Vai trò của giáo dục trong tiếp biến văn hóa toàn cầu và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Đăng ngày 17-09-2017 16:50, Lượt xem: 1878

Sáng 16-9, phiên chính thức Hội nghị Hội đồng Giáo giới các nước ASEAN và Hàn Quốc (ACT+1) lần thứ 33, chủ đề “Vai trò của giáo dục trong tiếp biến văn hóa toàn cầu và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, chính thức khai mạc tại Đà Nẵng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên tham dự Hội nghị.

Khai mạc phiên chính thức Hội Nghị ACT+1 lần thứ 33

Hội nghị ACT+1 lần thứ 33 có sự tham gia của hơn 400 đại biểu là cán bộ, nhà giáo của các tổ chức Công đoàn Giáo dục, Hiệp hội Giáo viên các nước ASEAN và Hàn Quốc. Hội nghị đặt mục tiêu hướng tới việc xây dựng ASEAN thành trung tâm giáo dục chất lượng cao thông qua việc tăng cường hiểu biết về lịch sử văn hóa của từng quốc gia; nâng cao chất lượng và cơ hội học tập cơ bản cho mọi người; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giáo dục; phát triển giáo dục kỹ thuật, dạy nghề và học tập suốt đời; giáo dục vì sự phát triển bền vững; tăng cường năng lực cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên tham dự Hội nghị

Phải làm gì, làm như thế nào để có thể giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong xu thế hội nhập tất yếu. Giáo dục có vai trò như thế nào trong việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống trong quá trình giao lưu, tiếp biến toàn cầu hóa?

Bằng kinh nghiệm của mỗi nước, các đại biểu tham dự Hội nghị lần này sẽ chia sẻ những cách làm giáo dục giá trị hiệu quả trên phương diện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đặt ra những câu hỏi và cùng nhau tìm lời giải đáp cho những vấn đề còn bỏ ngỏ.

Mỗi quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc đều sở hữu những nền văn hóa truyền thống mang nhiều giá trị. Sự độc đáo của mỗi nền văn hóa được biểu hiện ở các thành tố khác nhau. Từ những dấu ấn văn hóa mang tầm vóc nghệ thuật tinh hoa như âm nhạc, tạo hình, ẩm thực, thực hành tín ngưỡng, tôn giáo đến hệ thống tri thức bản địa, kinh nghiệm sống, tồn tại, cách thức cộng sinh với môi trường, thiên nhiên... Tất cả đều đã kết tinh, mang lại những giá trị trong việc duy trì, bảo tồn giống nòi, quyết định sự tồn vong của mỗi tộc người và lớn hơn nữa là sự tồn tại của mỗi quốc gia, lãnh thổ. Giao thoa, tiếp biến là quy luật tất yếu trong quá trình vận động của văn hóa. Quá trình này tạo ra những sản phẩm văn hóa mới, thích nghi với điều kiện mới. Sản phẩm mới này có thể là những lớp, những tầng văn hóa mới phủ lên trầm tích, những giá trị văn hóa đã “hóa thạch”. Hoặc hòa trộn, tích lũy có chủ ý với một vài chủ thể mạnh hơn làm cốt cách với các yếu tố mới đan xen, xoay quanh nó mang một biểu hiện mới với những giá trị mới. Tất cả điều đó chỉ có thể có được khi có sự can thiệp có chủ ý và đầy nỗ lực của giáo dục.

Sự can thiệp của giáo dục có thể dẫn đến các hệ quả: hoặc là sơ cứng, máy móc, tuyệt đối hóa giá trị văn hóa truyền thống làm cho quá trình giao lưu tiếp biến bị ngưng trệ, tác động không tích cực đến quá trình vận động và phát triển của xã hội, quá trình bồi đắp, tích lũy của văn hóa; hoặc là, thả buông, không quan tâm và để quá trình tiếp biến diễn ra một cách tự do, cho dù có bị cưỡng bức, áp chế, đồng hóa thô bạo. Điều này dẫn đến việc, vốn văn hóa truyền thống quý báu, tinh hoa sẽ bị biến mất nhanh chóng và cơ hội để nó có mặt trở lại là điều không thể. Việc văn hóa bị thôn tính sẽ dẫn đến nguy cơ nhiều vấn đề khác trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, lãnh thổ sẵn sàng bị thôn tính. Để giải quyết cho hai vấn đề nêu trên, vai trò của giáo dục có tầm quan trọng hơn bao giờ hết, bởi một thế hệ công dân toàn cầu có tri thức, có bản lĩnh đồng thời với ý thức tự tôn, tự trọng dân tộc là mục tiêu mà giáo dục ở quốc gia nào cũng phải coi là trọng yếu.

Hơn 400 đại biểu là cán bộ, nhà giáo của các tổ chức Công đoàn Giáo dục, Hiệp hội Giáo viên các nước Asean và Hàn Quốc tham dự Hội nghị 

Việc tiếp biến và bảo tồn các trị truyền thống đã được ngành Giáo dục các nước trong khu vực ASEAN và Hàn Quốc thực hiện từ lâu. Những điểm thành công và chưa thật sự thành công đều là những kinh nghiệm quý báu được chia sẻ tại Hội nghị. Ở nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, tất cả đều xoay quanh mục tiêu giữ gìn bản sắc độc đáo của văn hóa truyền thống, giữ gìn cốt cách, tinh túy các thế hệ chắt lọc và trao truyền, để quá trình hòa nhập, toàn cầu hóa, mỗi nền văn hóa sẽ có đóng góp chung cho nền văn minh nhân loại và cơ hội để mỗi đất nước, mỗi dân tộc tự làm giàu có thêm cho nền văn hóa của mình không bao giờ bị bỏ lỡ. Tất cả đều có sự đóng góp vô cùng quan trọng của Giáo dục.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.