Cẩm Lệ, đổi thay kỳ diệu

Dù song hành chỉ một nữa chặng đường trong hai mươi năm phát triển của thành phố, nhưng để nói một điều về Cẩm Lệ thì đó chính là sự đổi thay kỳ diệu. Từ một vùng ven đô thị, nông nghiệp chủ yếu, thì nay Cẩm Lệ đã là một đô thị hiện đại, với những điểm nhấn có thể nói mang tính bước ngoặt. Về Cẩm Lệ hôm nay, mới cảm nhận hết được nhịp điệu phát triển, đổi thay từng ngày ở nơi đây. Cả một vùng ven thành phố bừng sáng.

Chuyện ở rốn lũ Hòa Xuân

Nhắc đến Cẩm Lệ, nhiều người liên tưởng ngay đến Hòa Xuân bởi sự đặc biệt của nơi này. Với địa hình trũng thấp, nằm giữa 2 con sông lớn là Cẩm Lệ và sông Cái, Hòa Xuân cứ phải oằn mình chống lũ lụt mỗi mùa mưa về. Đến nỗi nơi đây được mệnh danh là rốn lũ của thành phố. Người dân thì quanh năm chỉ biết đến ruộng đồng. Dẫu chính quyền và nhân dân nơi đây đã nỗ lực để Hòa Xuân khang trang hơn, xứng tầm hơn với đà phát triển của một thành phố trực thuộc Trung ương như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bê tông hóa đường liên thôn theo chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm”…, nhưng về cơ bản, đặc điểm tự nhiên không cho phép Hòa Xuân vươn mình lên tầm đô thị.

Đó là câu chuyện của 10 năm trở về trước. Sự kiện thành lập quận Cẩm Lệ theo Nghị định 102-NĐ/CP ngày 28/8/2005 và xã Hòa Xuân thuộc huyện Hòa Vang được chuyển sang đơn vị hành chính thuộc quận Cẩm Lệ đã đánh dấu và mở ra một trang sử mới trong xây dựng và phát triển phường Hòa Xuân, một đô thị hiện đại như hôm nay. 

Đô thị Hòa Xuân vừa đẹp, hiện đại, thêm chút thơ mộng

Tuy nhiên, mốc lịch sử đối với Hòa Xuân phải nói đến thời điểm tháng 8/2008, khi thành phố tổ chức họp dân công bố quy hoạch, triển khai chủ trương giải tỏa đền bù dự án khu Đô thị sinh thái Hòa Xuân. Đến năm 2010 thành phố tiếp tục công bố nhiều dự án tái định cư, giải tỏa hầu hết diện tích đất tự nhiên của phường. Cùng với sự nỗ lực của chính quyền, sự đồng thuận của người dân đã đưa Hòa Xuân từ một ốc đảo thành khu đô thị mới, một phường gần như duy nhất trong cả nước không có kiệt hẻm.

Rốn lũ không còn. Nhiều công trình kinh tế - xã hội, văn hóa quan trọng quy mô lớn, chất lượng cao được đầu tư xây dựng như tuyến đường Võ Chí Công, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông, cầu Hòa Xuân, cầu Trung Lương, khu xử lý nước thải, sân vận động Hòa Xuân, các thiết chế văn hóa….. đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo của Hòa Xuân.

Và chuyện Cẩm Lệ

Một góc Cẩm Lệ

Nhiều người nhận định, Hòa Xuân như một Cẩm Lệ thu nhỏ. Có thời điểm, Cẩm Lệ có hơn 100 dự án lớn nhỏ được triển khai, như một đại công trình. Những khu tái định cư mọc lên, những con đường vươn xa nối liền với những địa phương lân cận, những nhịp cầu mới bắc qua sông. Và nhắc đến cầu, không thể không nói đến cầu vượt Ngã ba Huế, một trong những điểm nhấn của thành phố Đà Nẵng. Dù Cẩm Lệ chỉ “sở hữu” một phần, cùng với 2 quận Thanh Khê và Liên Chiểu, nhưng người Cẩm Lệ cũng rất tự hào về sự hiện diện của công trình bề thế này. Bởi để có được cây cầu vượt vừa đẹp, vừa hiện đại như hôm nay, 69 hộ dân của phường Hòa An nằm trong diện giải tỏa cho dự án đã nhanh chóng bàn giao mặt bằng, đưa Cẩm Lệ trở thành địa phương đầu tiên của 3 quận hoàn thành sớm công tác bàn giao mặt bằng.

Một công trình đặc biệt, và dưới cây cầu ấy, hôm nay, tuyến đường gom dân sinh dọc đường sắt nối từ Ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm cũng đang được tiến hành thi công. Đây cũng là một công trình trọng điểm mà theo người dân nơi đây, họ đã chờ đợi gần 40 năm qua.

Ông Ngô Trường Kiện, 78 tuổi, trú tổ 40 phường Hòa An cho hay, ông đã sống ở con đường này gần 40 năm. Ngần ấy năm, người dân lúc nào cũng mong chờ con đường này sẽ được mở rộng. Bây giờ điều đó đã trở thành hiện thực. “Người dân ý kiến mở rộng con đường này nhiều lần rồi nhưng chưa được. Đến khi tiếp xúc cử tri, nghe ông Thanh (Cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh) nói thành phố cũng có chủ trương mở rộng con đường gom này, người dân chúng tôi rất mừng và biết chắc là sẽ thành hiện thực”, ông Kiện chia sẻ.

Nhìn con đường đang được thi công, ông Kiện hồ hởi cho biết: “Chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm được người dân đồng thuận, hoan nghênh lắm, sẵn sàng nhường đất, bàn giao mặt bằng để dự án thi công. Bởi con đường sau này sẽ góp phần rất lớn trong việc cải thiện cảnh quan đô thị cũng như đời sống người dân nơi đây”.

Bây giờ, Cẩm Lệ đã trở thành một đô thị trọng điểm phía Tây Nam thành phố, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại, dịch vụ với công nghiệp- xây dựng chiếm 56,6%, thương mại- dịch vụ đạt 42,8% và nông nghiệp 0,6%. Giá trị sản xuất tăng bình quân 12%. Thời gian đến, Cẩm Lệ định hướng phát triển du lịch kết hợp sinh thái, tâm linh, hình thành các phố chuyên doanh…phù hợp với định hướng chung của thành phố.

Nhìn lại chặng đường phát triển, yếu tố tiên quyết và không thay đổi ở Cẩm Lệ đó chính là lòng dân. Chính sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân mà các công trình, các dự án trọng điểm, mang tính lịch sử ở Cẩm Lệ mới có thể triển khai và hoàn thành như hôm nay. Cũng dễ hiểu, bởi để có một Đà Nẵng hôm nay, chính quyền đã làm tất cả vì lợi ích nhân dân, và nhân dân chung tay để cùng xây dựng thành phố. Đó là một truyền thống tốt đẹp và không hề thay đổi./.

Trực Tô

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT