Chính sách nổi bật về tài chính, doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 9/2017
Đăng ngày 06-09-2017 10:57, Lượt xem: 686

20 ngành chuyển từ sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần; Mức giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Hướng dẫn mới về mức lãi suất vốn vay của dự án PPP; Hồ sơ xóa nợ thuế với doanh nghiệp phá sản; Từ 1/9/2017, cho phép vay trái phiếu để bán; Chế độ tài chính của ngân hàng nước ngoài... là những chính sách nổi bật về tài chính, doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 9/2017.

20 ngành chuyển từ sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 về danh mục ngành, lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện chuyển thành công ty cổ phần trong giai đoạn 2017 – 2020.

Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau: tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi hoặc có khả năng tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên sau khi chuyển đổi; thuộc danh mục chuyển thành công ty cổ phần theo quy định; có phương án tiếp tục cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt.

Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không giữ cổ phần tại các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển thành công ty cổ phần trong 20 ngành, lĩnh vực đơn cử như:

- Dịch vụ tư vấn về thuế, kế toán, kiểm toán,...

- Dịch vụ việc làm, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Kiểm định xây dựng.

- Quản lý bất động sản, chợ, trung tâm thương mại.

- Phát triển hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/9/2017.

Mức giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên (CQKTTN) nước do Chính phủ ban hành.

Theo đó, giá tính tiền CQKTTN nước cho sản xuất thủy điện là 70% giá điện dùng để tính thuế tài nguyên nước dùng cho sản xuất thủy điện.

Ngoài ra, giá tính tiền CQKTTN nước đối với các trường hợp khác ngoài sản xuất thủy điện là giá tính thuế tài nguyên nước do UBND  tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có công trình ban hành.

Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định theo mục đích khai thác nước, có giá trị từ 0,1 - 2%.

Nghị định số 82/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2017 và bãi bỏ quy định tại Điều 40, Khoản 3 Điều 47 của Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ.

Hướng dẫn mới về mức lãi suất vốn vay của dự án PPP

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 75/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 55/2016/TT-BTC quy định về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và chi phí lựa chọn nhà đầu tư.

Theo đó, mức lãi suất vốn vay được tham khảo để đàm phán, thỏa thuận giữa CQNN và nhà đầu tư trong trường hợp được chỉ định phải đảm bảo:

- Không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện HĐ dự án PPP trong 10 phiên đấu thầu phát hành thành công trước thời điểm đàm phán HĐ dự án.

- Nếu số phiên đấu thầu phát hành thành công tương ứng với thời gian thực hiện của HĐ dự án trong vòng 06 tháng trước thời điểm đàm phán nhỏ hơn 10 phiên thì:

Mức lãi suất được tham khảo không vượt quá 1,5 lần mức bình quân của lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng trong thời hạn 06 tháng trước thời điểm đàm phán.

- Không vượt quá mức lãi suất trung bình cho vay trung hạn và dài hạn của 04 ngân hàng thương mại nhà nước tại thời điểm đàm phán.

Thông tư số 75/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/9/2017.

Hồ sơ xóa nợ thuế với doanh nghiệp phá sản

Có hiệu lực ngày 15/9/2017, Thông tư số 79/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung tiết b1 điểm b khoản 4 Điều 48 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.

Theo đó, doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, hồ sơ xóa nợ tiền thuế bao gồm: Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án; Tài liệu phân chia tài sản của chấp hành viên thể hiện số nợ thuế thu hồi được và không thu hồi được; Quyết định về việc đình chỉ thi hành quyết định tuyên bố phá sản của cơ quan thi hành án dân sự. Các tài liệu này phải là bản chính hoặc sao y bản chính. Theo quy định cũ, hồ sơ xóa nợ tiền thuế của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản chỉ bao gồm: Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản kèm theo phương án phân chia tài sản và Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án. Đồng thời, các tài liệu chỉ cần là bản sao có công chứng hoặc chứng thực. Các giấy tờ này có thể là bản chính hoặc bản sao y bản chính.

Từ 1/9/2017, cho phép vay trái phiếu để bán

Đây là một trong những nguyên tắc vay trái phiếu Chính phủ (TPCP) tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (SGDCKHN) nêu tại Thông tư số 10/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 234/2012/TT-BTC hướng dẫn quản lý giao dịch TPCP.

Theo đó, việc vay TPCP thực hiện theo thỏa thuận của các bên và thông qua hệ thống giao dịch tại SGDCKHN hoặc trên hệ thống cho vay chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, đảm bảo nguyên tắc sau:

- Chỉ thành viên giao dịch là thành viên đấu thầu TPCP được vay TPCP để bán theo quy chế của SGDCKHN;

- Thời hạn vay tối đa là 180 ngày và không được vượt quá thời hạn còn lại tới khi đáo hạn TPCP;

- Khoản vay phải được hoàn trả bằng TPCP đã vay, trong trường hợp không có đủ thì được trả bằng TPCP tương đương có thể chuyển giao;

- Các bên liên quan tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan đến tài sản vay và hoàn trả, tài sản đảm bảo, lãi suất vay và các điều khoản khác tuân thủ theo quy định pháp luật.

Chế độ tài chính của ngân hàng nước ngoài

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2017/NĐ-CP ngày 7/8/2017 quy định về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước.

Bên cạnh một số nội dung mới về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đối tượng, nguyên tắc quản lý tài chính…, Nghị định số 93/2017/NĐ-CP cũng nêu rõ doanh thu từ hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm 7 loại thu nhập, như: Thu lãi tiền gửi, thu lãi cho vay, thu lãi từ kinh doanh, đầu tư chứng khoán nợ, thu từ nghiệp vụ bảo lãnh, thu lãi cho thuê tài chính, thu lãi từ nghiệp vụ mua bán nợ, thu khác từ hoạt động tín dụng; thu nhập từ hoạt động dịch vụ; từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng, góp vốn, chuyển nhượng…

Cũng theo Nghị định số 93/2017/NĐ-CP, các khoản thu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được xác định phù hợp với các chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan, có hóa đơn hoặc chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào doanh thu.

Nghị định số 93/2017/NĐ-CP  có hiệu lực từ 25/9/2017.

 

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác