Thông qua Tuyên bố Đà Nẵng "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung"
Đăng ngày 11-11-2017 18:52, Lượt xem: 1274

Đó là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa được Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết tại buổi họp báo quốc tế được tổ chức vào chiều 11-11.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì họp báo quốc tế

Chủ tịch nước khẳng định, Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã thành công tốt đẹp. Sau gần 20 năm là thành viên APEC, Việt Nam vinh dự một lần nữa đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội nghị quan trọng nhất trong năm của Diễn đàn này. Năm APEC 2017 là cơ hội quý báu để Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực. Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chủ tịch Nước cho hay, trong suốt năm qua, các bộ trưởng, quan chức cao cấp APEC cùng với cộng đồng doanh nghiệp và học giả trong khu vực đã tiến hành hơn 240 cuộc họp tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các cuộc họp đã thảo luận nghiêm túc, kỹ lưỡng và thống nhất đề xuất các biện pháp thúc đẩy đối thoại, hợp tác và liên kết APEC, tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, hướng tới chuẩn bị tốt nhất các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Với sự đồng tình, nhất trí cao của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Điểm lại những kết quả chính, Chủ tịch nước cho biết, thứ nhất, hội nghị đã thảo luận và thông qua Chương trình hành động APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội nhằm khẳng định quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường - nội dung quan trọng trong đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ hai, Hội nghị đã thông qua Khuôn khổ Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và năng suất lao động của các nền kinh tế APEC. Các định hướng chính sách và biện pháp đề ra trong Khuôn khổ không chỉ đáp ứng quan tâm chung của khu vực, mà còn là đòn bẩy giúp Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ ba, nhằm tạo những động lực mới cho tăng trưởng bền vững và bao trùm, Hội nghị đã thảo luận các chính sách và biện pháp chiến lược nhằm phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường an ninh lương thực - nước - năng lượng, phát triển nông thôn và đô thị; cải cách cơ cấu; nâng cao năng lực; giảm thiểu rủi ro thiên tai; tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ; phát triển du lịch bền vững. Việc triển khai những khuôn khổ hợp tác dài hạn của APEC trong những lĩnh vực này sẽ góp phần củng cố vai trò của Diễn đàn là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực và đi đầu với các nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững, như các mục tiêu chung cần đạt được vào năm 2030 mà Liên hợp quốc đã đề ra.

Thứ tư, để APEC tiếp tục là động lực thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, góp phần để châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, Hội nghị tái khẳng định cam kết hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư; thúc đẩy thuận lợi hóa đầu tư, kinh doanh và dịch vụ; tăng cường hợp tác kinh tế - kỹ thuật; tiếp tục nỗ lực hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); nhấn mạnh vai trò quan trọng của APEC trong việc ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật pháp, tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm.

Hội nghị cũng hoan nghênh việc thông qua Khuôn khổ APEC về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, để tạo điều kiện cho APEC khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển của kinh tế mạng, kinh tế số và các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ năm, APEC đang nỗ lực hơn bao giờ hết để hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020 và chuẩn bị bước vào thập niên phát triển thứ tư. Để nâng cao vai trò và vị thế của APEC trong cục diện quốc tế đa tầng nấc, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC hoan nghênh việc thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ các quan chức cao cấp trong việc xác định hướng đi và tương lai của Diễn đàn sau năm 2020. Đó là một diễn đàn tự cường, có năng lực xử lý các thách thức toàn cầu cũng như khả năng thích ứng cao với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Quyết định này cũng thể hiện quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng, trong đó, người dân và doanh nghiệp có vị trí trung tâm.

Các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC chụp ảnh kỷ niệm chung tại Hội nghị

Nhằm phát huy vai trò của APEC là cơ chế khởi xướng và điều phối các các ý tưởng liên kết và kết nối khu vực, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Đối thoại không chính thức giữa APEC và ASEAN về chủ đề “Cùng tạo động lực mới, vì một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện” với sự tham dự của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC và 10 nhà lãnh đạo các nước ASEAN.

Chủ tịch Nước Trần Đại Quang cũng gửi lời cảm ơn sự ủng hộ của các nước thành viên dành cho Việt Nam trên cương vị chủ nhà APEC. “Sự hiện diện đông đảo của hơn 10.000 đại biểu APEC, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu khu vực và thế giới và hơn 3.000 phóng viên trong nước và quốc tế là minh chứng sinh động cho tầm vóc của APEC và Tuần lễ Cấp cao APEC 2017”, ông khẳng định.

QUỲNH ĐAN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.