Nơi lưu giữ lịch sử hình thành và phát triển thành phố
Để hiểu tường tận quá trình hình thành, đấu tranh, xây dựng và phát triển của thành phố Đà Nẵng, không địa điểm nào thích hợp hơn Bảo tàng Đà Nẵng. Tọa lạc tại địa chỉ 24 Trần Phú, quận Hải Châu, trong những năm gần đây, Bảo tàng Đà Nẵng là điểm đến thu hút nhiều đối tượng tham quan, từ người dân thành phố, khách du lịch, đến các em học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu, học tập về lịch sử thành phố Đà Nẵng.

 

Được thành lập từ năm 1989, trước đây, Bảo tàng Đà Nẵng nằm ở địa chỉ 78 Lê Duẩn, đến tháng 4/2005, công trình Bảo tàng được khởi công xây dựng lại ở địa chỉ mới và chính thức khánh thành, mở cửa đón khách tham quan từ ngày 26 tháng 4 năm 2011.

Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay được xây dựng với tổng diện tích khoảng 6000 m2, nằm trong khuôn viên thành Điện Hải, di tích lịch sử nơi Nguyễn Tri Phương chặn những bước chân xâm lược đầu tiên của thực dân Pháp vào Việt Nam năm 1858. Trong đó, không gian trưng bày với diện tích hơn 3000m2, gồm 3 tầng giới thiệu hơn 2.500 tư liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa của thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận; đặc biệt, có hơn 1.900 hiện vật gốc được sưu tầm từ sau ngày giải phóng đến nay, nhiều tư liệu hiện vật quý, lần đầu tiên ra mắt công chúng.

Mở đầu không gian trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng là gian trưng bày tổng quan về Đà Nẵng được bố trí trang trọng, thiết kế theo hình vòng cung, lấy ý tưởng từ thế đất Đà Nẵng như một vòng tay lớn ôm lấy biển khơi. Trung tâm của không gian này là hình ảnh 5 cánh buồm, tượng trưng cho thành phố biển đang vươn ra biển lớn, trên đó khắc họa các bức phù điêu với nội dung: Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử của đất nước. Tại đây trưng bày các hiện vật lịch sử với các chủ đề như: Địa lý tự nhiên; Đà Nẵng thời tiền sơ sử; các bộ  sưu tập cổ vật; đời sống của ngư dân biển và cảng biển; đô thị Đà Nẵng trước năm 1975; Đà Nẵng hội nhập và phát triển; các làng nghề thủ công truyền thống;...

 

Tầng hai trưng bày chuyên đề Đà Nẵng mở đầu mặt trận chống thực dân Pháp 1858 - 1860; các phong trào yêu nước trước năm 1930; kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Đặc biệt nơi đây chọn lọc trưng bày lại các bộ sưu tập của Bảo tàng chứng tích chiến tranh trước đây. Gian trưng bày đã tái hiện lại cuộc đấu tranh của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc. Tại đây, bằng các tranh ảnh và hiện vật, một số sự kiện chính đã được thuật lại như sự kiện quân Mỹ đổ bộ và xây dựng căn cứ, cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Đà Nẵng... chiến tích tội ác của Đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh Viêt Nam.

Toàn bộ khu vực tầng ba là nơi tái hiện lại bức tranh sinh động về Khảo cổ học, văn hóa Sa Huỳnh và  dân tộc học Quảng Nam- Đà Nẵng. Bước đến gian bên phải chính là không gian trưng bày văn hóa của một số dân tộc thiểu số ở Quảng Nam như: Cơ Tu, Xơ Đăng, Co ,Giẻ Triêng… mà chủ yếu tập trung ở dân tộc Cơ Tu - gương mặt văn hóa tiêu biểu cho các tộc người nơi đây. Trong gian trưng bày này, người tham quan được trực tiếp khám phá đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số. Các hiện vật được trưng bày đã nói lên phong cách sống, nếp sống  những phong tục cũng như tư duy của con  người đối với xã hội. Ấn tượng ban đầu được khắc họa bởi hai bức tượng đặt ở cổng làng của người Ca dong (thuộc dòng Xơ Đăng). Hai bức tượng dữ dằn được làm từ cây thuộc họ dương xỉ một tay cầm quạt, một tay cầm roi nhằm xua đuổi tà ma đã thể hiện sự tôn nghiêm của con người đối với môi trường sống. Nếu như biểu tượng  làng của dân tộc Kinh là cây đa, bến nước, sân đình thì đối với người Ca dong, làng hiện hữu trong tâm thức họ trước hết chính là hai bức tượng gỗ này.

 

Bảo tàng Đà Nẵng được đầu tư phương tiện trưng bày, thiết bị nghe nhìn và hệ thống chiếu sáng hiện đại, cùng đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan được đào tạo bài bản. Nhờ vậy, bên cạnh chức năng trưng bày hiện vật, Bảo tàng còn thực hiện các cuộc trưng bày chuyên đề, mời nhân chứng kể chuyện lịch sử, nhằm giới thiệu đến người xem lịch sử của thành phố ở hình thức phi vật thể. Đặc biệt, nhiều trường học đã phối hợp với Bảo tàng tổ chức các chương trình học tập ngoại khóa, vui chơi giải trí... cho học sinh; tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia bảo vệ, chăm sóc, trồng cây lưu niệm tại di tích Thành Điện Hải, qua đó giáo dục cho các em về ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ các giá trị của di tích lịch sử, văn hóa mà cha ông để lại.

Có thể nói, Bảo tàng Đà Nẵng không chỉ là nơi lưu giữ, tôn vinh các giá trị văn hóa, dân tộc mà còn là một địa chỉ giúp nhân dân thành phố và du khách hiểu rõ hơn lịch sử hình thành, phát triển và đấu tranh của thành phố.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT