Pháp lập thành phố nhượng địa Đà Nẵng (3-10-1888)

Dưới sức ép của thực dân Pháp, ngày 25-8-1883, triều đình Huế buộc phải ký với chúng "Hiệp ước hòa bình" (còn gọi là hiệp ước Harmand), qua đó chính thức công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ. Theo điều 6 và 7 của Hiệp ước này, ngoài việc yêu cầu mở cửa Đà Nẵng để thông thương còn quy định rằng Pháp sẽ được phép lập các khu nhượng địa (concession) ở đây. Cho đến bản Hiệp ước ký ngày 6-6-1884 (còn gọi là Hiệp ước Patenôtre) thì căn bản Việt Nam đã trở thành thuộc địa của thực dân Pháp dưới nhiều chế độ cai trị khác nhau

Ngày 27 tháng 8 năm Mậu Tý, tức ngày 3-10-1888, vua Đồng Khánh buộc phải ký một đạo dụ gồm 3 khoản quy định rõ “các lãnh thổ thuộc các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng được chính phủ Đại Nam kiến lập thành nhượng địa Pháp và nhượng trọn quyền cho chính phủ Pháp, và chính phủ Đại Nam từ bỏ mọi quyền hành trên lãnh thổ đó” (Khoản 1).

Theo phụ đính của đạo dụ này, 5 xã của huyện Hòa Vang gồm Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây nằm bên tả ngạn sông Hàn được cắt giao cho Pháp để lập “nhượng địa” Đà Nẵng (Tourane).
 
Mười ba năm sau, thực dân Pháp lại một lần nữa gây sức ép buộc vua Thành Thái phải ký một đạo dụ ngày 15-1-1901, nới rộng nhượng địa Đà Nẵng thêm 14 xã: Xuân Đán, Thạc Gián, Liên Trì, Bình Thuận, Xuân Hòa, Thanh Khê, Đông Hà Khê, Yên Khê thuộc huyện Hòa Vang và Mỹ Khê, An Hải, Tần Thái, Nại Niên Đông, Mân Quang, Vĩnh Yên thuộc huyện Diên Phước. Như vậy đến năm 1901, thành phố nhượng địa Đà Nẵng đã vươn về phía tây và tây bắc, còn phía đông thì đã vượt sang hữu ngạn sông Hàn chiếm trọn bán đảo Sơn Trà.
 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT