Tăng cường phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp
Đăng ngày 07-12-2017 16:34, Lượt xem: 735

Sáng 7-12, Sở Lao động Thương binh Xã hội thành phố tổ chức Hội thảo “Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác giáo dục nghề nghiệp” với sự tham dự của đại diện các trường cao đẳng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và một số doanh nghiệp trên địa bàn.

Tại hội nghị, đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp đã cùng trao đổi về các chính sách, cơ chế phối hợp doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng lao động; đồng thời, triển khai các kế hoạch tiếp nhận học sinh, sinh viên và nhà giáo tham gia sản xuất tại doanh nghiệp; tư vấn xây dựng chương trình, giáo trình và đầu tư trang thiết bị đào tạo. Đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch thương mại, cơ điện lạnh… đã trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong thời gian qua khi tham gia đào tạo nguồn nhân lực cũng như phối hợp cùng với nhà trường thực hiện giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Từ đó, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thống nhất hành động để đem lại hiệu quả cao nhất trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và giải quyết vấn đề việc làm hiệu quả.

Thống kê tại Đà Nẵng hiện có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy mô đào tạo hơn 69 ngàn học viên với 298 ngành nghề đào tạo. Trong đó, nhóm ngành/ nghề thương mại dịch vụ chiếm 71,8%, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 26,4%, ngành nông lâm ngư nghiệp chiếm 1,6%. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp đã phối hợp xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tham gia tuyển dụng, hỗ trợ khởi nghiệp… Một số doanh nghiệp đã được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mời tham gia giảng dạy hoặc đánh giá kỹ năng nghề cho học sinh sinh viên, một số doanh nghiệp hỗ trợ thiết bị để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo thực tế. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn An – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, hiện công tác phối hợp này mới chỉ dừng lại ở phạm vi cơ sở đào tạo chủ động liên hệ với doanh nghiệp trong việc tổ chức cho sinh viên thực tập hoặc doanh nghiệp thiếu lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu mùa vụ sản xuất mới đến trường để liên hệ. Đặc biệt, các doanh nghiệp thường chú trọng ở khâu sản xuất phải có hiệu quả cao, bảo mật dây chuyền sản xuất nên chưa nhận thức được trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề, sợ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Do vậy, khi học sinh sinh viên thực tập cũng không được tham gia nhiều vào các công việc thực tế, phần lớn chỉ quan sát nhiều hơn là được làm.

Cùng với đó, khâu dự báo nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp chưa mang tính bền vững, dẫn đến các doanh nghiệp ngại đặt hàng đào tạo mang tính lâu dài với nhà trường, dẫn đến việc đào tạo ra nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Công tác giám sát, đánh giá để nâng cao chất lượng học sinh, sinh viên đi thực tập chưa được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm. Việc đánh giá học sinh, sinh viên của doanh nghiệp sau kỳ thực tập chưa được thực hiện kịp thời. Điều này gây ảnh hưởng đến việc điều chỉnh chương trình, giáo trình, trang thiết bị và phương pháp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.