Phát triển du lịch Đà Nẵng bền vững và mang đẳng cấp, bản sắc riêng
Đăng ngày 08-03-2018 02:15, Lượt xem: 1849

Ngày 7-3, chủ trì tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Sở Du lịch thành phố, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh cần tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ quản lý ngành du lịch, những người làm du lịch phải có năng lực và có am hiểu ngành nghề; đồng thời thay đổi nhận thức, xác định vai trò của du lịch đối với kinh tế để phát triển bền vững và nâng tầm du lịch Đà Nẵng theo hướng đẳng cấp, mang bản sắc riêng.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa làm việc với lãnh đạo Sở Du lịch

Báo cáo kết quả hoạt động năm 2017 của Sở Du lịch cho thấy, tổng lượt khách đến Đà Nẵng đạt hơn 6,6 triệu lượt, tăng gần 20% so với năm 2016, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 2,3 triệu lượt, tăng 39% so với năm 2016, tổng thu du lịch đạt 19.504 tỷ đồng, tăng 21,3% so với năm 2016. Đến cuối năm 2017, thành phố có 689 cơ sở lưu trú với hơn 28.800 phòng, 294 đơn vị kinh doanh lữ hành và hơn 3.200 hướng dẫn viên. Hiện có 27 đường bay quốc tế trực tiếp đang hoạt động đến từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông.

Về nguồn nhân lực quản lý ngành, mặc dù các CBCCVC Sở có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản nhưng đa số chưa có nhiều kinh nghiệm công tác, phần nào ảnh hưởng đến việc tham mưu xử lý nhiệm vụ được giao. Theo ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã có nhiều cố gắng trong hoạt động kinh doanh góp phần phát triển thị trường du lịch. Tuy nhiên, với sự tăng trưởng nóng của thị trường khách, nhất là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc đã phát sinh một số vấn đề bất cập như một số tổ chức, cá nhân người nước ngoài núp bóng công ty lữ hành Việt Nam dưới hình thức đối tác hoặc nhập cảnh vào Việt Nam với chức danh tư vấn, hỗ trợ điều hành để thao túng, hoạt động trái mục đích nhập cảnh.Sự phát triển quá nhanh của hệ thống khách sạn quy mô nhỏ, condotel cùng với thị trường khách quốc tế tăng nhanh đã dẫn đến tình trạng quá tải, gây áp lực đến cơ sở hạ tầng, tình trạng kẹt xe ở các tuyến đường, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm tại các cống xả thải ra biển, sự lạm dụng nguồn nước ngầm tại các khu vực biển quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hình ảnh du lịch của Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng ngành du lịch thành phố tăng trưởng nóng đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên thiên nhiên. Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh, chỉ trong 10 năm lượng du khách đến Đà Nẵng tăng gấp 5 lần từ 1,2 triệu lượt lên gần 7 triệu lượt. Tình trạng phá hoại thiên nhiên để làm cơ sở lưu trú đang diễn ra, chính quyền thành phố cần mạnh dạn điều chỉnh quy hoạch lại, thay vì phá bỏ thiên nhiên để xây những tòa nhà “bê tông hóa” thì hướng đến giữ gìn, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên như bán đảo Sơn Trà, sông Hàn, các bãi biển. Ông Vinh cũng đề nghị thành phố sớm thành lập đơn vị bảo vệ du lịch, Tổ phản ứng nhanh rá soát công tác vệ sinh môi trường, an toàn trật tự, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự an ninh trên địa bàn.

Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc

Về định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới, hầu hết các ý kiến cho rằng thành phố cần phát triển theo hướng bền vững, mang màu sắc, đẳng cấp riêng để thu hút khách du lịch đa dạng từ Châu Âu, Úc, Mỹ, Đông Bắc Á… Với mục tiêu năm 2018, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đạt 7,4 triệu lượt , trong đó 2,7 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu ngành dự kiến 22.500 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2017, các sở ngành tăng cường phối hợp, hỗ trợ các dự án dịch vụ du lịch đi vào hoạt động để tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới mang dấu ấn riêng như: Lễ hội Pháo hoa quốc tế, Marathon quốc tế, các chương trình du lịch hè, triển khai các đề án “Khu phố du lịch An Thượng”, “Đề án phát triển du lịch sinh thái kết hợp với cộng đồng tại khu vực phường Thọ Quang – Mân Thái”; tập trung phát triển du lịch đường thủy nội địa, phát triển tuyến du lịch Ngũ Hành Sơn; hình thành dịch vụ tại các điểm đến Bãi Cát Vàng, K20, vườn rau La Hường…Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng sân bay Đà Nẵng để thu hút các đường bay mới, nâng cấp cầu cảng số 3 Tiên Sa để đón tàu du lịch, đưa lượng lớn du khách đến thành phố. Để khuyến khích các hãng hàng không mở đường bay mới và duy trì các đường bay quốc tế hiện có, Sở Du lịch cũng đề nghị thành phố kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải… giảm lệ phí phục vụ hành khách tại sân bay xuống khoảng 10 – 12 USD/ khách và mở rộng diện thị thực miễn visa cho một số thị trường quốc tế. Cụ thể, tăng thời hạn miễn visa với các nước Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Nga, Anh, Đức, Pháp, Ý lên 21 hoặc 30 ngày để du khách tham gia trọn vẹn chương trình tham quan du lịch tại miền Trung và Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị trong thời gian tới, các sở ngành, đặc biệt là Sở Nội vụ phối hợp Sở Du lịch tiến hành phân cấp quản lý chặt chẽ, phân bổ nhân lực cho công tác quản lý hoạt động du lịch, tăng cường chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp về kỹ năng chuyên môn và trao đổi mô hình quản lý phát triển ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các sở ngành phối hợp nghiên cứu, quy hoạch các cụm dịch vụ tập trung mua sắm - ẩm thực – vui chơi giải trí để tạo thêm các sản phẩm du lịch về đêm. Về tình trạng các cống xả thải ra biển gây ô nhiễm nước biển tại tuyến đường Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, tuyến biển Nguyễn Tất Thành, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu các sở, ngành liên quan phải có biện pháp xử lý triệt để tình trạng này, đồng thời chấm dứt việc dùng nước ngầm trong các khách sạn. Đồng thời, nâng cấp các bãi tắm du lịch phục vụ du khách, cải thiện vệ sinh môi trường trên các tuyến đường phố, triển khai các giải pháp cải thiện vấn đề giao thông, tránh tình trạng ùn tắc gây khó khăn cho việc đi lại… Liên quan đến việc mở rộng thị trường du khách, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, ngành du lịch thành phố cần phải tận dụng cơ hội, phải tranh thủ cơ hội các nguồn khách từ các nước và triển khai nhiều thị trường khác nhau để không bị phụ thuộc nhiều vào một nước nào. Cùng với mở đại diện du lịch ở Châu Âu, mở rộng thị trường mới như Úc, Ấn Độ, Nga, các sở ngành liên quan cần phối hợp tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế, trong đó phải tạo được sự khác biệt, mang bản sắc riêng của du lịch Đà Nẵng.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác