Chương trình "HĐND với cử tri" số thứ 2: Tập trung giải quyết nhiều bức xúc của nhân dân
Đăng ngày 14-11-2017 23:35, Lượt xem: 857

Sáng ngày 14/11, Chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” số thứ 2 đã được thực hiện dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung. Tham dự chương trình có Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBMTTQ Đặng Thị Kim Liên, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của thành phố, các quận huyện và đặc biệt là các cử tri đại diện cho cử tri toàn thành phố.

Nhiều vấn đề bức xúc chậm được giải quyết

 Cử tri Ngô Nhơn (Hòa Vang) phát biểu

“HĐND với cử tri” là một chương trình được  thực hiện nhằm đổi mới hình thức nội dung tiếp xúc cử tri, là nơi cử tri có thể gửi gắm những tâm tư nguyện vọng của mình đến cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương. Đồng thời qua đó HĐND thực hiện quyền giám sát đối với những vấn đề bức xúc của nhân dân. Nội dung của chương trình số thứ 2 này nhằm giám sát kết quả thực hiện thông báo của Thường trực HĐND thành phố và kết quả giải quyết các kiến nghị trước và sau kỳ họp thứ 4. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên đài Phát thanh-truyền hình thành phố và trựuc tuyến trên Cổng Thông tin điện tử thành phố.

Trước kỳ họp thứ 4 đến nay, Thường trực HĐND thành phố đã tiếp nhận và chuyển đến UBND 162 kiến nghị cử tri. Riêng chương trình HĐND với cử tri số thứ 2 này, Thường trực HĐND thành phố nhận được 421 lượt kiến nghị của cử tri, trong đó có 15 kiến nghị thuộc thẩm quyền của UBND thành phố; các kiến nghị còn lại thuộc thẩm quyền của quận, huyện, xã phường và đã cơ bản được xử lý.

 Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, UBND thành phố tiếp nhận 175 ý kiến cử tri được HĐND thành phố chuyển đến. Nhìn chung kiến nghị của cử tri tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến lĩnh vực đô thị như quy hoạch, khớp nối quy hoạch các dự án; quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa cơ sở; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; hoàn thiệncơ sở hạ tầng các khu tái định cư; xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, thoát nước; nâng cấp hệ thống nước sạch, nước sinh hoạt ; xử lý tình trạng ngập úng, xử lý ô nhiễm môi trường tại một số khu vực …

Công tác tiếp nhận và trả lời ý kiến cử tri được UBND thành phố rất quan tâm do đó đã giải quyết được một số khó khăn bất cập, đáp ứng được một phần nguyện vọng chính đáng và bức xúc của cử tri. Hầu hết các kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 4 và ý kiến sau chương trình số 1 đều đã được UBND thành phố trả lời và báo cáo tại kỳ họp HĐND thành phố. Tuy vậy, cho đến nay vẫn còn một số kiến nghị bức xúc nổi cộm, trong quá trình thực hiện đến nay vẫn chưa hòan thành theo tiến độ mà HĐND thành phố đã đề ra

Tại chương trình, các cử tri cũng nêu lên những kiến nghị về những vấn đề bức xúc ở địa phương . Ông Ngô Nhơn, cử tri xã Hòa Liên  bày  tỏ bức xúc khi  nói về dự án kênh thoát lũ Hòa Liên: Dự án được cam kết hoàn thành vào tháng 6 năm 2017 nhưng đến nay vẫn ngổn ngang với quá nhiều bất cập; thiếu đất tái định cư, sụt lún, ngập úng … gây bất an cho người dân. Ông Nguyễn Văn Thu (phường Khuê Mỹ) tha thiết yêu cầu thành phố trả lời về  việc xây dựng các lối đi xuống biển cho người dân. Ông Dương Quốc Khánh (phường Hòa Cường Bắc) nêu lên thực trạng xuống cấp tại các khu chung cư cũ nhưng việc sửa chữa chắp vá, cẩu thả … Ông Hồ Văn Khoa  (quận Cẩm Lệ) việc triển khai các dự án trên địa bàn quận Cẩm Lệ kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn quận để người dân ổn định cuộc sống. Phản ảnh thực trạng mất an toàn giao thông trên trục đường Hoàng Văn Thái, Tôn Đức Thắng, bà Nguyễn Thị Diệp (quận Liên Chiểu) kiến nghị các biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng này.

Phải coi sinh mạng người dân và môi trường là quan trọng hơn cả

 GĐ Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng trả lời cử tri 

Sau khi nghe giải trình của các sở ngành, đại diện các ban của HĐND cũng đã trình bày ý kiến của mình trên cơ sở thực hiện việc giám sát đối với các  vấn đề cử tri nêu. Theo ông Tô Hùng, Trưởng ban Đô thị, việc sửa chữa các nhà chung cư với kinh phí hơn 9,2 tỷ đồng đến nay đã hoàn tất, tuy nhiên việc sửa chữa vẫn chưa  khắc phục được  tình trạng hư hỏng xuống cấp, việc sửa chữa cũng không lấy ý kiến người dân nên họ rất bức xúc. Về chậm trễ tiến độ thi công kênh thoát lũ Hòa Liên, theo ông Tô Hùng nguyên nhân chính là việc khảo sát thiết kế không chặt chẽ. Ban đầu chỉ có 87 hộ cần di  dời và cần bố trí 145 lô đất tái định cư, nhưng thực tế phát sinh thêm 44 hộ và cần thêm 99 lô đất tái định cư nữa buộc phải lấy quỹ đất trường học, đất công cộng khác để bố trí nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Ông Phan Thanh Long, Trưởng Ban Pháp chế HĐND  ghi nhận những cố gắng của các cơ quan chức năng trong việc kìm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông trên một số tuyến đường trọng điểm. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, số lượng các xe tải ben trên tuyến vẫn còn nhiều; trạm cân tải chưa phát huy tác dụng nhiều đối với xe ben chở đất đá vào san lấp các công trình. Việc xử lý vi phạm cũng chưa nghiêm. Về vấn đề này trong phần kết luận, Phó Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung cho rằng đây có trách nhiệm của công tác quản lý khai thác các mỏ. Ủng hộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng phải coi sinh mạng người dân, môi trường và cơ sở hạ tầng của thành phố là quan trọng hơn cả. Phó Chủ tịch yêu cầu phải tăng cường quản lý các mỏ được khai thác, tính toán lại lượng xe cho phép lưu thông và đặc biệt xử lý nghiêm các vi phạm, làm rõ trách nhiệm và xử lý cả đối với cơ quan, cá nhân thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước; thậm chí thu hồi các loại giấy phép hoạt động.

 Đối với các dự án chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch HĐND cho rằng trách nhiệm lớn nhất thuộc về Chủ tịch UBND các quận huyện vì là chủ tịch Hội đồng GPMB các dự án. Bên cạnh đó là sự bất cập, hạn chế trong vận hành của Trung tâm khai thác quỹ đất . Người dân giải tỏa cần ổn định cuộc sống, dự án cần có đất triển khai, kinh phí cũng đã được bố trí nhưng không chi trả được (mới giải ngân được 35%), trong khi phải trả nợ trái phiếu. Những vấn đề này không được kéo dài.

Phó Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung cũng yêu cầu các cơ quan thành phố tập trung xử lý dứt điểm các nội dung tại thông báo kết luận 41 với thời hạn cụ thể: Trước tết nguyên đán năm 2018 phải hoàn thành các công trình: công viên vườn dạo trên tuyến cống Yên Thế-Bắc Sơn; đường gom dân sinh từ Nã ba Huế đến cầu Vượt Hòa Cầm; thi công đường Vương Thừa Vũ; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường phục vụ bố trí tái định cư 82 lô đất B2.15 và B216 trong khu dân cư phía nam đường Nguyễn Tất Thành nối dài . Trong tháng 12/2017 hoàn thành di dời cây xăng Total đường Nguyễn  Chí Thanh, hoàn thành lắp đặt 75 thiết bị, đưa trạm xử lý nước thải mới Liên Chiểu vào vận hành  thử nghiệm. Trước kỳ họp thứ 5 của HĐND thành phố phải hoàn thành các hạng mục  công trình xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường khu cảng cá và âu thuyền Thọ Quang; hòan thành việc thanh tra giao khoán đất rừng của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân.

Tin Video : Chương trình " HĐND với cử tri số 2" : Tập trung giải quyết nhiều bức xúc của nhân dân

 

Vệ sinh an toàn thực phẩm: Người dân vẫn còn bất an

Ông Huỳnh Vĩnh Truyền (quận Hải Châu) bày tỏ nỗi lo lắng bất an trước thực trạng thức ăn đường phố được bày bán tràn lan, không bảo đảm vệ sinh. Đề nghị thành phố sớm có kế hoạch xây dựng mô hình điểm về thức ăn đường phố, hình thành các khu phố ẩm thực  và có biện pháp để quản lý kiểm soát nguồn thực phẩm được cung cấp.

Nêu lên mục tiêu 100% chợ hạng 2 của thành phố được kiểm soát an toàn thực phẩm trong kế hoạch của thành phố ban hành từ đầu năm 2017,  bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Thanh Khê) đặt câu hỏi về kết quả thực hiện cho đến nay và công tác hậu kiểm sau cấp giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn ATVSTP.

Phần giải trình của các sở ngành đã nêu lên các số liệu kiểm tra quản lý ATVSTP. Cụ thể 98,1% cơ sở được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm; 97,3% cơ sở thức ăn đường phố ký cam kết ATVSTP; có 9 chợ đăng ký chợ đảm bảo an toàn thực phẩm. Thành phố đã ký kết với các doanh nghiệp của 10 địa phương cung cấp sản phẩm rau củ quả, thực phẩm cung cấp cho thành phố; kiểm tra cấp tem chứng nhận tiêu chuẩn hàng hóa…   

Ông Phạm Tấn Xử, trưởng ban VH-XH của HĐND cho biết trong quá trình giám sát cho thấy vẫn  còn nhiều bất cập hạn chế trong công tác quản lý an toàn VSTP. Các số liệu về quản lý VSAT thực phẩm được các ngành đưa ra  rất đáng mừng , tuy nhiên người dân vẫn chưa an tâm với an toàn vệ sinh thực phẩm; vẫn còn tình trạng ngộ độc thực phẩm; hàng đã dán tem cũng chưa đủ sức thuyết phục người dân … thực tế này đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh mẽ cụ thể hơn nữa trong thời gian tới. Bên cạnh việc thành lập Chi cục quản lý ATVSTP (hoạt động chính thức từ ngày 01/01/2018) cần có sự vào cuộc của các ngành các cấp với trách nhiệm cụ thể, rõ ràng; bên cạnh việc xây dựng ban hành các tiêu chí, cấp giấy chứng nhận chợ, cơ sở kinh doanh, sản phẩm đảm bảo an toàn VSTP   thì công tác hậu kiểm , xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phải được thực hiện thường xuyên, hiệu quả hơn. Thường trực HĐND cũng yêu cầu cần nâng cao năng lực công tác kiểm nghiệm ATTP, trước mắt trang bị thêm các máy móc thiết bị kiểm nghiệm, xét nghiệm ATTP cần thiết. ..

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu hoan nghênh chương trình với những nội dung phong phú, sáng tạo. Với sự tham gia của 3 nhịp cầu chính là Thường trực HĐND- UBND và các cơ quan chấp hành -cử tri đã giúp giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng trước kỳ họp của HĐND. Chủ tịch cũng ghi nhận những nỗ lực sáng kiến của Thường trực HĐND, nêu cao trách nhiệm, bám sát  nhu cầu, kiến  nghị bức xúc của người dân. Cũng từ đó đặt ra trách nhiệm của các ban ngành, địa phương trong việc giải quyết những bức xúc của người dân.

 Thay mặt UBND thành phố, Chủ tịch tiếp thu các ý kiến của đại biểu HĐND và cử tri và cam kết sẽ quyết liệt chỉ đạo điều hành đôn đốc  thực hiện nghiêm túc.        

 LÊ HOA

 

 

   

   

 

      

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.