Tuổi trẻ Cẩm Lệ với chương trình “Thành phố 4 an”
Đăng ngày 26-05-2017 10:22, Lượt xem: 2675

Thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, từ đầu năm 2017 đến nay tuổi trẻ quận Cẩm Lệ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cách làm hay, thiết thực. Có thể nói, bước đầu các hoạt động này đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng thành phố 4 an trên địa bàn quận Cẩm Lệ.

Thay đổi ý thức tham gia giao thông

Tai nạn giao thông không chỉ là nỗi lo của người dân khi tham gia giao thông mà còn của cả chính quyền địa phương, bởi vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Cẩm Lệ, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, kéo theo sự gia tăng về dân số, phương tiện giao thông và điều này cũng đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Đặc biệt hoạt động của các xe tải ben chở đất, đá cả ngày lẫn đêm đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nhất là tại các nút giao thông lớn như Cách mạng Tháng tám - Nguyễn Hữu Thọ, Cách mạng Tháng tám  - Ông Ích Đường.

ĐVTN tham gia điều tiết giao thông tại Ngã tư Cẩm Lệ.

Chị Nguyễn Thị Vinh, Phó bí thư Quận Đoàn cho biết, triển khai thực hiện chương trình xây dựng “Thành phố 4 an”, Quận Đoàn xác định vấn đề an toàn giao thông là một trong những nội dung quan trọng, do đó đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền đồng thời triển khai ký cam kết thực hiện đối với các đơn vị Đoàn trực thuộc. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ nói chung và các tầng lớp nhân dân nói riêng về ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Kế hoạch, triển khai phân công bố trí lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia hướng dẫn giao thông tại các nút giao thông trọng điểm trên địa bàn quận đã được Quận Đoàn triển khai đến tất cả các cơ sở đoàn.

Hằng ngày, buổi sáng từ 6h30 đến 7h30, buổi chiều 16h30 đến 17h30, các bạn trẻ trong màu áo xanh tỏa xuống các ngã tư tham gia hướng dẫn giao thông. Mặc cho những nắng mưa, bụi bặm mịt mù, những chiếc áo xanh tình nguyện ra tín hiệu dừng đèn đỏ tại các ngã tư bên cạnh những khẩu hiệu tuyên truyền “tôi là người có văn hóa giao thông, còn bạn thì sao” hoặc “lái xe bất cẩn, ân hận cả đời” thực sự là hình ảnh đẹp của các bạn trẻ về một tinh thần tình nguyện, dựng xây thành phố hôm nay.

Không thể khẳng định chắc chắn, nhưng hình ảnh đó đủ khả năng làm thay đổi ý thức tham gia giao thông, đặc biệt đối với những ai vẫn còn thói quen vượt đèn đỏ.

Mô hình hỗ trợ an sinh xã hội

Từ chương trình thay đổi ý thức tham gia giao thông, các cơ sở đoàn đã tích cực triển khai nhiều hoạt động về an sinh xã hội. Tiêu biểu như Đoàn phường Hòa An với mô hình “Tổ hỗ trợ nhân công sữa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách” đầy tính nhân văn và thiết thực.

Mô hình “Tổ hỗ trợ sữa chữa nhà ở cho hộ nghèo” phường Hòa An

Phó chủ tịch UBND phường Hòa An Nguyễn Văn Sử cho biết, trong năm 2017, tổng số hộ nghèo và gia đình chính sách cần hỗ trợ sữa chữa, xây mới nhà trên địa bàn phường là 28 hộ với kinh phí trên 530 triệu đồng. Đặc biệt, phần lớn những hộ này đều thiếu lực lượng lao động để tháo dỡ công trình cũng như hỗ trợ phục vụ trong quá trình xây dựng mỗi khi được hỗ trợ sữa chữa, xây mới. Hơn nữa, kinh phí thuê nhân công không hề nhỏ, trong khi kinh phí phê duyệt cho mỗi công trình trong mức độ giới hạn.

Từ thực tế này, Đoàn phường đã tham mưu thành lập một Tổ hỗ trợ nhân công lấy lực lượng Đoàn viên thanh niên và Dân quân thường trực làm nòng cốt. Công việc của Tổ hỗ trợ là giúp các gia đình nghèo tháo dỡ công trình, bổ sung nhân lực trong quá trình thi công nhà ở, thậm chí “kiêm nhiệm” cả việc vận động kinh phí để hoàn thiện các khâu còn lại của ngôi nhà nếu gia đình nghèo không còn khả năng thực hiện như sơn vôi, lắp điện chiếu sáng, nước sinh hoạt...

Từ khi thành lập đến nay, Tổ hỗ trợ nhân công sữa chữa nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách đã trợ giúp đắc lực cho 2 hộ nghèo, 13 gia đình chính sách với số tiền vận động và ngày công hỗ trợ ước tính cả trăm triệu đồng. Đây không chỉ là mô hình mang tính xung kích, sáng tạo, mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong tư tưởng của thế hệ trẻ địa phương.

Ngoài mô hình thiết thực của Đoàn phường Hòa An, còn rất nhiều hoạt động, mô hình thiết thực khác phải kể đến như đêm văn nghệ với chủ đề “Chắp cánh ước mơ xanh”, quyên góp kinh phí để hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo của Đoàn phường Hòa Thọ Đông, mô hình “Vì cổng trường bình yên” của Đoàn phường Hòa Thọ Tây… đã được đồng loạt triển khai.

Hàng loạt chương trình, mô hình được triển khai sâu rộng từ những ngã tư đến từng khu dân cư đã cho thấy hoạt động Đoàn ở Cẩm Lệ hôm nay không hề đơn điệu, đã đi vào thực chất và gắn liền với các chương trình hành động của quận, của chính quyền thành phố.

Có thể nói các hoạt động thiết thực của các bạn trẻ Cẩm Lệ như vừa kể ở trên và của rất nhiều bạn trẻ ở các đơn vị khác của thành phố mà chúng tôi chưa có dịp kể đến chính là biểu hiện sinh động nhất để tiếp bước các thế hệ đi trước về một tinh thần tình nguyện, dấn thân dựng xây thành phố. Tin rằng, tinh thần này sẽ góp phần cùng chính quyền thành phố thực hiện tốt chương trình "Thành phố 4 an" để Đà Nẵng trở thành một thành phố giàu đẹp, văn minh và mãi là điểm đến thân thiện, an toàn trong lòng du khách.

TRƯỜNG ĐỨC

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác