Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng
Đăng ngày 22-09-2017 09:09, Lượt xem: 981

Ngày 21-9, UBND thành phố tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện điều tra, kiểm kê rừng năm 2016 và Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 07/2012/QĐ-TTG ngày 8-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì.

Theo báo cáo, tổng diện tích kiểm kê rừng của thành phố năm 2016 là 66.409,4 ha. Trong đó, rừng phòng hộ chiếm 8.938,3 ha, tương ứng 13,5% diện tích kiểm kê rừng; rừng đặc dụng chiếm 31.081,3 ha, chiếm 46,8% diện tích kiểm kê rừng; rừng sản xuất chiếm 17.369,8 ha, chiếm 26,2% diện tích kiểm kê rừng; và 9.020 ha rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp, chiếm 13,5% diện tích kiểm kê rừng.

Điều tra, kiểm kê rừng năm 2016 cũng cho biết, Đà Nẵng có 43.722,1 ha rừng tự nhiên là rừng thứ sinh; 12.568,1 ha rừng trồng, bao gồm rừng trồng mới trên đất chưa có rừng, rừng trồng lại sau khai thác, rừng tái sinh chồi; 10.119,3 ha đất chưa có rừng, gồm một số loại như đất mới trồng chưa thành rừng, đất có cây gỗ tái sinh, núi đá, đất có cây nông nghiệp... Thống kê theo địa bàn hành chính, huyện Hòa Vang có 58.470,6 ha, chiếm 88,19% diện tích kiểm kê; quận Cẩm Lệ có 189,8 ha, chiếm 0,29% diện tích kiểm kê; quận Liên Chiểu có 3.957,7 ha, chiếm 5,95% diện tích kiểm kê; quận Ngũ Hành Sơn có 13,2 ha, chiếm 0,02% diện tích kiểm kê; quận Sơn Trà có 3.778,2 ha, chiếm 5,55% diện tích kiểm kê. Tổng trữ lượng rừng gỗ kiểm kê là 9.919.591 m3, trong đó, trữ lượng rừng tự nhiên chiếm 90% và trữ lượng rừng trồng chiếm 10%. Độ che phủ rừng theo kết quả kiểm kê rừng toàn thành phố năm 2016 đạt 43,6%, cao hơn mức trung bình của cả nước là 40,84%.

Công tác điều tra, kiểm kê rừng năm 2016 đã tạo được bộ dữ liệu đầy đủ nhất về rừng và chủ rừng trên toàn thành phố, tích hợp đồng bộ với cơ sở dữ liệu của cả nước, chi tiết đến từng lô rừng với các đặc điểm như: diện tích, trữ lượng, loại đất, loại rừng, chủ rừng, đơn vị hành chính và đơn vị quản lý rừng, tình trạng sở hữu, sử dụng rừng, tranh chấp đất đai...; thống nhất giữa bản đồ và số liệu, giữa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với ngành tài nguyên môi trường trên cơ sở kết hợp thông tin thu được từ ảnh vệ tinh độ phân giải cao với điều tra thực địa. Tạo được cơ sở dữ liệu trong hệ thống quản lý thông tin ngành lâm nghiệp (FORMIS), là tiền đề cho quy hoạch rừng, theo dõi diễn biến rừng, nghiệm thu và thanh toán chi trả dịch vụ môi trường rừng, tổ chức phòng cháy chữa cháy rừng, phòng trừ dịch bệnh cây rừng, thực hiện giao đất giao rừng, thuê rừng. Bên cạnh đó, đã phát hiện, giải quyết nhiều bất cập của dữ liệu về rừng đã tồn đọng trong lịch sử giao đất, giao rừng như ranh giới, chủ rừng, diện tích, trữ lượng..., qua đó tiếp tục giải quyết những vấn đề phức tạp của quản lý rừng và đất lâm nghiệp ở các địa phương như rà soát quy hoạch 3 loại rừng, giao đất, giao rừng, xử lý tranh chấp về rừng và đất rừng.

Đối với công tác thực hiện Quyết định số 07/2012/QĐ-TTG ngày 8-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012-2017, UBND thành phố đã ban hành quyết định phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho UBND quận, huyện và UBND xã, phường nhằm xác định trách nhiệm cụ thể của chính quyền địa phương. Đồng thời, UBND thành phố đã ban hành các quyết định giao rừng, đất lâm nghiệp và diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp nhà nước chưa giao, chưa cho thuê cho 17 UBND xã, phường nơi có rừng, Ban quản lý và 2 Hạt Kiểm lâm quản lý rừng đặc dụng để trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từng bước tiến đến lập thủ tục giao, cho thuê cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Qua thực hiện phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp và giao trách nhiệm quản lý diện tích rừng chưa có chủ, chính quyền địa phương cấp huyện, xã đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo theo thẩm quyền, chủ động triển khai thực hiện các biện pháp chống chặt phá, lấn chiếm rừng, bẫy bắt động vật rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trồng rừng phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như các địa phương gặp lúng túng trong việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động do hiện nay Chính phủ chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tổ chức, biên chế, tiền lương, bảo hiểm, trang bị phương tiện làm việc... cho người lao động là bảo vệ rừng chuyên trách của UBND cấp phường, xã. Các địa phương cũng gặp khó khăn trong việc xác định quyền và trách nhiệm của các bên tham gia đồng quản lý rừng và cơ chế chia sẽ lợi ích từ rừng. Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố cho UBND cấp xã tổ chức bảo vệ rừng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế tại cơ sở, trong đó có kinh phí để đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động tham gia lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, kinh phí trang bị đồng phục, phương tiện, công cụ hỗ trợ để thi hành công vụ.

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo UBND thành phố, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh đánh giá cao trách nhiệm của các sở, ngành, UBND các quận, huyện trong việc tổ chức điều tra, kiểm kê rừng và thực hiện Quyết định số 07 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, đã hoàn thành đúng thời gian điều tra, kiểm kê rừng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt; đây là cơ sở để các địa phương, chủ rừng, các sở, ngành thực hiện và tham mưu trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng thời gian đến.

Để sử dụng hiệu quả thành quả điều tra, kiểm kê rừng, Phó Chủ tịch đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo phân cấp của Thủ tướng Chính phủ và của UBND thành phố; chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho UBND các xã, phường tổ chức tiếp nhận thành quả kiểm kê rừng để tổ chức khai thác, sử dụng, phục vụ tốt cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương. Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên thực hiện cập nhật biến động về rừng và đất lâm nghiệp vào cơ sở dữ liệu và hồ sơ quản lý rừng các cấp hành chính và chủ rừng; thực hiện hiệu quả hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORMIS) theo Quyết định số 589/QĐ-BNN-TCLN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương có kế hoạch sử dụng thành quả kiểm kê rừng làm cơ sở cho việc phân tích, đánh giá xây đụng các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án của ngành và địa phương gắn với các chương trình, đề án, dự án của lâm nghiệp thành phố theo hướng phát triển hài hòa và bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh, qua 5 năm thực hiện Quyết định số 07 của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý bảo vệ rừng đã đạt được hiệu quả tích cực so với các giai đoạn về trước, diện tích mất rừng do cháy, chặt phá, lấn chiếm đã giảm; diện tích rừng kinh tế được trồng mới cũng tăng đáng kể, đóng góp tích cực vào GDP của thành phố, tạo thêm nhiều việc làm, phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo nông thôn vùng rừng. Nhằm tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về bảo vệ rừng, Phó Chủ tịch yêu cầu UBND các quận, huyện có rừng phối hợp với Sờ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và củng cố lực lượng bảo vệ rừng chuvên trách của xã, phường hoạt động ổn định, hiệu quả và chuyên nghiệp; đồng thời đề nghị, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố có kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng công an xã tham gia công tác bảo vệ rừng ở cơ sở; chỉ đạo, điều hành các lực lượng phối hợp có hiệu quả với lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của địa phương trong công tác bảo vệ rừng. Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh giao Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố cân đối kế hoạch ngân sách hàng năm đảm bảo cho công tác quản lý bảo vệ rừng; quy định cụ thể mức hỗ trợ, cấp phát, quản lý, chi tiêu, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cho ngân sách xã để thực hiện bảo vệ rừng tại cơ sở theo đúng quy định.

Phó Chủ tịch cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định quy hoạch ổn định sử dụng đất lâm nghiệp trên bản đồ và ngoài thực địa theo phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia; rà soát thủ tục pháp lý công nhận quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhằm tạo điều kiện cho các chủ rừng có đủ cơ sở pháp lý để phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác