Hầm Hải Vân – dấu ấn trên hành trình Bắc-Nam
Sau gần 5 năm xây dựng, ngày 5/6/2005 hầm Hải Vân chính thức khánh thành. Những người lái xe trên lộ trình Bắc-Nam nay chỉ còn mất 10-15 phút để "vượt đèo Hải Vân" trên đoạn đường hầm dài hơn 12 km thay vì mất gần 1 giờ đồng hồ "leo lên rồi tuột dốc" con đường đèo 21 km nếu không gặp bất kỳ sự cố nào. Và cũng từ ngày ấy, đường đèo Hải Vân chính thức chấm dứt sứ mệnh gần 1 thế kỷ là con đường thiên lý Bắc- Nam để trở thành con đường du lịch độc đáo.

Đèo Hải Vân là ranh giới tự nhiên của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ nhiều thế kỷ trước, đèo Hải Vân không chỉ được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” mà còn là quan ải hùng vĩ bậc nhất trên con đường Nam tiến của dân tộc. Những ấn tượng về sự hiểm trở, nguy hiểm khi vượt đèo được ghi lại trong câu ca dao “Đi bộ thì khiếp Hải Vân, đi thủy thì sợ sóng thần hang Dơi”.

Đầu thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước, triều Nguyễn chọn Huế làm kinh đô, Hải Vân trở thành cửa ngõ của kinh sư. Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên”, dưới thời vua Minh Mạng, đường qua đèo được xây cất, lát đá; đặc biệt vào năm Bính Tuất 1826 một cụm công trình được xây dựng giữa đỉnh đèo cấu thành một pháo đài quân sự kiên cố gọi là Hải Vân Quan. Sau khi chiếm xong Trung Kỳ, Tổng tư lệnh binh đoàn Pháp, tướng De Courcy ra lệnh cấp tốc mở ngay con đường chiến lược qua đèo Hải Vân để nối Huế với Đà Nẵng, đồng thời có thể cơ động quân nhanh chóng để bình định Quảng Nam khi cần. Lực lượng công binh Pháp đã bắt dân phu hai tỉnh làm đường từ năm 1886.
 
 
Hải Vân Quan

Đoạn đường bộ qua đèo Hải Vân dài gần 21km, trải qua dấu vết của thời gian và lịch sử cộng thêm địa hình phức tạp nên dù được nâng cấp, sửa chữa, mở rộng thì đây cũng là cung đường nguy hiểm đối với các lái xe. Nhũng cung đường vòng vo, uốn lượn bám theo sườn núi, những khúc cua gấp cứ liên tục nối đuôi nhau có thể quật ngã bất kỳ chiếc xe nào “lơ đễnh”. Đặc biệt là vào mùa mưa bão thường xảy ra các vụ lở đá gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông làm thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Để góp phần giải quyết vấn đề an toàn giao thông cũng như bắt kịp yêu cầu hội nhập, phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm thực hiện đường hầm xuyên núi.

Các nghiên cứu khả thi dự án xây dựng đường hầm đã được thực hiện từ năm 1996, và đến đầu năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 250 triệu USD từ nguồn vốn vay của của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và một phần đối ứng của Nhà nước.

Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân là một công trình giao thông tổng hợp gồm: đường, hầm, cầu và trang thiết bị vận hành đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng ở phía Nam hầm. Đây là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á và là một trong 30 hầm đường bộ lớn và dài trên thế giới tại thời điểm thông xe (ngày 5/6/2005). Toàn tuyến công trình hầm đường bộ Hải Vân có chiều dài 12,047 km, được thiết kế vĩnh cửu, tốc độ thiết kế 80km/h. Trong đó, hầm chính dài 6.280m có chiều rộng 10 m cho 2 làn xe, độ cao cho phép xe đi qua là 7,5m; hầm cứu nạn chạy song song với hầm chính và có chiều dài tương tự, chiều rộng 4,7m, được nối với nhau bằng các hầm ngang, là đường thoát hiểm cho người và phương tiện khi có sự cố xảy ra. Đường hầm được xây dựng theo phương pháp NATM của Áo – đây là phương pháp thi công hiện đại, phù hợp với điều kiện kết cấu địa chất của Việt Nam, đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng để thi công đường hầm giao thông, hầm thuỷ điện… Hầm được làm theo dạng hình tròn để tăng khả năng chịu lực, tránh tập trung ứng suất tại góc. Theo thống kê, bình quân mỗi ngày đêm có khoảng 6.500 lượt xe lưu thông qua hầm Hải Vân;  những ngày Lễ, Tết con số đó có thời điểm tăng gấp đôi.

Việc thông xe công trình hầm đường bộ Hải Vân đã cải thiện cơ bản điều kiện giao thông qua lại trên đoạn đường đèo hiểm trở, rút ngắn hành trình Bắc-Nam, giảm tiêu hao nhiên liệu, hư hỏng phương tiện, đặc biệt là góp phần hạn chế những thiệt hại không thể lường trước do ách tắc, tai nạn giao thông xảy ra hàng năm so với đường đèo, mang lại lợi ích kinh tế-xã hội to lớn.
 

Hầm đường bộ Hải Vân là một minh chứng sinh động cho công cuộc công nghiệp hóa- hiện đại hóa của ngành giao thông vận tải. Bên cạnh ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, công trình hầm Hải Vân còn góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông hành lang kinh tế Đông-Tây, góp phần đưa khu vực miền Trung-Tây Nguyên Việt Nam xích lại gần hơn với khu vực Đông Nam Á cũng như hội nhập quốc tế.

Trở lại với những cung đường đèo, sau khi chấm dứt sứ mệnh thiên lý Bắc-Nam, đèo Hải Vân đã trở thành điểm đến thu hút nhiều tour tham quan. Lên đến độ cao gần 500 m so với mực nước biển, sau một chặng dài vượt đèo, hiện ra trước mắt du khách là cả một đất trời bao la, với Hải Vân Quan lừng lững án ngữ giữa ngàn mây hơn hai trăm năm qua. Đứng giữa không gian hùng vĩ, sương mờ giăng giăng trên đầu, thấp thoáng phía xa tầm mắt những cung đường quanh co “một bên rừng, một bên biển”, có lẽ khó có ngôn từ nào có thể diễn tả hết cảm nhận của du khách về vẻ đẹp nơi đây.

Để khai thác tốt nhất tiềm năng du lịch nơi đây, đầu năm 2013, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định công nhận Đỉnh đèo Hải Vân là điểm du lịch địa phương của thành phố Đà Nẵng. Tiếp sau đó, thành phố cũng lên phương án xây dựng đèo Hải Vân thành điểm du lịch quốc gia.

CẨM NHUNG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT