Công tác người có công phải là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của cả hệ thống chính trị
Đăng ngày 26-07-2017 16:12, Lượt xem: 1054

Sáng 26-7, thành phố Đà Nẵng long trọng tổ chức Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi Người có công và chương trình hỗ trợ sửa chữa nhà ở Người có công với cách mạng năm 2017 trên địa bàn thành phố. Tham dự buổi lễ có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ; Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố Đặng Thị Kim Liên và Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trình bày diễn văn tại buổi lễ

Hỗ trợ hơn 141 tỷ đồng xây mới, sửa chữa nhà ở cho 4.936 hộ chính sách

Báo cáo của Sở Lao động, Thương bình và Xã hội thành phố tại buổi lễ cho biết, qua hơn 20 năm triển khai thực hiện, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, đối tượng chính sách phấn khởi, động viên được mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh cộng đồng góp phần nâng cao đời sống của người có công với cách mạng. Toàn thành phố đã xác nhận và giải quyết chính sách cho hơn 73.000 lượt người có công với cách mạng, trong đó có 2.220 liệt sĩ, 1.427 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 249 Cán bộ “Lão thành cách mạng”, 547 Cán bộ “Tiền khởi nghĩa”, 1770 Mẹ Việt Nam anh hùng được phong, truy tặng; 3.192 người tham gia kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, 6.091 người tham gia hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt tù đày... nâng tổng số người có công với cách mạng được xác nhận từ năm 1976 đến nay của Đà Nẵng lên hơn 109.000 lượt đối tượng, và hơn 22.000 lượt trong số đó đang hưởng trợ cấp thường xuyên với kinh phí chi trả hàng năm trên 330 tỷ đồng.

Song song với việc triển khai thực hiện Pháp lệnh, công tác giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố đặc biệt quan tâm và đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác xác nhận chính sách tồn đọng sau chiến tranh. Trong hơn 20 năm qua, toàn thành phố có trên 15.400 lượt học sinh, sinh viên là con thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục-đào tạo với kinh phí thực hiện đến nay đạt hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố cũng mua hơn 20.000 thẻ BHYT hằng năm để cấp đến từng đối tượng chính sách với kinh phí thực hiện trong 20 năm qua trên 87 tỷ đồng. Cùng với đó, thành phố cũng chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp nghĩa trang, mộ liệt sĩ, xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ với Đề án nâng cấp Nghĩa trang, mộ liệt sĩ giai đoạn 2016 - 2018 với tổng kinh phí trên 52 tỷ đồng đã được thành phố phê duyệt vào cuối năm 2015.

Ngoài việc thực hiện tốt các chính sách, chế độ theo quy định, công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở để nâng cao đời sống gia đình chính sách cũng được xem như là bước đột phá của Đà Nẵng. Kết quả đến nay đã có 25.688 lượt hộ chính sách được hỗ trợ cải thiện nhà ở với tổng kinh phí thực hiện trên 520 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, thành phố đã hỗ trợ cho 4.936 hộ chính sách xây mới và sửa chữa nhà ở, kinh phí thực hiện trên 141 tỷ đồng. Ngoài ra thành phố còn tặng cho mỗi hộ 1 chiếc ti vi khi về căn nhà mới.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa chăm sóc người có công

Các tập thể được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện kế hoạch hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố năm 2017

Trong diễn văn trình bày tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nêu rõ “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố luôn đặc biệt quan tâm công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”.

Cả hệ thống chính trị và xã hội của thành phố đã quan tâm thực hiện nhiều chính sách, hỗ trợ, chia sẻ để bù đắp phần nào những hy sinh, mất mát và giảm bớt những khó khăn cho các gia đình người có công với cách mạng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, người có công cách mạng còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Ông nhấn mạnh “Chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình chính sách còn khó khăn, việc chăm sóc sức khỏe khi đau ốm, việc chữa trị những vết thương do chiến tranh để lại, việc chăm lo học hành và giải quyết việc làm chưa được chu đáo...”

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã đề nghị, trong thời gian đến, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp phải xác định công tác người có công với cách mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của cả hệ thống chính trị; đảm bảo mọi chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, và thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch.. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa chăm sóc người có công với cách mạng. Xây dựng chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ thường xuyên cho những hộ chính sách không còn sức lao động, già yêu, neo đơn… để cùng với chính sách, chế độ của Nhà nước đảm bảo các gia đình chính sách có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Đồng thời, phấn đấu đến cuối năm 2019 cơ bản hoàn thành công tác sửa chữa nhà ở cho hộ người có công với cách mạng có nhà ở xuống cấp.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng trao tặng ti-vi cho các hộ gia đình chính sách được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở năm 2017

Tại buổi lễ, 35 tập thể và 27 cá nhân đã được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện kế hoạch hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố năm 2017. Cùng với đó, thành phố cũng tổ chức trao tặng thêm phần quà là một chiếc ti-vi  màn hình phẳng 28 inch cho mỗi hộ gia đình được thụ hưởng Chương trình sửa chữa, xây mới nhà ở năm 2017 nêu trên của thành phố.

QUỲNH ĐAN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác