Chính sách với các doanh nghiệp phải bình đẳng, không để các doanh nghiệp bị đối xử bất công
Đăng ngày 12-05-2017 13:38, Lượt xem: 2440

14h00 chiều nay (12/5), tại Trung tâm Hành chính thành phố, Thành ủy, HĐND thành phố và UBND thành phố tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2017 dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh.

Hội nghị có sự tham gia của các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện; lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng (VCCI), Ngân hàng Nhà nước, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và hơn 400 đại diện doanh nghiệp, tổ chức, hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn.

Chương trình hội nghị bao gồm các nội dung: báo cáo tóm tắt trả lời các ý kiến, kiến nghị doanh nghiệp của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư; tham luận của các Hiệp hội doanh nghiệp; thảo luận trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp.

Hội nghị có sự tham gia của các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện; lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng (VCCI), Ngân hàng Nhà nước, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và hơn 400 đại diện doanh nghiệp, tổ chức, hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh bày tỏ đây là cơ hội quý báu để lãnh đạo thành phố được gặp gỡ, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.

Báo cáo tóm tắt trả lời ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tập trung vào 7 nhóm vấn đề chính. Đặc biệt lĩnh vực đất đai, nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp để thực hiện dự án, mở rộng sản xuất kinh doanh là lĩnh vực mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất. Doanh nghiệp có nhiều kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhu cầu sử dụng đất. Điều này chứng tỏ nhu cầu về mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp ngày càng trở nên bức thiết. Trong khi đó trên địa bàn thành phố có 06 KCN và 01 Cụm công nghiệp đã gần lấp đầy (86.7%). Do đó, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 772/QĐ-UBND ngày 11/02/2017 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó quy hoạch thêm 04 KCN và 08 Cụm công nghiệp (CCN) mới.

Tổ thư ký tiếp nhận kiến nghị doanh nghiệp

Ông Sơn cũng cho biết, hiện nay địa bàn thành phố tồn tại 02 loại hình KCN: (1) KCN do doanh nghiệp đầu tư: đơn giá thuê theo thị trường, (2) KCN do nhà nước đầu tư: đơn giá thuê lại đất bình quân 7.200 – 12.600 đồng/m2/năm, trong một thời gian dài không điều chỉnh nên rất thấp so với các KCN khác trên cùng địa bàn thành phố, điều này dẫn đến sự bất hợp lý và cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà đầu tư vào KCN. Vì vậy có rất nhiều doanh nghiệp kiến nghị về đơn giá thuê lại đất và sử dụng hạ tầng tại các khu công nghiệp.

Do đó để đảm bảo việc tìm chọn nhà đầu tư đích thực, hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi đầu tư vào các KCN, nhằm tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Đề án phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020, đồng thời đảm bảo thu hồi nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng của các KCN và có nguồn vốn để duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng các KCN do thành phố đầu tư, ngày 14/01/2016, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 272/QĐ-UBND quy định đơn giá cho thuê lại đất và tiền sử dụng hạ tầng tại các KCN do thành phố đầu tư. Theo đó, đơn giá cho thuê lại đất trả tiền hằng năm là 23.000đồng/m2/năm và đơn giá thanh toán một lần cho toàn bộ thời gian thuê là 17.400đồng/m2/năm; mức thu tiền sử dụng hạ tầng 8.000đồng/m2/năm. Đối với các dự án đã ký Hợp đồng thuê lại đất đang áp dụng theo Quyết định số 799/QĐ-UBND ngày 20/01/2012 của UBND thành phố Đà Nẵng thì được áp dụng kể từ ngày 01/02/2017 (thời điểm hết 05 năm ổn định đơn giá tiền cho thuê lại đất theo Quyết định số 799/QĐ-UBND ngày 20/01/2012).

Quá trình xây dựng đơn giá được các sở, ban ngành chức năng tham gia trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành cũng như có xem xét đến yếu tố mặt bằng giá cho thuê lại đất của các KCN trên địa bàn thành phố và giá đất của các khu vực lân cận. Cụ thể đơn giá thuê lại đất một số KCN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như sau: KCN Liên Chiểu, thời hạn thuê đất còn lại bằng KCN Hòa Khánh (đến năm 2046), trả một lần 826.950 đồng/m2 (tính ra 27.565đồng/m2/năm); KCN Hòa Khánh mở rộng (liền kề với với KCN Hòa Khánh), thời hạn thuê đất còn lại đến năm 2054, trả một lần 938.700đồng/m2/năm (tính ra 24.702đ/m2/năm), tiền sử dụng hạ tầng 8.940đ/m2/năm; KCN Hòa Cầm, thời hạn thuê đất còn lại đến năm 2054, trả hằng năm 28.000 đồng/m2/năm, tiền sử dụng hạ tầng 13.000đồng/m2/năm.

Về thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ, Đà Nẵng có 2.088 hồ sơ doanh nghiệp được đăng ký qua mạng, chiếm tỷ lệ 19,9% tổng số 10.487 hồ sơ doanh nghiệp, vượt yêu cầu tại Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ (5%). Cùng với Huế, Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc đổi mới phương thức hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng mức 4 (theo báo cáo đánh giá của Cục quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với đơn vị tư vấn viết phần mềm quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố (dự kiến triển khai trong quý III năm 2017) là công cụ hữu hiệu để kịp thời trao đổi thông tin doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn và cũng thông qua đó có sự tham gia giám sát của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội và người dân.

Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm hiện nay đó là việc phê duyệt quy hoạch các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Ông Sơn cho biết, thực hiện Quyết định số 9247/QĐ-UBND ngày 15/12/2015 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc bãi bỏ các nội dung quy định về cấp phép kinh doanh tại các văn bản do UBND thành phố và Sở, ngành ban hành, trong đó UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan rà soát quy hoạch các lĩnh vực ngành, nghề thuộc danh mục các ngành nghề có điều kiện để tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện về vấn đề nêu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Dự án Quy hoạch vị trí, mạng lưới một số ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, dự kiến trình UBND thành phố xem xét, quyết định trong quý II/2017.

Căn cứ Quyết định số 39/2014/QĐ-UBND ngày 29/10/2014 của UBND thành phố Đà Nẵng, một số ngành đang tạm dừng cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như ngành tái chế: giấy, nhựa, kim loại, dầu nhớt cặn; ngành luyện cán cao su, đúc lốp xe bằng cao su; ngành gia công cơ khí; ngành chế biến gỗ; ngành giết mổ gia súc, gia cầm; ngành chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản,… Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND thành phố điều chỉnh Quyết định số 39/2014/QĐ-UBND, và Sở Tư pháp đang tổ chức thẩm định.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Ông Phan Hải Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tp.Đà Nẵng hiến kế, đề xuất rất nhiều ý kiến cụ thể với lãnh đạo thành phố.

Ông đề nghị các đề án, chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp nên rút ngắn thời gian triển khai, thủ tục, lộ trình, thẩm định hồ sơ để Doanh nghiệp tiếp nhận những chương trình hỗ trợ nhanh chóng, thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố quan tâm và triển khai quyết liệt công tác hậu kiểm, đảm bảo các chính sách đã triển khai diễn ra đúng tiến độ, quy trình, đạt được hiệu quả cao. Đồng thời tổ chức các chương trình café hằng tháng để lãnh đạo thành phố trực tiếp gặp gỡ Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Doanh nghiệp nhanh và hiệu quả nhất. Đồng thời tạo sự thân thiện, gần gũi của lãnh đạo thành phố đối với cộng đồng Doanh nghiệp.

Để phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, ông Hải cũng góp ý năm 2017, thành phố Đà Nẵng đăng cai tuần lễ cấp cao APEC, thành phố nên nghiên cứu, xem xét giao các Hội- Hiệp hội phối hợp tổ chức các hoạt động bên lề nhằm nâng cao vai trò cộng đồng Doanh nghiệp thành phố trong nước và trên trường quốc tế

Bên cạnh những chương trình đối thoại, hằng tháng lãnh đạo thành phố nên tổ chức cuộc họp giao ban riêng với đại diện lãnh đạo các Hội- Hiệp hội Doanh nghiệp để lắng nghe và giải đáp những đề xuất, kiến nghị từ các Hội- Hiệp hội.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ tiếp thu các ý kiến đóng góp, đồng ý đối thoại quý 1 lần với các hội, hiệp hội doanh nghiệp theo hình thức xoay vòng, điều này phát huy ý kiến đóng góp của các hiệp hội.

Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị cách làm việc của các đơn vị còn cứng nhắc, mong muốn được các đơn vị nhắc nhở đối với các sai phạm nhỏ để tạo môi trường đầu tư điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Về vốn qua đề xuất của hiệp hội doanh nghiệp, thành phố đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa  (DNNVV). Cộng đồng DNNVV thành phố rất vui mừng về quyết định này của lãnh đạo thành phố. Nhưng qua thời gian hoạt động, số doanh nghiệp tiếp cận được Quỹ bảo lãnh này rất hạn chế, còn vướng bởi điều 23 quy định của Quyết định 58/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay chưa được tháo gỡ (mặc dầu Nghị quyết 35/CP năm 2016 của Chính phủ đã yêu cầu tháo gỡ vướng mắc này). Việc này do cơ chế chính sách đã quy định, thành phố không thể linh động giải quyết được, doanh nghiệp còn phải chờ sự vào cuộc tháo gỡ từ phía Trung ương.

Ông Bình bày tỏ, mặt bằng đất đai kinh doanh sản xuất do thành phố quyết định, Hội mong muốn được tham gia đấu thầu khu đất đã quy hoạch 6 hecta ở Hòa Minh, Liên Chiểu để xây dựng hạ tầng khu kho tàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa  thuê.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh ghi nhận các ý kiến của Hội và cho biết, thành phố sẽ có văn bản gửi Trung ương xem xét tháo gỡ về bảo lãnh tín dụng của thành phố cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về vấn đề đất đai, thành phố đã có chủ trương thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, và sẽ triển khai sớm để tạo điều kiện mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đến dự hội nghị, ông Lê Văn Đường Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cẩm Lệ kiến nghị 5 nội dung:

- Đề nghị Thành phố, các sở, ngành có liên quan tích cực và đẩy nhanh việc hình thành Cụm Công nghiệp của quận nhằm hỗ trợ mặt bằng cho các doanh nghiệp đang bức xúc vì nằm trong KDC và có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất.

-  Hỗ trợ các Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tiếp cận được nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố và của quận để tạo việc làm cho nguồn lao động; đồng thời, có chiến lược hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp có sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng được thương hiệu, tầm vóc, xây dựng chiến lược kinh doanh tốt để trở thành những doanh nghiệp lớn, đủ năng lực cạnh tranh trong hội nhập.

- Tiếp tục phát huy Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố, Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Qũy phát triển Khoa học công nghệ thành phố để tăng cường hỗ trợ vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp hội viên;Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn quản lý doanh nghiệp.

- Tăng cường tư vấn, hỗ trợ thông tin doanh nghiệp trực tuyến, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường các dịch vụ trực tuyến, một cửa hiện đại; phát huy trang thông tin điện tử của các sở, ngành, của quận và phường nhằm thông tin chính sách, văn bản mới,.. đồng thời kết hợp quảng bá hình ảnh, sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp.

- Vấn đề nhà ở xã hội và dịch vụ văn hóa phục vụ cho công nhân tại các doanh nghiệp đang là trở ngại của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong KCN Hòa Cầm và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, bởi đây là điều kiện tiên quyết để người lao động có tay nghề cao gắn bó với doanh nghiệp lâu dài.         

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh tiếp nhận các ý kiến góp ý của Hội, và cho biết năm nay UBND thành phố sẽ triển khai Cụm công nghiệp Cẩm Lệ góp phần hỗ trợ mặt bằng cho các doanh nghiệp. Về hoạt động của Quỹ Đầu tư và Phát triển thành phố, UBND thành phố thống nhất lãi suất cho vay sẽ là 7% giúp các doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn.

Doanh nghiệp tham gia kiến nghị, đề xuất ý kiến tại Hội nghị

Ông Nguyễn Quang Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Foster kiến nghị về các vấn đề liên quan bảo hiểm xã hội và cách xử lý của Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng, Công ty có 6 ngàn lao động, thường xuyên giải quyết rất nhiều chế độ chính sách cho người lao động, vừa qua công ty đã nhiều lần gửi công văn đến (BHXH) để mong có câu trả lời, nhưng sau nhiều lần vẫn chưa có câu trả lời cụ thể rõ ràng để giải quyết cho người lao động.

Công ty đã gửi văn bản đến UBND thành phố, thành phố chuyển đến BHXH nhưng đến nay hơn 2 tháng chưa có công văn phản hồi từ bảo hiểm xã hội. Hiện nay đơn vị không thể giải quyết số trường hợp chế độ, chính sách của người lao động dẫn đến người lao động bức xúc. Chúng tôi muốn biết khi nào chúng tôi nhận được câu trả lời từ Bảo hiểm xã hội thành phố.

Đại diện Bảo hiểm xã hội trả lời, đơn vị đã có giấy mời Công ty đến BHXH thành phố để dự họp giải quyết các vướng mắc nhưng ngày 3/4/2017, BHXH nhận đc văn bản của công ty về không thể sắp xếp tham dự cuộc họp, về việc này BHXH sẽ tiếp tục phối hợp công ty trả lời các vướng mắc.

Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh đề nghị BHXH cần hợp tác hơn nữa với công ty và có hướng dẫn cụ thể để công ty giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật và đảm bảo quyền lợi người lao động.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đề nghị cần phải văn bản có trả lời dứt khoát cho đơn vị là được hay không để doanh nghiệp biết, thực hiện.

Ông Lê Minh Phúc, Tổng giám đốc Vinacapital kiến nghị hai nội dung về Cấp sổ hồng cho người nước ngoài: hiện tại đã có chính sách bán nhà cho người nước ngoài nhưng quá trình cấp sổ hồng đang bị vướng, đề nghị thành phố tháo gỡ các vướng mắc. Nội dung thứ 2: Phê duyệt quy hoạch tại các dự án ven biển Đà Nẵng, công ty nhận văn bản của UBND về tính toán lại diện tích đất công cộng. Mong thành phố tạo điều kiện phê duyệt quy hoạch sử dụng đất tỷ lệ 1:500 nhằm tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội kinh doanh 2017.

Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Bộ Quốc phòng vừa có văn bản gửi các thành phố, vấn đề này hiện vướng trên toàn quốc, tuần đến Sở Xây dựng tổng hợp các trường hợp các đơn vị bán nhà cho người nước ngoài để làm việc với Bộ quốc phòng và  Bộ công an để giải quyết. Đối với nội dung thứ 2, Sở Xây dựng đã trình UBND và đề xuất phê duyệt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh yêu cầu Sở Xây dựng nếu không trái quy định thì thống nhất chủ trương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Sở trình UBND thành phố sớm để phê duyệt quy hoạch.

Công ty TNHH TM & SX Huỳnh Đức kiến nghị về hạn mức vay đầu tư nhà xưởng; về hạn mức thế chấp vay đầu tư máy móc; về lãi suất cho vay ưu đãi đặc biệt. Đại diện công ty cho biết, theo quy định, công ty chúng tôi được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản, miễn 11 năm sau thời gian xây dựng cơ bản do Dự án này thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, trong thời gian đầu lập dự án, chúng tôi tìm thuê đất nhà nước quản lý trong KCN Hòa Khánh nhưng không có, nên phải thuê lại đất của công ty CP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng. Căn cứ giấy xác nhận ưu đãi của Sở Công thương, Công ty chúng tôi đã nộp hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất tại Cục thuế thành phố nhưng không được tiếp nhận vì việc miễn, giảm tiền thuê đất chỉ thực hiện đối với đối tượng được Nhà nước cho thuê đất.

Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh đề nghị Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các đơn vị xem xét để Công ty sớm hưởng chính sách ưu đãi của thành phố.

Về miễn, giảm tiền thuê đất, Cục thuế thành phố trả lời, vấn đề miễn giảm thuê đất trong thời gian XDCB, theo quy định nếu thuê đất của Nhà nước thì được miễn giảm tương ứng thời gian thực hiện xây dựng; Doanh nghiệp thuê đất trong KCN cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư thì không được vì các doanh nghiệp khi đầu tư KCN đã được nhà nước miễn giảm tiền thuê đất.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lanh, Phó Tổng giám đốc Công ty SGM chia sẻ, hiện chúng tôi nghe thông tin dời KCN An Đồn, vấn đề này làm ảnh hưởng đến tinh thần người lao động. Xin hỏi có di dời KCN An Đồn hay không, tiến trình di dời, bố trí đất đai cho doanh nghiệp như thế nào để công ty chủ động.

Sở Xây dựng cho biết, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Khu Công nghiệp An Đồn không nằm trong quy hoạch KCN. Thành phố giao các đơn vị xây dựng kế hoạch, hiện chưa mốc thời gian dự kiến.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, tinh thần của lãnh đạo thành phố không cho xây mới, thuê mới các nhà kho trong KCN An Đồn, việc di dời theo thương lượng, không cưỡng ép di dời. Thành phố đề nghị các doanh nghiệp ủng hộ, thành phố sẽ hỗ trợ tối đa việc di dời của doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh phát biểu tại Hội nghị

Kết thúc hội nghị, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh khẳng định thành phố luôn quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển. Bí thư Thành ủy yêu cầu các cơ quan của thành phố không được để tình cảm cá nhân chi phối đến các quyết định đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp làm đúng thì phải ủng hộ chứ không phải vì không thích mà không ủng hộ. Chính sách với các doanh nghiệp phải bình đẳng, không được để các doanh nghiệp ức chế vì bị đối xử bất công.

HỘI AN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác