Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý tài chính và chi trả tiền chế độ, chính sách cho CB-VC-NLĐ tại Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng
Đăng ngày 06-12-2017 15:04, Lượt xem: 3317

Thực hiện Quyết định số 5176/QĐ-UBND ngày 2-8-2016 v/v thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý tài chính và chi trả tiền chế độ, chính sách cho cán bộ, viên chức và người lao động tại Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng và Quyết định số 6780/QĐ-UBND ngày 5-10-2016 v/v gia hạn thời gian thanh tra của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng từ ngày 11-8-2016 đến ngày 16-11-2016.  

Xét Báo cáo kết quả thanh tra ngày 30-11-2016 và báo cáo kết quả thanh tra bổ sung ngày 18-1-2017 của Đoàn thanh tra; xét đề nghị của Công an thành phố và Thanh tra thành phố tại Văn bản số 30/TTTP-TT1 ngày 27-7-2017; căn cứ Thông báo số 313/TB-VP ngày 22-9-2017 của Văn phòng UBND thành phố thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại buổi họp nghe báo cáo một số vụ việc phức tạp, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kết luận thanh tra số 9225/KL-UBND ngày 14-11-2017 với nội dung kết luận như sau:

1. Chi trả tiền chế độ, chính sách cho cán bộ, viên chức và người lao động

Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng (Công ty) quy định chi tiền ăn ca trong Quy chế chi tiêu nội bộ không rõ ràng, thiếu minh bạch dẫn đến người lao động không xác định được tiền ăn ca có chi đều hàng quý. Trong Quy định thực hiện thanh toán tiền lương và các chế độ chính sách đối với CB-VC của Công ty không có quy định về tiền lương bổ sung, lương tháng 13, mà Kế toán Công ty tự tính toán tiền bổ sung lương quý, 6 tháng, năm và tháng 13 trong giai đoạn từ đầu năm 2013 đến cuối năm 2015, đồng thời cố ý không thanh toán tiền ăn ca và bổ sung lương qua tài khoản của viên chức, người lao động mở tại ngân hàng theo quy định mà thực hiện chi bằng tiền mặt là không đúng quy định.

Qua làm việc với 128 viên chức, người lao động tại Công ty về việc nhận tiền ăn ca, lương bổ sung thể hiện trên chứng từ Công ty chi  cho viên chức, người lao động từ đầu năm 2013 đến cuối năm 2015, thể hiện: phần lớn viên chức và người lao động không biết Công ty có chi tiền ăn ca đều hàng quý, đa số người lao động không biết tiền bổ sung lương; một số người không nhớ là đã nhận tiền ăn ca và tiền bổ sung lương vào thời điểm nào, mỗi lần nhận bao nhiêu tiền; một số người nhận đủ, nhận đều hàng quý. Số liệu tổng hợp như sau:

- Có 74/128 người (57,8%) khẳng định chỉ được nhận vài lần, không nhận đều hàng quý;

- Có 32/128 người (25%) khẳng định nhận đủ, nhận đều hàng quý;

- Có 22/128 người (17,2%) không nhớ là đã nhận tiền ăn ca và tiền bổ sung lương vào thời điểm nào, mỗi lần nhận bao nhiêu tiền.

Từ kết quả làm việc với 128 viên chức, người lao động và xem xét, kiểm tra hồ sơ, tài liệu do Công ty cung cấp, nhận thấy:

- Việc Công ty thực hiện chi tiền ăn ca, tiền bổ sung lương bằng tiền mặt từ năm 2013 đến năm 2015 là không đúng quy định. Chứng từ nhận tiền cụ thể là danh sách nhận tiền hầu hết do các Trưởng ban ký nhận thay cho người lao động của ban quản lý (BQL) chợ nhưng không nhận tiền và thủ quỹ BQL đến Phòng Kế toán-Tài vụ nhận tiền, không ký nhận tại thủ quỹ Công ty. Tại các BQL, khi người lao động trực tiếp nhận tiền tại thủ quỹ BQL có ký nhận hoặc ký nhận thay nhưng kế toán, thủ quỹ BQL không lưu giữ chứng từ, cũng không chuyển chứng từ người lao động đã ký nhận về Phòng Kế toán-Tài vụ Công ty lưu giữ là không đúng quy định của Nhà nước về quản lý tài chính, kế toán. Qua kiểm tra cho thấy khi thủ quỹ BQL chi tiền không lưu danh sách người ký nhận tiền nên không có chữ ký nhận tiền của người lao động tại BQL chợ, chứng từ không đủ căn cứ pháp lý để chứng minh người lao động đã nhận đủ tiền ăn ca và bổ sung lương bằng tiền mặt theo chứng từ chi bằng tiền mặt từ đầu năm 2013 đến cuối năm 2015.

2. Các khoản thu, chi không theo dõi trong sổ kế toán

Việc Công ty thu các khoản tiền: nhà tôn, nhà lều, lều bạt, mái che đình 9, 04 lô trái cây đình 6, 04 ki ốt “Hàng Heo” (chợ Cồn), thu bãi giữ xe, thu nhà vệ sinh, thu giữ hàng qua đêm..., từ tháng 1-2013 đến tháng 7-2016 (theo Báo cáo của các BQL chợ nộp về Công ty) là: 5.356.639.500 đồng để lập quỹ trái phép, không theo dõi trên sổ kế toán, không phản ảnh vào Báo cáo tài chính là vi phạm khoản 1, Điều 5 và khoản 3, khoản 4, Điều 13 Luật Kế toán. Việc Công ty không lưu giữ đầy đủ chứng từ chi và chỉ đạo các BQL chợ hủy chứng từ, sổ ghi chép theo dõi khoản thu, chi ngoài sổ kế toán hàng năm là vi phạm quy định về quản lý tài chính.

Về các nguồn thu này, Công ty giải trình:

- Khoản thu từ khu nhà vệ sinh: khi mới thành lập (1989) tại chợ Cồn chỉ có 1 nhà vệ sinh không đủ phục vụ nên Công đoàn chợ đã đầu tư thêm nhà vệ sinh ở khu vực vỉa hè 3 tầng và nhà số 4. Nguồn thu này Công đoàn Công ty quản lý để thanh toán chi phí, sửa chữa và cải thiện thu nhập hàng tháng cho người lao động từ đó đến nay.

- Nguồn thu tại chợ Đầu mối Hòa Cường: Công đoàn bộ phận chợ Đầu mối Hòa Cường mua tre dựng lều, lợp mái bạt nilon cho các hộ buôn bán thuê, tiền thu được Công đoàn chợ thu hồi tiền đầu tư và cải thiện thêm thu nhập hàng tháng cho viên chức và người lao động tại BQL. Sau đó, Công ty có chủ trương giao cho Công đoàn Công ty huy động đoàn viên đóng góp làm lại khung sắt, mái lợp tôn. Tiền thu được, Công đoàn Công ty quản lý để thanh toán chi phí, sửa chữa, cải thiện thêm thu nhập hàng tháng cho người lao động và để phục vụ các hoạt động công đoàn.

- Một số khoản thu khác tại các chợ như khu lộ thiên chợ Cồn, bạt che di động chợ Hàn, vệ sinh hàng thịt, cá tại các chợ cũng xuất phát từ nhu cầu hỗ trợ cho hộ kinh doanh buôn bán che mưa, nắng và công tác quản lý các hộ kinh doanh tại chợ, bằng sức lao động trực tiếp và sự đầu tư từ tiền đóng góp của đoàn viên Công đoàn Công ty.

Những sai phạm trong công tác quản lý tài chính tại Công ty thuộc trách nhiệm của ông Lê Ngọc Thanh - Giám đốc; ông Mai Phước Ba - Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn; bà Trần Thị Kim Thuyên - Kế toán trưởng, Trưởng ban, thủ quỹ các BQL chợ; bà Dư Thị Hồng Cường - Quyền Trưởng ban BQL chợ Đống Đa (nguyên là người thực hiện thu, chi quỹ ngoài sổ kế toán đã hủy sổ ghi chép theo dõi khoản thu, chi ngoài sổ kế toán từ năm 2015 trở về trước); ông Lê Ngọc Thạnh - Nguyên Giám đốc Công ty (đã nghỉ chế độ hưu từ tháng 8/2014) và một số cá nhân có liên quan. Giám đốc Sở Công thương không thực hiện hết trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với Công ty; các bộ phận nghiệp vụ thuộc Sở Công thương có tiến hành thanh tra và kiểm tra, xét duyệt quyết toán hàng năm nhưng các sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý tài chính kéo dài qua nhiều năm không được chấn chỉnh, xử lý.

Để tạo lòng tin đối với viên chức, người lao động, giữ nghiêm kỷ cương, đảm bảo sự phát triển ổn định của Công ty, những sai phạm trên cần được xử lý nghiêm khắc. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Giám đốc Sở Công Thương phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với: ông Lê Ngọc Thanh - Giám đốc; ông Mai Phước Ba - Phó Giám đốc; bà Trần Thị Kim Thuyên - Kế toán trưởng; bà Dư Thị Hồng Cường - Quyền Trưởng ban BQL chợ Đống Đa và có các hình thức kỷ luật khác đối với các cá nhân có liên quan đến những sai phạm tại Công ty (kể cả những cá nhân nghỉ hưu) và các bộ phận, cá nhân thuộc Sở Công Thương có liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với Công ty.

3. Các hoạt động sự nghiệp:

a) Hoạt động thu phí giữ xe:

Công ty cần chấn chỉnh, khắc phục ngay việc phản ảnh không đúng bản chất thực tế của hoạt động thu phí giữ xe. Xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện đấu giá khai thác mặt bằng giữ xe tại các chợ đạt hiệu quả, đúng quy định.

b) Thu hộ tiền điện:

Công ty chấm dứt hạch toán việc thu hộ tiền điện các hộ kinh doanh trong chợ vào hoạt động kinh doanh, xác định lợi nhuận để trích lập các quỹ. Điều chỉnh phương án thu khoán tiền điện theo công suất thiết bị điện sử dụng của các hộ kinh doanh trong chợ đảm bảo tỉ lệ chênh lệch giữa số tiền điện Công ty thu từ các hộ kinh doanh và số tiền điện các hộ kinh doanh sử dụng phải trả cho Công ty Điện lực không vượt quá 23% (theo phê duyệt của Sở Công Thương). Công ty phải quản lý, theo dõi và sử dụng số tiền chênh lệch giữa thu tiền điện lớn hơn chi trả tiền điện nêu trên đúng mục đích, đúng quy định.

c) Nguồn kinh phí thu sang nhượng lô kinh doanh:

Báo cáo Sở Tài chính, Sở Công Thương, trình UBND thành phố xem xét, xử lý nguồn kinh phí thu sang nhượng lô kinh doanh tại các chợ năm 2013 và việc Công ty đã tự ý trích lập các quỹ năm 2014 số tiền: 8.201.722.090 đồng không đúng quy định. Lập hồ sơ theo dõi các hộ kinh doanh đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách theo quy định.

d) Việc sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp:

Yêu cầu Công ty hạch toán khôi phục nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp đã sử dụng không đúng quy định số tiền: 1.288.110.000 đồng.

Trách nhiệm về những sai phạm, tồn tại, thiếu sót mà Chủ tịch UBND thành phố kết luận thuộc về Ban Giám đốc, Kế toán trưởng, các bộ phận chuyên môn và những cá nhân có liên quan trong quá trình quản lý thu, chi tài chính tại đơn vị, Giám đốc Sở Công thương không thực hiện hết trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với Công ty; các bộ phận nghiệp vụ thuộc Sở Công thương có tiến hành thanh tra và kiểm tra, xét duyệt quyết toán hàng năm nhưng các sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý tài chính kéo dài qua nhiều năm không được chấn chỉnh, xử lý.

Từ kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo xử lý những sai phạm, tồn tại như sau:

1. Giao Sở Nội vụ:

Giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra, xử lý và đề xuất phương án xử lý đối với các tập thể và cá nhân có vi phạm.

2. Giao Giám đốc Sở Công Thương:

- Phối hợp với Sở Nội vụ trong công tác kiểm tra, xử lý đối với các tập thể và cá nhân có vi phạm;

- Yêu cầu Công ty chấm dứt ngay việc làm sai phạm trong công tác quản lý tài chính, phản ảnh đầy đủ các khoản thu vào sổ kế toán đúng quy định;

- Tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các bộ phận chuyên môn thuộc Sở đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước để những sai phạm trong công tác quản lý tài chính tại Công ty diễn ra trong thời gian kéo dài;

- Chỉ đạo các Phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn Công ty chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, sai sót như đã kết luận;

- Tổ chức, củng cố Phòng Kế toán-Tài vụ và bồi dưỡng nghiệp vụ đối với kế toán, thủ quỹ tại các Ban quản lý chợ thuộc Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng.

2. Giao Sở Tài chính:

- Chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra, xem xét, trình UBND thành phố xử lý nguồn kinh phí thu sang nhượng lô kinh doanh gồm: thu ra lô kinh doanh, chuyển đổi hàng rong, tạm thuê lên mặt bằng cố định tại các chợ mà Công ty hạch toán vào hoạt động kinh doanh năm 2013 và tự trích lập các quỹ năm 2014 không đúng quy định;

- Hướng dẫn Công ty quản lý, sử dụng khoản thu, chi tiền điện đối với các hộ kinh doanh tại các chợ theo Văn bản số 1258/UB-VP ngày 16-5-2001 của UBND thành phố Đà Nẵng.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.