộp tiền phạt so với thời hạn thi hành quyết định xử phạt, ngoài việc phải nộp đủ số tiền nộp phạt thì cứ mỗi ngày chậm nộp phạt phải nộp thêm 0,05%/ngày tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
 
Thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần không tính là thời gian chậm nộp tiền phạt.
 
Thông tư  số 155/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2016.
 
Xác định quỹ tiền lương trong Tập đoàn Viễn thông Quân đội
 
Theo Thông tư số 33/2016/TT-BLĐTBXH thì Quỹ tiền lương của Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội được xác định như sau:
 
- Quỹ tiền lương kế hoạch hằng năm = Đơn giá tiền lương được giao ổn định x Tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương kế hoạch.
 
- Quỹ tiền lương thực hiện hằng năm = Đơn giá tiền lương được giao ổn định x Tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương thực hiện.
 
Hướng dẫn mới về xác định tiền lương của Bảo hiểm tiền gửi
 
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 32/2016/TT-BLĐTBXH  ngày 25/10/2016  hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
 
Theo đó, các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động, tổng doanh thu trừ tổng chi phí được loại trừ khi xác định tiền lương của người lao động, bao gồm:
 
- Các yếu tố khách quan quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 26.
 
- Nhà nước có quyết định can thiệp làm ảnh hưởng trực tiếp đến tổng doanh thu trừ tổng chi phí của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
 
- Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi làm giảm nguồn vốn đầu tư (do giảm quỹ dự phòng nghiệp vụ).
 
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải đánh giá lại việc thực hiện yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động, tổng doanh thu trừ tổng chi phí thực hiện so với kế hoạch để loại trừ khi xác định quỹ tiền lương của người lao động.
 
 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác