Tình hình tai nạn lao động và một số giải pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế TNLĐ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Đăng ngày 19-05-2017 16:23, Lượt xem: 8469

Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động là một trong những vấn đề có thể nói vừa rộng, vừa phức tạp, có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến từng cá nhân, từng gia đình và từng doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong những năm qua thành phố Đà Nẵng không ngừng tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Tuy vậy, thực trạng về công tác ATVSLĐ trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều tồn tại. Điều kiện làm việc ở nhiều nơi chưa được cải thiện, tình hình tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn còn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp và nguy cơ gây ra tai nạn lao động vẫn còn tiềm ẩn.

Thực trạng chung  

Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2016 trên toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.251 người bị nạn, 10 địa phương xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Quảng Nam, Thái Bình, Quảng Trị. Cũng theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, lĩnh vực xây dựng xảy ra nhiều vụ tai nạn nhất, chiếm 23,8% tổng số vụ tai nạn và 24,5% tổng số người chết.

Trong năm 2016 thành phố Đà Nẵng xảy ra 93 vụ tai nạn với 113 số người bị nạn, tăng 5 vụ và 25 người bị nạn so với năm 2015. Quý I/2017, theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, toàn thành phố xảy ra 08 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 9 người và bị thương nặng 2 người. 

Giai đọan 2010 – 2016, thành phố Đà Nẵng đã xảy ra 566 vụ tai nạn làm 613 người bị nạn.

Năm

Số vụ TNLĐ

Số người

bị nạn

Số người chết

Số người bị thương nặng

Số người bị thương nhẹ

2010

67

69

10

13

46

2011

68

88

15

37

36

2012

48

48

14

4

30

2013

109

114

14

4

30

2014

93

93

9

15

69

2015

88

88

6

11

71

2016

93

113

10

10

93

Tổng số

566

613

78

94

375

Nguyên nhân chủ yếu xảy ra TNLĐ chết người theo đánh giá chung về phía người sử dụng lao động do thiết bị không đảm bảo an toàn; không huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; không có quy trình, biện pháp ATLĐ; không có thiết bị an toàn; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Về phía người lao động là do vi phạm quy trình, biện pháp ATLĐ; không sử dụng các trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân.

Những ngành nghề, lĩnh vực xảy ra xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn là lĩnh vực lao động giản đơn trong xây dựng, gia công kim loại cơ khí, lắp ráp vận hành máy và thiết bị sản xuất, các lĩnh vực liên quan đến điện giật, va đập, ngã cao do vật rơi và đổ, sập. Về yếu tố gây ra TNLĐ chủ yếu là sử dụng điện, ngã cao trong xây dựng, do đỗ, sập.

Những thuận lợi, khó khăn và tồn tại

Công tác ATVSLĐ của thành phố trong thời gian qua đã được tổ chức thực hiện tương đối tốt, đã tạo được sự nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động của các doanh nghiệp; thúc đẩy các hoạt động bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe người lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Ngoài những văn bản quy định hiện hành của Trung ương về công tác ATVSLĐ đối với máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, thành phố đã ban hành các Quy định về quản lý và sử dụng các máy móc, thiết bị như: cần trục tháp, máy vận thăng, thang máy điện, thang cuốn, băng tải chở người tại các công trình xây dựng trên địa bàn. Qua đó, tăng cường việc giám sát, kiểm tra các hồ sơ liên quan của thiết bị và nhắc nhở các đơn vị thực hiện đầy đủ các quy trình lắp đặt, vận hành và tháo dỡ nhằm đảm bảo an toàn trong thi công các công trình.

Các ngành, các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch, tìm các biện pháp, giải pháp để tổ chức thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, công tác ATVSLĐ trên địa bàn thành phố vẫn còn một số khó khăn, tồn tại và những nguyên nhân tồn tại đó có thể xem xét trên nhiều khía cạnh cả về sự khiếm khuyết trong công tác quản lý nhà nước lẫn việc thực hiện không nghiêm túc quy định về ATVSLĐ của các doanh nghiệp và của người lao động.

 Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, có thể nói hệ thống các quy định về ATVSLĐ được quy định trong các văn bản pháp luật của Nhà nước hiện nay là khá đầy đủ, nhưng việc thi hành vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, đó là sự nhận thức tầm quan trọng của vấn đề ATVSLĐ chưa được các cấp chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, còn buông lỏng quản lý những quy định này ở các địa phương cũng là nguyên nhân; việc tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của các cơ quan chức năng từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động… chưa thường xuyên; số lượng cán bộ làm công tác ATVSLĐ, Thanh tra lao động còn quá ít, nên chưa đáp ứng với sự gia tăng số lượng doanh nghiệp và lao động trên địa bàn dẫn đến tần suất thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp còn rất thấp nên không chấn chỉnh kịp thời đối với tất cả các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động; công tác chỉ đạo, hướng dẫn thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về pháp luật ATVSLĐ còn nhiều hạn chế; việc xử lý các vi phạm chưa được thực hiện nghiêm và kịp thời, do vậy làm giảm hiệu lực thực thi pháp luật.

Về phía các doanh nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều kiện sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp cho nên kinh phí triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ quá ít dẫn đến chất lượng hiệu quả chưa cao... Ở nhiều cơ sở, doanh nghiệp, nhà xưởng máy móc thiết bị xuống cấp, lạc hậu, điều kiện lao động không đảm bảo yêu cầu về ATVSLĐ, trong khi đó sức ép về vốn đầu tư, thay thế thiết bị, công nghệ, giá thành sản phẩm... đã tạo ra nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về ATVSLĐ.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa hiểu được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo ATVSLĐ, chủ yếu là do vi phạm các quy định pháp luật, các tiêu chuẩn, quy phạm về ATVSLĐ như: không đảm bảo điều kiện làm việc, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chưa huấn luyện ATVSLĐ hoặc có huấn luyện nhưng không đầy đủ, không thực hiện các giải pháp về ATVSLĐ đối với những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... Do chạy theo lợi nhuận, một phần do khả năng kinh tế còn hạn chế nên ở một số doanh nghiệp vẫn còn tồn tại những thiết bị quá cũ, mặt bằng sản xuất hẹp… mang nhiều yếu tố nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ và gây bệnh nghề nghiệp cho người lao động mà chủ sử dụng lao động ít quan tâm đúng mức.

Về phía người lao động, do những khó khăn về kinh tế nên họ sẵn sàng làm việc trong bất cứ điều kiện, môi trường làm việc nào miễn là có thu nhập, họ sẵn sàng chấp nhận trả giá; nhận thức của người lao động về sự nguy hiểm và những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của môi trường làm việc còn nhiều hạn chế, mặt khác sự thiếu thông tin cũng là một nguyên nhân, mà việc thiếu thông tin này có thể do các doanh nghiệp không thông báo chính xác về điều kiện, yêu cầu làm việc cũng như các cơ quan chức năng không thông báo kịp thời; do chủ quan, do chạy theo năng suất và do nhận thức, ý thức kém về ATVSLĐ nên đã vi phạm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm về ATVSLĐ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích các phương tiện bảo vệ cá nhân trong những điều kiện làm việc cần phải bảo hộ.

Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiềm chế, giảm TNLĐ

Trên cơ sở tình hình tai nạn lao động và nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động trong những năm qua, để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, chủ động ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất số vụ tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn thành phố đặc biệt là tai nạn lao động nghiêm trọng, trong thời gian đến các Sở, ban, ngành, các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức người sử dụng lao động và người lao động cần tập trung một số nội dung, giải pháp chủ yếu:

Đối với các Sở, ban, ngành, các địa phương

Triển khai thực hiện tốt Tháng hành động về ATVSLĐ hằng năm, qua đó thường xuyên duy trì công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức: in tờ rơi, pano, áp phích, phát thanh, truyền hình ... tạo nhận thức cho người sử dụng lao động, người lao động và toàn xã hội trong việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách liên quan đến ATVSLĐ và các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn trong làm việc, cải thiện điều kiện lao động.

Văn nghệ chào mừng do Đoàn Thanh niên Sở LĐ-TB&XH và doanh nghiệp biểu diễn

Tổ chức huấn luyện, hỗ trợ huấn luyện cho doanh nghiệp, cho người lao động, đặc biệt là lao động không có hợp đồng lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; hướng dẫn cho doanh nghiệp xây dựng hệ thống ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Triển khai công tác ATVSLĐ theo Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn; tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ.

Đại biểu và công nhân các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố tham dự lễ phát động

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ khí chế tạo, hóa chất, sử dụng điện, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, công trình xây dựng có sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu và phân bổ thêm chỉ tiêu về số lượng cán bộ làm công tác thanh tra lao động tại các tỉnh, thành phố.

Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp về thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ, công tác tự kiểm tra nhằm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn và sức khoẻ cho người lao động.

 Phó chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng tặng Bằng khen của UBND thành phố cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ năm 2016
 

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, người sử dụng lao động

Rà soát lại công tác ATVSLĐ và thực hiện nghiêm chỉnh qui định của nhà nước về ATVSLĐ, đặc biệt là Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn; tổ chức thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn qui phạm kỹ thuật về ATVSLĐ liên quan đến máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Thực hiện đầy đủ các hồ sơ liên quan đến các thủ tục đề nghị chấp thuận việc lắp đặt và vận hành an toàn đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (cần trục tháp, máy vận thăng, thang máy điện, thang cuốn, băng tải chở người) sử dụng tại các công trình xây dựng theo quy định của Trung ương và của UBND thành phố Đà Nẵng.

Tăng cường công tác tự kiểm tra về ATVSLĐ tại doanh nghiệp và có biện pháp kịp thời để chấn chỉnh những thiếu sót. Trên cơ sở đó thúc đẩy các hoạt động để đảm bảo điều kiện lao động an toàn, bảo vệ sức khoẻ người lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Tổ chức huấn luyện các nội dung liên quan đến những qui định của pháp luật trong công tác ATVSLĐ cho người lao động theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ).

Phát động phong trào thi đua cam kết bảo đảm ATVSLĐ tại doanh nghiệp và tổ chức cho các phân xưởng, tổ, đội sản xuất đăng ký đơn vị ATVSLĐ, không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố sản xuất và khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác ATVSLĐ.

Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về công tác ATVSLĐ theo quy định hiện hành.

Hy vọng rằng việc thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần ngăn ngừa và hạn chế tình hình tai nạn lao động trên địa bàn thành phố trong thời gian đến, đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an sinh xã hội của thành phố.

 

VÕ VĂN TIẾN - HỘI AN

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác