Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 8/2017
Đăng ngày 02-08-2017 15:55, Lượt xem: 889

Tăng mức Bảo hiểm tiền gửi lên 75 triệu đồng; Công ty đại chúng phải công bố lương giám đốc công ty; Nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện; Phải trả phí khi khai thác dữ liệu tài nguyên, môi trường; Giá bán lẻ sữa cho trẻ dưới 6 tuổi phải được niêm yết công khai là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 8/2017.

Tăng mức Bảo hiểm tiền gửi lên 75 triệu đồng

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Quyết định 21/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Theo đó, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng.

Đối tượng áp dụng bao gồm: người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Như vậy, mức bảo hiểm tiền gửi áp dụng từ tháng 8 sẽ tăng 50% so với quy định hiện hành. Trước đó, theo quy định của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được áp tối đa là 30 triệu đồng, rồi được nâng lên tối đa 50 triệu đồng từ năm 2005 và được áp dụng cho đến nay.

Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2017.

Công ty đại chúng phải công bố lương giám đốc công ty

Có hiệu lực từ ngày 01/8/2017, Nghị định số 71/2017/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với Công ty đại chúng.

Theo Nghị định, tiền lương của Giám đốc (Tổng giám đốc) và người quản lý khác phải được thể hiện thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty; báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.

Công ty đại chúng có nghĩa vụ công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin định kỳ, bất thường về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính, tình hình quản trị công ty cho cổ đông và công chúng. Việc công bố thông tin được thực hiện bảo đảm cổ đông và công chúng có thể tiếp cận công bằng.

Bên cạnh đó, công ty đại chúng phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán và công bố thông tin về mô hình tổ chức quản lý và hoạt động công ty. Trong trường hợp công ty thay đổi mô hình hoạt động, công ty đại chúng phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán và công bố thông tin trong vòng 24 giờ, kể từ khi Đại hội đồng cổ đông có quyết định thay đổi mô hình.

Đặc biệt, công ty đại chúng phải có ít nhất một nhân viên công bố thông tin; nhân viên này có trách nhiệm: Công bố các thông tin của công ty với công chúng đầu tư; Công khai tên, số điện thoại làm việc để cổ đông liên hệ.

Nghị định số 71/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/08/2017, bãi bỏ Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26/07/2012.

Nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện

Có hiệu lực từ ngày 15/8, Quyết định số 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Quyết định nêu rõ nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân như sau:

Hằng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Khi các thông số đầu vào theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh giảm.

Khi các thông số đầu vào theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá bán điện bình quân.

Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phải trả phí khi khai thác dữ liệu tài nguyên, môi trường

Đây là nội dung chính quy định tại Nghị định số 73/2017/NĐ-CP ngày 14/06/2017 về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường.

Cụ thể, từ 01/8/2017, tổ chức, cá nhân khi khai thác thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trên trang thông tin hoặc cổng thông tin điện tử phải đăng ký và được cấp quyền từ cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu. Phải có trách nhiệm không làm lộ địa chỉ, mã khóa truy cập đã được cấp.

Khi khai thác, tổ chức và cá nhân phải trả kinh phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Ngoài ra, phải cam kết không được chuyển thông tin, dữ liệu cho bên thứ ba sử dụng trừ trường hợp được thỏa thuận trong hợp đồng với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu; Không được làm sai lệch thông tin, dữ liệu đã được cung cấp để sử dụng.

Giá bán lẻ sữa cho trẻ dưới 6 tuổi phải được niêm yết công khai

Có hiệu lực từ 10/8/2017, Thông tư số 08/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.

Theo đó, thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa, thực phẩm chức năng dành cho trẻ dưới 06 tuổi phải kê khai giá bán lẻ khuyến nghị đối với hệ thống các thương nhân phân phối sản phẩm của mình. Đặc biệt, mức giá bán lẻ phải được niêm yết công khai.

Trong trường hợp điều chỉnh giá trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai hoặc thông báo liền kề trước đó, thương nhân phải thông báo điều chỉnh giá; trường hợp lũy kế các lần thông báo điều chỉnh vượt mức 5%, thương nhân phải kê khai giá.

Thông tư số 08/2017/TT-BCT cũng nêu rõ, Bộ Công Thương công bố danh sách các thương nhân thực hiện đăng ký giá đối với các thương nhân.

Định kỳ vào ngày 1/7 hàng năm hoặc trường hợp đột xuất, Bộ Công Thương rà soát danh sách thương nhân thực hiện đăng ký giá và thông báo điều chỉnh danh sách này.

 KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác