Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Tinh thần hành động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải là nói và làm ngay, làm bằng được”
Đăng ngày 18-01-2018 13:54, Lượt xem: 256

Ngày 17-1, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh và Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Thanh Hưng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng

Năm 2017 - Năm “đền ơn đáp nghĩa”

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, trong năm 2017, với phương châm chỉ đạo “đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - hiệu quả”, Bộ đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực, đồng thời, có nhiều giải pháp huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành, tạo một bước tiến mới so với cùng kỳ năm 2016. Các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao về tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị và tỷ lệ hộ nghèo đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2017 là 2,24%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%, đạt chỉ tiêu được giao. Lao động đã qua đào tạo có sự gia tăng nhanh hơn của nhóm có trình độ sơ cấp nghề và đại học trở lên; tính đến Quý III, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55,45% lực lượng lao động. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cuối năm 2017 giảm xuống còn khoảng dưới 7%, giảm khoảng 1,35% so với cuối năm 2016; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm còn dưới 40%, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, với tinh thần năm 2017 là “đền ơn đáp nghĩa”, nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ được toàn ngành tổ chức trọng thể, có chiều sâu, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có sự tham gia đầy đủ của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, qua đó, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được dư luận trong cả nước ghi nhận, đánh giá cao, mang ý nghĩa chính trị xã hội to lớn. Công tác giải quyết hồ sơ tồn động về xác nhận, công nhận người có công với cách mạng được tập trung rà soát, xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể; kết quả đã xác nhận và tổ chức trao bằng Tổ quốc ghi công cho 1.250 liệt sỹ, công nhận 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, cấp mới, đổi trên 50.000 bằng Tổ quốc ghi công. Các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng cũng được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Bộ cũng tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Hỗ trợ Gần 650 tỷ đồng đã được tu sửa, nâng cấp mộ liệt sỹ, các công trình nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ đảm bảo khang trang, có ý nghĩa giáo dục thiết thực.

Tại Đà Nẵng, bên cạnh việc duy trì tốt công tác lao động và xã hội, năm 2017 là năm cả hệ cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tập trung tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, trọng thể kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tập trung giải quyết hồ sơ tồn động về xác nhận, công nhận người có công với cách mạng với cách làm sáng tạo, linh hoạt, dân chủ, công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc tổ chức trọng thể, có ý nghĩa kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ trong năm 2017 đã “làm rung chuyển mọi tấm lòng của người dân, mọi cấp, mọi ngành đối với đối tượng chính sách ở nước ta”. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương những thành tích ngành lao động, thương binh và xã hội đã đạt được trong năm 2017; trong đó nổi bật là hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được giao, ban hành nhiều chính sách quan trọng cho các đối tượng chính sách, hoàn thành 3 chỉ tiêu được giao về tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ hộ nghèo, xuất khẩu lao động đạt con số ấn tượng 135.000 người. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra vẫn những vấn đề còn tồn tại, bất cập hiện nay như: chất lượng và tính bền vững của việc làm chưa cao, năng suất lao động thấp; tỷ lệ lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn còn cao; tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích còn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong xã hội... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những tồn tại này không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành lao động, thương binh và xã hội, mà của hệ thống, của Chính phủ; tuy nhiên, trước hết, ngành lao động, thương binh và xã hội phải nghiêm túc đánh giá, tìm ra nguyên nhân, chủ động đề xuất phối hợp với các ngành, lĩnh vực liên quan, cùng vào cuộc, có biện pháp khắc phục để thực hiện tốt hơn trong năm tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “tinh thần hành động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải là nói và làm ngay, làm bằng được với tinh thần phục vụ, trách nhiệm cao, giải quyết càng sớm càng tốt những bất cập liên quan đến chế độ, chính sách, quyền lợi của người dân một cách hợp lý. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ và cùng hành động với toàn ngành”.

Nhất trí với các mục tiêu, định hướng, giải pháp được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề ra trong năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng thời lưu ý Bộ chú trọng thực hiện có hiệu quả một số nội dung như: xây dựng đề án cải cách tiền lương, dựa trên tiêu chí tính toán kỹ lương tối thiểu ở khu vực kinh và điều chỉnh định kỳ để vừa bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người lao động, vừa không đặt gánh nặng lớn lên doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực, đó là chìa khóa để thoát bẫy thu nhập trung bình; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động đào tạo nghề, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia xây dựng trường nghề, cung cấp dịch vụ hướng nghiệp; tăng cường quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập cao. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, thủ tục hành chính, giảm và loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về chính sách pháp luật, nêu gương điển hình, phê phán cá nhân không làm tốt. Đặc biệt, cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị khi để xảy ra bạo lực, bạo hành đối với trẻ em, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; quan tâm hơn nữa đến quyền lợi chính đáng của người lao động, nhất là các thiết chế văn hóa cần thiết cho người lao động.

Với nhận định, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là Bộ hiện thân của lòng nhân văn của một Quốc hội, của một Chính phủ phục vụ nhân dân, từ người lao động, người có công cho đến những người dễ bị tổn thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, trong thời gian đến, toàn ngành cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo, nâng dần tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội; đặc biệt là quan tâm đến người cô đơn, người nghèo, người có công, người không có nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, người lao động ở khu vực công nghiệp, người ở công trường, bệnh viện trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.