Đảm bảo thực hiện đúng các quy định về lao động, việc làm và an toàn lao động
Đăng ngày 19-05-2017 22:38, Lượt xem: 1759

Nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, giải đáp các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trên lĩnh vực lao động, việc làm, ngày 18-5, Cổng Thông tin điện tử thành phố tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến chủ đề  “Lao động, việc làm và an toàn vệ sinh lao động”, với sự tham gia của ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội thành phố; bà Trần Thị Hồng Vân, Chánh Thanh tra Sở; cùng đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội.

Người lao động cần nắm rõ quyền lợi khi tham gia lao động

Trong số các câu hỏi do đọc giả gửi về chương trình đối thoại, có rất nhiều thắc mắc liên quan đến quyền lợi khi tham gia lao động mà người lao động không nắm rõ, dẫn đến bị thiệt thòi trong một số trường hợp. Cụ thể như trường hợp của bạn Nguyễn Thu Hải, là nhân viên của một Công ty vệ sinh công nghiệp, mức lương bạn đang nhận hiện nay là 3.100.000 đồng/tháng như trong hợp đồng lao động. Theo bà Trần Thị Hồng Vân, trong trường hợp này, người sử dụng lao động đã làm trái với quy định của pháp luật tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định 153/2016/NĐ-CP về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động năm 2017 là 3.320.000 đồng/tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II. Người sử dụng lao động khi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định sẽ bị xử phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm; ngoài ra, sẽ bị xử phạt kèm thêm hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 1 tháng đến 3 tháng.

Cho rằng hiện nay có nhiều doanh nghiệp kéo dài thời gian thử việc, ông Nguyễn Văn An đặt câu hỏi về việc sau khi kết thúc thời gian thử việc, nếu người lao động chưa đạt yêu cầu thì công ty có được kéo dài thời gian thử việc hoặc thử việc thêm lần nữa hay không. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn An cho biết, Điều 27 Bộ luật Lao động 2012 quy định “Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 1 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây: không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác”. Như vậy, người sử dụng lao động chỉ được thử việc người lao động một lần và không được kéo dài thời gian thử việc, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vi phạm pháp luật về lao động.

Trả lời bạn đọc Lê Thị Ngọc hỏi về thời gian người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản có được tính là thời gian công tác để chi trả trợ cấp thôi việc hay không, cán bộ phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội cho biết, Bộ luật Lao động quy định thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trong đó, thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội”. Vì vậy, thời gian người lao động nghỉ hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH) thai sản được xem là thời gian để tính thời gian công tác để chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định.

Đại diện lãnh đạo các phòng thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham gia trả lời câu hỏi được gửi đến chương trình đối thoại

Liên quan đến vấn đề tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN), bạn đọc Trần Nguyên Khôi hỏi, theo quy định hiện hành, người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị TNLĐ hoặc BNN, vậy trong trường hợp người lao động từ khi bị tai nạn lao động đến khi điều trị ổn định, căn cứ theo giấy ra viện, và trở lại đơn vị làm việc, 1 tuần sau vết thương tái phát và bệnh viện lại yêu cầu phải nằm viện 1 tuần thì người sử dụng lao động có phải trả chi phí cho tuần điều trị đó tại bệnh viện hay không. Theo quy định tại khoản 2 điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị TNLĐ hoặc BNN như sau: thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế; trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa; thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế. Do vậy, việc người bị TNLĐ bị tái phát vết thương trong thời gian ngắn là do điều trị chưa khỏi hẳn, chưa ổn định, cần phải tiếp tục điều trị, người sử dụng lao động phải tiếp tục thanh toán các khoản chi phí y tế để điều trị ổn định vết thương cho người bị tai nạn lao động.

Người sử dụng lao động phải đảm bảo quy định về lao động, an toàn lao động

Giải thích về một trong những điểm mới liên quan đến đóng BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ông Nguyễn Văn An cho biết, theo khoản 1 điều 86 Luật BHXH hiện hành, hiện nay doanh nghiệp phải đóng 18% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động cho cơ quan bảo hiểm xã hội (trong đó 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất). Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 3 Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ Quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN thì mức đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN của doanh nghiệp cho người lao động sẽ là 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Do vậy, từ ngày 1-6-2017 (ngày hiệu lực thi hành của NĐ số 44/2017/NĐ-CP), người sử dụng lao động, doanh nghiệp chỉ còn đóng 17,5% so với 18% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH, từ ngày 1-1-2018, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định. Trong đó, phụ cấp lương là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự. Các khoản bổ sung khác bao gồm các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Trả lời Công ty TNHH MTV Đầu tư Route Inn VN về vấn đề tiền lương làm thêm giờ vào các ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động, cán bộ phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội cho biết, theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 97 của Bộ luật Lao động 2012 và điểm c Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động hưởng lương theo ngày. Đối với trường hợp người lao động hưởng lương theo tháng đã bao gồm tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 thì tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được tính ít nhất bằng 300% tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường. Đối với trường hợp người lao động hưởng lương theo ngày thì người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được trả lương ít nhất bằng 400% đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm, trong đó 100% tiền lương của ngày làm việc và 300% tiền lương làm thêm giờ.

Đại diện lãnh đạo các phòng thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham gia trả lời câu hỏi được gửi đến chương trình đối thoại

Theo bà Trần Thị Hồng Vân, người sử dụng lao động, doanh nghiệp cần thường xuyên tổ chức công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động định kỳ cho người lao động, bởi việc này hết sức cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động cũng như cung cấp cho người lao động các kỹ năng cần thiết để đảm bảo vệ sinh an toàn lao động trong quá trình làm việc. Mặt khác, căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP thì đối với vi phạm về quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cụ thể không tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động thì bị xử lý vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn An cho rằng, người sử dụng lao động cần chấp hành, thực hiện đúng, đủ các quy định về lao động, an toàn lao động nhằm đảm bảo nghĩa vụ, quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động. Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn để doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định pháp luật, đồng thời, tổ chức đối thoại trong doanh nghiệp để người lao động và người sử dụng lao động hiểu biết về những quy định của Bộ luật lao động. Trong trường hợp doanh nghiệp đã hiểu biết cụ thể về quy định nhưng vẫn cố tình vi phạm thì cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để xử lý hành chính theo quy định.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.