Lê Đỉnh (1847 - 1920)
Lê Đỉnh, còn gọi là Lê Đình Đỉnh, sinh năm Đinh Mùi (1847) tại làng Đông Mỹ (sau đổi La Kham), huyện Diên Phước, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Ông là thân phụ của liệt sĩ Lê Đình Dương và bác sĩ Lê Đình Thám. Xuất thân trong một gia đình nho học thời trẻ học ở trường Đốc (Quảng Nam). Đỗ cử nhân lúc 23 tuổi (1870), làm quan ở nhiều nơi, trải qua các chức: Biện lý bộ Công, Phó chủ khảo trường thi Nghệ An (1882), Binh bộ Thượng thu sung Đông các Đại học sĩ, Tổng đốc Hà Yên (Hà Nội – Hưng Yên), Hữu đô ngự sử sung Cơ mật viện đại thần…

Ông từng được vua Tự Đức cử làm Chánh sứ sanh Hương Cảng (1881) và sau đó đi sứ ở nhiều nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Miến Điện. Từ những điều tai nghe mắt thấy ở xứ người, ông ý thức sâu sắc việc canh tân đất nước ở nhiều lĩnh vực, làm cho dân giàu nước mạnh để đủ sức đối phó với hiểm họa ngoại xâm của các nước tư bản phương Tây. Trong biểu tấu trình lên Tự Đức có đoạn “Các nước Thái Tây mà phú cường là cốt ở việc binh và việc buôn bán. Lấy buôn bán mà nuôi dân. Gần đây, Nhật Bản theo các nước Thái Tây cho người đi buôn bán khắp mọi nơi. Nước Tàu cũng bắt chước cho người nước ngoài ra vào buôn bán. Nước ta người dân khôn ngoan, lại lắm sản vật. Nếu theo cách làm của người ta, thì cũng có thể giữ vững được độc lập và chủ quyền quốc gia…”.

Nhưng những lời tấu trình đề nghị cải cách của Lê Đỉnh cũng cùng chung số phận như những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ trước đó. Tuy nhà vua và triều đình có bàn bạc, xem xét các lời tấu, đề nghị đó nhưng bị tư tưởng bảo thủ, mù quáng cản trở, nên cuối cùng đều không đi đến đâu cả.

Năm 1882, sau chuyến đi sứ Tân Gia Ba (Singapore) về, ông lại dâng biểu tấu trình đề nghị cải cách, học người ngoài một cách nhiệt thành, trung thực, nhưng rồi ý kiến của ông cũng bị rơi vào quên lãng. Đau buồn trước một thực trạng quần thần thủ cựu trước tương lai đen tối của đất nước, ông mượn lời của Lão tử để tự an ủi mình: “Tri túc bất phục, tri chỉ bất đãi” (nghĩa: Biết đủ không ham muốn nhiều thì không bị nhục, biết ngưng không dấn thân nữa thì không bị nguy). Năm 1884, ông lấy cớ phải phụng dưỡng cha mẹ già yếu, dâng biểu từ quan, về quê mở trường dạy học, đào tạo được nhiều học sinh ưu tú. Ông mất năm 1920.

Cổng TTĐT thành phố
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT